Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã giảm nguồn cung xuất khẩu khí đốt tới châu Âu qua hệ thống đường ống nối từ Nga tới Đức. Trong ảnh: Nhân viên kỹ thuật làm việc tại trạm bơm khí đốt tự nhiên ở Sayda, miền Đông Đức. (Nguồn: AP) |
Kinh tế thế giới
Các bộ trưởng ngoại giao G20 dự kiến thảo luận về các nỗ lực phục hồi toàn cầu
Ngày 6/7, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20 FMM) với chủ đề “Cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn” sẽ là diễn đàn chiến lược để thảo luận về các nỗ lực phục hồi toàn cầu.
Diễn ra vào ngày 7-8/7 tại Bali (Indonesia), G20 FMM bao gồm hai phiên họp. Phiên đầu về tăng cường chủ nghĩa đa phương sẽ thảo luận các động thái chung nhằm tăng cường hợp tác toàn cầu và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho ổn định, hòa bình và phát triển của thế giới.
Trong phiên đầu tiên, hai diễn giả đặc biệt gồm Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, và Giáo sư Jeffrey Sachs thuộc Đại học Columbia (Mỹ) sẽ chia sẻ ý kiến và quan điểm về việc tăng cường các nguyên tắc và diễn đàn đa phương trong bối cảnh tình hình địa chính trị hiện nay.
Phiên thứ hai về an ninh lương thực và an ninh năng lượng sẽ thảo luận về các bước đi chiến lược nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực, tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao.
Tại phiên này, ba diễn giả đặc biệt - gồm Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley, Đại diện đặc biệt của TTK LHQ về năng lượng bền vững cho tất cả mọi người và là đồng Chủ tịch Chương trình Hành động năng lượng Liên hợp quốc (UN-Energy) Damilola Ogunbiyi, và Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới Mari Elka Pangestu - sẽ chia sẻ về tác động của cuộc xung đột hiện nay đối với kinh tế và sự phát triển của thế giới. (TTXVN)
Nợ doanh nghiệp ròng trên toàn cầu giảm xuống 8.150 tỷ USD
Theo một nghiên cứu đối với 90 doanh nghiệp hàng đầu được công bố ngày 6/7, nợ doanh nghiệp ròng trên toàn cầu đã giảm 1,9%, xuống 8.150 tỷ USD trong năm qua.
Kết quả trên được ghi nhận khi chi phí đi vay tăng đã làm giảm nhu cầu vay mới và dòng tiền mặt mạnh sau nhiều năm các điều kiện tiền tệ được nới lỏng giúp các doanh nghiệp hoàn trả các khoản vay.
Theo chỉ số nợ doanh nghiệp của công ty đầu tư Janus Henderson, số nợ được dự báo giảm 270 tỷ USD trong năm tới, khi các doanh nghiệp có quan điểm bảo thủ hơn do lãi suất tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Dự báo này được đưa ra dự trên bản cân đối kế toán của các doanh nghiệp tính đến ngày 1/6.
Nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp trên toàn cầu có xu hướng giảm vay vốn, nợ ròng của các doanh nghiệp Mỹ tăng 0,5% trong năm qua. Janus Henderson cho biết, việc có tỷ lệ lớn nguồn tài chính từ tiền đi vay có nghĩa chỉ 1/6 các doanh nghiệp Mỹ có tiền mặt ròng trong bản cân đối kế toán, so với con số 1/3 ở các nơi khác trên thế giới.
Các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu nhằm ngăn chặn tác động của đại dịch. Tuy nhiên, với các nền kinh tế đang phục hồi và lạm phát tăng mạnh, các ngân hàng trung ương bắt đầu đảo ngược các biện pháp kích thích, với nguy cơ khiến nền kinh tế giảm tốc mạnh. (ibtimes)
Kinh tế Mỹ
* Ngày 5/7, các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc điện đàm "thẳng thắn" để thảo luận về những thách thức kinh tế toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến chuỗi cung ứng.
Hai bên nhất trí rằng, khi kinh tế thế giới đối mặt với những thách thức lớn, việc tăng cường liên lạc và phối hợp chính sách vĩ mô giữa Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, việc cùng nhau duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp toàn cầu là lợi ích của cả hai quốc gia và toàn thế giới.
Theo THX, cuộc điện đàm diễn ra theo yêu cầu từ phía Mỹ và cuộc trao đổi có tính chất xây dựng. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, hai bên đã thảo luận về sự phát triển tài chính và kinh tế vĩ mô tại Mỹ và Trung Quốc, triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh giá hàng hóa tăng và những thách thức về an ninh lương thực. (AFP)
* Các chuyên gia kinh tế nhận định, kỳ suy thoái kinh tế kế tiếp tại Mỹ nhiều khả năng sẽ xuất hiện vào cuối năm nay, có thể ở mức vừa phải nhưng kéo dài và gây tổn thương không ít cho các gia đình Mỹ.
