Trước khi bước sang năm 2023, một loạt yếu tố từng mang lại tăng trưởng trong nhiều thập kỷ qua lần lượt biến mất. (Nguồn: Chinadaily) |
Lịch sử cho thấy, các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Viễn cảnh suy thoái đang đến rất gần, khi một loạt yếu tố từng mang lại tăng trưởng trong nhiều thập kỷ qua, như lãi suất thấp, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, địa chính trị ít biến động… lần lượt biến mất.
“Thắt chặt túi tiền toàn cầu”
Một thị trường lao động mạnh mẽ cùng với lạm phát cao khiến Fed không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Lãi suất cơ bản của Fed dự kiến đạt 5% vào đầu năm 2023, tăng từ mức gần 0 vào đầu năm nay. Việc Fed thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ đã và đang tác động xấu tới không chỉ kinh tế Mỹ, mà cả thế giới. Với chi phí đi vay cao hơn, các ngành nhạy cảm với lãi suất từ bất động sản đến ôtô đang bị ảnh hưởng. Bloomberg Economics dự báo, kinh tế Mỹ có khả năng suy thoái vào nửa cuối năm 2023, hơn 2 triệu lao động có thể sẽ mất việc.
Tình hình có thể tốt hơn nếu lạm phát biến mất nhanh chóng. Nhưng ngược lại, sẽ tệ hơn khi đại dịch khiến thị trường lao động rơi vào tình trạng khủng hoảng, đẩy “tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên”-mức độ thất nghiệp cần thiết để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát - lên cao hơn mức đã có trong những năm gần đây.
Nếu điều đó xảy ra ở Mỹ, Fed có thể phải tăng lãi suất cao tới 6%, đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc suy thoái dài và sâu hơn. Khó khăn sẽ nhân rộng trên toàn thế giới, khi nhiều quốc gia khác cùng chung “cảnh ngộ” và các ngân hàng trung ương đang nỗ lực “theo chân” Fed, thắt chặt tài chính mạnh mẽ nhằm kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, những nền kinh tế cố đi ngược xu hướng này cũng không thể bình yên. Điển hình là trường hợp của Nhật Bản-mắc kẹt với lãi suất âm, nhưng vẫn phải trả giá đắt với đồng Yen mất hơn 15% giá trị so với USD.
Vấn đề lớn ở đây là “túi tiền” đang bị thắt chặt một cách đồng bộ trên toàn cầu, khiến gần như mọi nền kinh tế lớn đang bị hãm lại. Thực tế chính sách kinh tế chưa bao giờ nghiêng quá nhiều về lãi suất như vậy, trong năm thập kỷ qua. Trong những quý tới, lực cản đối với các hoạt động kinh tế có nguồn gốc từ “phong trào” thắt chặt chính sách tiền tệ trên sẽ tăng lên.
Khó kỳ vọng vào Trung Quốc
Ngoài Mỹ, các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc và châu Âu cũng đang hoạt động không tốt, từ đó làm tăng thêm nguy cơ về một cuộc suy thoái toàn cầu.
Bloomberg Economics dự báo, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 5,7% cho năm 2023. Nếu mở cửa lại nền kinh tế sau dịch Covid-19, động lực tăng trưởng sẽ bù đắp được cho lực cản từ bất động sản suy yếu.
Trong trường hợp tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn chậm lại thì sẽ gây ảnh hưởng khắp thế giới. Chịu tác động lớn sẽ là các nước trong khu vực và cả những nhà sản xuất hàng hóa lớn như Australia và Brazil…
Trong khi đó, những căng thẳng địa chính trị với phương Tây đang leo thang khi Washington tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Ngược lại, Trung Quốc muốn đẩy lùi các lệnh trừng phạt của phương Tây một cách quyết đoán hơn.
Đừng chờ châu Âu
Mảnh ghép cuối cùng có thể đẩy thế giới tới rủi ro là sự phân cực của thế giới, vốn đã gây ra những “cái giá” đắt đỏ đối với châu Âu.
