📞

Kinh tế thế giới: ‘Cuộc chuyển đổi ác tính’

TIẾN THÀNH 15:35 | 15/10/2022
Theo nhận định của IMF, có tới một phần ba nền kinh tế thế giới sẽ có mức tăng trưởng âm vào cuối năm nay. Thiệt hại toàn cầu do suy thoái có thể lên tới 4.000 tỷ USD vào năm 2026.
Kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái do lạm phát tăng cao. (Nguồn: Istock)

Đây là hệ quả trực tiếp từ cuộc xung đột ở Ukraine cùng giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Thêm vào đó, việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát dẫn đến hệ lụy làm đình trệ tốc độ tăng trưởng. Nhìn tổng thể, kinh tế toàn cầu đang chuyển từ môi trường có lạm phát và lãi suất thấp sang một thế giới “dễ biến động và mong manh hơn”.

Tác động dễ thấy của “cuộc chuyển đổi ác tính” này là tình trạng nợ nần tăng thêm. Chỉ tính riêng trong năm 2022, khoảng 44 tỷ USD tiền nợ ở một số nước nghèo nhất đến hạn phải thanh toán, lớn hơn dòng viện trợ nước ngoài mà các nước này có thể hy vọng nhận được. WB cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với “làn sóng thứ năm của cuộc khủng hoảng nợ” tính từ năm 1970 đến nay.

Tăng trưởng chậm lại, thậm chí là suy giảm, nguồn lực đương nhiên bị ảnh hưởng, gánh nặng nợ nần càng đè nặng thêm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, nguy cơ có thêm nhiều nước vỡ nợ là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện thì Sri Lanka đã vỡ nợ chính phủ, trong khi Bangladesh và Pakistan đều đã phải liên hệ với IMF đề nghị được giúp đỡ để tránh rơi vào tình trạng tương tự.

Mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà Liên hợp quốc đề ra không thể sớm trở thành hiện thực. WB ước tính, Covid-19 đã đẩy khoảng 70 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực, trong khi có khoảng 719 triệu người sống với mức dưới 2,15 USD/ngày vào cuối năm 2020. Làm sao có thể cải thiện mức sống khi mà suy thoái đang rõ dần.