Theo Bloomberg, nhiều nhà quan sát kỳ vọng mức suy giảm kinh tế Mỹ sẽ không nghiêm trọng như trong cuộc khủng hoảng tài chính thời kỳ 2007-2009, hay đợt suy thoái trong những năm 1980.
Tuy nhiên, lạm phát leo thang có thể là nhân tố khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không vội vàng đưa ra chính sách đảo ngược đà suy giảm kinh tế. Vì vậy suy thoái có thể ở mức vừa phải, nhưng thời gian có thể kéo dài hơn. (AP)
Kinh tế Trung Quốc
* Theo báo Thương gia của Nga, các thương hiệu điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay và đồ gia dụng Trung Quốc đã bắt đầu thay thế sản phẩm của các công ty lớn phương Tây đã rời bỏ Nga và sắp tới dự kiến các thương hiệu này của Trung Quốc sẽ chiếm 90% thị trường Nga.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc Realme, Vivo, Mi, Tecno, Infinix, iTel và Nokia đã đứng đầu về doanh số bán hàng tại Nga. Một số thương hiệu đã tăng trưởng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bài báo lưu ý rằng thị phần của Apple (Mỹ) giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi Samsung của Hàn Quốc giảm 15%. Theo các đại diện trên thị trường Nga, thị phần của các thương hiệu công nghệ Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm 2022. (TTXVN)
Kinh tế châu Âu
* Ủy viên Thị trường nội khối Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton kêu gọi Đức duy trì vận hành các nhà máy điện hạt nhân của nước này thêm một thời gian nữa, trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung năng lượng hiện nay. Đức dự kiến đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay.
Theo ông Breton, việc duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân tại Đức là vì lợi ích của cả châu Âu, trong bối cảnh Nga đã cắt giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực này. (Reuters)
* Người phát ngôn Bộ Kinh tế liên bang Đức Beate Baron ngày 4/7 cho biết, bộ này đang đàm phán với EU và Canada để đưa trở lại tuabin khí của hệ thống đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) đang bị mắc kẹt ở Canada sau thời gian bảo trì.
Trước đó, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã giảm nguồn cung xuất khẩu khí đốt tới châu Âu qua hệ thống đường ống nối từ Nga tới Đức này, viện dẫn các vấn đề kỹ thuật. Theo Bộ Kinh tế Đức, hiện nước này đang tiếp tục nỗ lực lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, song do giá khí đốt cao nên tình hình ngày càng khó khăn. (TTXVN)
* Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) của EU sẽ đề xuất một cơ cấu tài trợ trước đó được sử dụng trong đại dịch để hỗ trợ Ukraine tái thiết với số tiền đầu tư lên đến 100 tỷ Euro (104,3 tỷ USD).
Quỹ Tín thác Cửa ngõ EU-Ukraine (E-U GTF) sẽ kêu gọi các khoản đóng góp ban đầu 20 tỷ Euro từ các nước thành viên EU và sử dụng ngân sách của khối dưới hình thức tài trợ, cho vay và bảo lãnh.
Các khoản bảo lãnh sẽ có hiệu quả với cấp số nhân khi đưa đến các dự án cơ sở hạ tầng với tổng số vốn đầu tư khoảng 100 tỷ Euro, đáp ứng khoảng hơn một nửa nhu cầu cấp thiết của Ukraine. (Reuters)
* Gassco, nhà điều hành đường ống thuộc sở hữu nhà nước của Na Uy, cảnh báo, nguồn cung cấp khí đốt của nước này cho Vương quốc Anh có thể bị cắt vào cuối tuần này nếu bất đồng về tiền lương cho công nhân dầu khí gia tăng.
Cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu ngày càng gia tăng sau khi một trong những nhà khai thác lớn nhất của Na Uy buộc phải đóng cửa ba mỏ dầu và khí đốt sau khi công nhân đình công.
Giá khí đốt của Anh đạt mức cao nhất trong ba tháng vào ngày 5/7 khi công ty năng lượng Equinor cho biết các mỏ trên thềm lục địa của Na Uy, nơi sản xuất tương đương 89.000 thùng dầu mỗi ngày, sẽ tạm dừng sản xuất. (The Guardian)
Mỹ-Trung Quốc nhất trí rằng, khi kinh tế thế giới đối mặt với những thách thức lớn, việc tăng cường liên lạc và phối hợp chính sách vĩ mô giữa hai nước đóng vai trò quan trọng. (Nguồn: Getty) |
* Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 5/7 dự báo tiêu thụ khí đốt sẽ giảm nhẹ trong năm nay do giá tăng cao và Nga cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu. Thị trường này sẽ tăng trưởng chậm lại trong những năm tới khi người tiêu dùng chuyển sang các năng lượng thay thế khác.
Cụ thể, cơ quan này dự báo tiêu thụ khí đốt toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,4% vào năm 2025, tăng 140 tỷ m3 so với mức năm 2021. Con số này thấp hơn mức tăng 175 tỷ m3 được ghi nhận chỉ tính riêng trong năm 2021.