Cùng với đồng minh Mỹ, châu Âu đứng về phía Ukraine. Đòn trừng phạt qua lại giữa Mỹ, châu Âu và Nga đã khiến “lục địa già” rơi vào tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng, khiến giá khí đốt và điện tăng vọt.
Bloomberg Economics dự báo, chi phí năng lượng cao và việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất sẽ đẩy khối này vào suy thoái, với GDP giảm 0,1% vào năm 2023.
Với một chút may mắn (mùa Đông không quá khắc nghiệt) và một chính sách năng lượng phù hợp, châu Âu có thể tránh được suy thoái. Nếu không có cả hai yếu tố này, kinh tế EU có thể bị co lại và thiệt hại được dự báo sẽ tương đương như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hiện tại, giá dầu đã giảm từ mức cao nhất gần 130 USD một thùng trong nửa đầu năm nay nhưng rủi ro từ biện pháp trừng phạt mới với Nga, nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC, có thể đẩy giá tăng trở lại vào năm sau, mở ra thử thách mới về vấn đề năng lượng cho châu lục này.
Rủi ro nợ công
Khi tốc độ tăng trưởng cao hơn lãi suất, chi phí đi vay ít hơn. Vì vậy, các chính phủ đã tích cực vay nợ. Tổng nợ của nhóm G7 tăng từ 81% GDP năm 2007 lên 128% GDP năm nay.
Nhưng khi tăng trưởng đang chậm lại, lãi suất thì đi lên, có nghĩa là chi phí đi vay ngày càng đắt đỏ trong lúc đến hạn trả nợ. Vì vậy, một số nền kinh tế lớn có thể rơi vào quỹ đạo nợ không bền vững, trừ khi họ thực hiện những điều chỉnh tài khóa khó khăn.
Mô hình phân tích của Bloomberg Economics cho rằng, rủi ro vỡ nợ sắp xảy ra tập trung ở các nền kinh tế nhỏ, chỉ chiếm 3% GDP toàn cầu. Trong khi đó, các nước đang phát triển lớn hơn có khả năng thoát khỏi khủng hoảng nợ.
Khi nào suy thoái sẽ xảy ra?
Với tất cả vấn đề trên, khó có thể phủ nhận, nền kinh tế toàn cầu đang ở trên một nền tảng yếu hơn nhiều so với trước đây.
Theo Business Times, câu hỏi về suy thoái toàn cầu không còn là liệu có thể xảy ra hay không, mà là khi nào sẽ xảy ra. Bởi ngoài những yếu tố chính, còn nhiều vấn đề tiềm tàng khác có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, như sự rạn nứt địa chính trị, quan hệ giữa các cường quốc, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, thị trường bất động sản, nguy cơ dịch bệnh, hiện tượng thời tiết cực đoan…
Tuy nhiên, cuộc suy thoái sắp tới được dự đoán khó có thể nghiêm trọng như cuộc suy thoái xảy ra trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn mạnh. Hệ thống tài chính hiện cũng mạnh hơn so với trước đây.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là cuộc suy thoái sắp tới có thể sẽ do lạm phát chứ không phải do tín dụng thúc đẩy, điều này sẽ ít gây thiệt hại hơn cho thu nhập của doanh nghiệp và giá cổ phiếu.
| Kinh tế Nga: Thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục, điều gì sẽ đến vào năm 2023? Việc thặng dư tài khỏa vãng lai cao kỷ lục mang lại dư địa tài khóa rất cần thiết khi nền kinh tế của Nga ... |
| Tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2023 giảm mạnh vì hai lý do Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) giảm mạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Hàn Quốc, với lý ... |
| Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức Ngày 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ ... |
| Kinh tế Việt Nam 2022: Kiên cường hơn, linh hoạt hơn, cạnh tranh hơn Nỗ lực cải cách thể chế và các chính sách hiệu quả cho giai đoạn hậu Covid-19 đã và đang củng cố vị trí dẫn ... |
| Lạm phát tràn lan định hình kinh tế thế giới năm 2022 Viễn cảnh ảm đạm bao trùm kinh tế thế giới năm 2022 khi lạm phát tràn lan, Mỹ và các đồng minh châu Âu gia ... |