Theo IEA, hậu quả từ xung đột Nga-Ukraine đối với giá khí đốt toàn cầu và căng thẳng nguồn cung, cũng như những hệ lụy của các vấn đề này đối với triển vọng kinh tế dài hạn, đang định hình lại triển vọng đối với khí đốt tự nhiên. (TTXVN)
* Quốc hội Nga ngày 6/7 đã gấp rút thông qua hai dự luật kinh tế, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho lực lượng vũ trang và yêu cầu nhân viên tại một số công ty phải làm việc ngoài giờ.
Sau khi được Tổng thống Vladimir Putin ký phê chuẩn, các dự luật sẽ cho phép chính phủ áp dụng “các biện pháp kinh tế đặc biệt" trong giai đoạn tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. (Reuters)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Nhật Bản có thể sẽ tạm hoãn triển khai chương trình kích cầu du lịch mới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở nước này.
Theo Kyodo, Thủ tướng Fumio Kishida dự định sẽ bắt đầu triển khai chương trình kích cầu du lịch mới trong nửa đầu của tháng 7/2022, nhưng bây giờ chương trình này có thể sẽ tạm hoãn. Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 và sẽ đưa ra quyết định vào tuần tới sau cuộc bầu cử Thượng viện. (Kyodo)
* Tại cuộc họp Nội các ngày 5/7, chính phủ Hàn Quốc đã thẩm định và thông qua "Phương hướng chính sách năng lượng mới" trong đó chính thức thay thế chính sách xóa bỏ dần nhà máy điện nguyên tử của cựu Tổng thống Moon Jae-in và công bố nâng tỷ trọng điện nguyên tử lên 30% trên tổng lượng phát điện cho tới năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030, tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng (cơ cấu theo nguồn điện) sẽ tăng từ 23,9% lên hơn 30%. Khi lượng điện bổ sung được đảm bảo từ các nhà máy điện hạt nhân, tỷ lệ năng lượng mới và năng lượng tái tạo sẽ giảm xuống.
Tuy nhiên, Bộ chủ quản không đề cập mức giảm đối với năng lượng tái tạo vốn được chính quyền tiền nhiệm đặt mục tiêu chiếm 30,2% tổng nguồn năng lượng quốc gia. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 5/7, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lên 1,35%, mức cao nhất trong vòng hơn 3 năm qua.
Đây là tháng thứ ba liên tiếp RBA tăng lãi suất, khẳng định xu hướng thắt chặt tiền tệ để đối phó với nguy cơ lạm phát đang ngày càng cao của Australia.
RBA dự báo, lạm phát ở Australia sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay trước khi giảm trở lại biên độ mục tiêu 2-3% vào năm tới, khi các vấn đề về nguồn cung toàn cầu tiếp tục giảm bớt và giá hàng hóa ổn định. (TTXVN)
* Báo cáo tóm tắt về hội nhập kinh tế ASEAN (AEIB) được công bố gần đây nhận định, các nền kinh tế ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2022 và 5,2% năm 2023, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng cao hơn dù vẫn còn nhiều thách thức.
Việc triển khai hiệu quả các chương trình tiêm chủng cho phép các quốc gia thành viên ASEAN mở cửa trở lại, thúc đẩy các hoạt động kinh tế và hỗ trợ sự phục hồi của thị trường việc làm. (TTXVN)
* Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã bày tỏ lạc quan về triển vọng hồi phục ngành du lịch của đất nước sau khi nhận được thông tin dự báo Thái Lan có thể thu hút hơn 9 triệu lượt du khách quốc tế và tạo doanh thu 1.270 tỷ Baht (tương đương 35,7 tỷ USD) trong năm 2022.
Kể từ tháng 1 đến ngày 28/6, đã có 1,9 triệu lượt du khách quốc tế nhập cảnh vào Thái Lan, giúp nước này thu được 114 tỷ Baht. Các nước có số công dân đến du lịch Thái Lan nhiều nhất là Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Mỹ. Các nước Malaysia, Lào, Cambodia, Việt Nam và Trung Quốc có số du khách nhập cảnh vào Thái Lan qua đường bộ nhiều nhất. (TTXVN)
* Theo The Straits Times, Indonesia và Nga sẽ hợp tác trong một số dự án, trong đó có dự án nhà máy lọc dầu trị giá 16 tỷ USD.
Công ty dầu khí Pertamina thuộc sở hữu của nhà nước Indonesia và Công ty dầu mỏ Rosneft của Nga đang thúc đẩy dự án xây dựng nhà máy lọc dầu nói trên ở tỉnh Đông Java để sản xuất nhiên liệu và nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp hóa dầu.
Dự án có tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, trong đó 45% do Rosneft đóng góp. Một khi hoàn thành, dự án sẽ giúp Indonesia giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu vốn đang tăng giá mạnh. (TTXVN)