Kinh tế thế giới
OECD bày tỏ quan ngại rằng biến thể Omicron đang gây thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. (Nguồn: Alamy) |
Omicron có khả năng trở thành mối đe dọa đối với phục hồi kinh tế toàn cầu
Trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) bày tỏ quan ngại rằng biến thể Omicron đang gây thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021, đồng thời kêu gọi các nước nhanh chóng triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 do lo ngại nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn. Cụ thể, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,6%, thấp hơn so với mức dự báo 5,7% được đưa ra trước đó.
Theo OECD, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi, nhưng đã bị mất đà và ngày càng trở nên mất cân bằng. Tổ chức này cảnh báo, vấn đề y tế, lạm phát cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sai lầm chính sách đều là những mối quan ngại lớn. (Reuters).
Các nước tập trung kiềm chế giá cả
Ngân hàng trung ương các nước hiện đang xem việc kiềm chế giá cả là ưu tiên cao hơn so với việc bảo vệ việc làm và GDP do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong vài ngày qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương nhiều nước châu Âu đã hướng đến thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE) là ngân hàng trung ương đầu tiên tại Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nâng lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong khi đó, Fed cho biết sẽ giảm dần tiến đến kết thúc chương trình mua trái phiếu và báo hiệu ba đợt nâng lãi suất trong năm sau.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang cắt giảm các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho nền kinh tế. (The Economist)
Kinh tế Mỹ
* Ngày 22/12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hoạt động bán trang thiết bị quân sự của Mỹ cho nước ngoài đã giảm 21% xuống mức 138 tỷ USD trong tài khóa gần nhất, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden chuyển hướng hạn chế những thương vụ vũ khí tấn công so với thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiết lộ doanh số bán vũ khí của tài khóa 2021, kết thúc vào ngày 30/9, là 138 tỷ USD, giảm mạnh so với 175 tỷ USD trong tài khóa 2020. Chính phủ dự định công bố chính sách xuất khẩu vũ khí mới, trong đó nhấn mạnh đến nhân quyền khi đánh giá một thương vụ mua bán vũ khí. (Reuters)
* Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/12 đã ký ban hành luật tăng mức trần nợ công thêm 2.500 tỷ USD, qua đó giúp ngăn chặn kịch bản chính phủ rơi vào cảnh vỡ nợ.
Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nâng trần nợ công lên mức 31.400 tỷ USD, trong đó bao gồm khoản vay của chính phủ liên bang đến năm 2023. (AFP)
* Các nhà đầu tư ở Mỹ lo ngại rằng các biện pháp kiềm chế Omicron sẽ đè nặng lên tăng trưởng và kéo dài lạm phát cao. Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã giảm trong phiên giao dịch thứ ba liên tiếp vào ngày 20/12, khi biến thể Omicron của Covid-19 lan truyền nhanh chóng làm dấy lên lo ngại rằng các đợt dịch bùng phát mới có thể làm trật bánh phục hồi kinh tế toàn cầu.
Chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm hơn 400 điểm, giá dầu trượt dốc trong sự thoái lui trên diện rộng khỏi các tài sản rủi ro. (WSJ)
* Trong tuần qua, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vừa phải, giữ xu hướng ở mức phù hợp với điều kiện thị trường lao động thắt chặt. Sản lượng sản xuất tăng lên mức cao nhất trong gần ba năm vào tháng 11 trong khi ngành xây dựng tăng tốc lên mức cao nhất trong tám tháng. (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Theo báo cáo của công ty nghiên cứu McKinsey Global Institute, tổng giá trị tài sản ròng của Trung Quốc đã đạt 120.000 tỷ USD vào năm 2020, vượt qua mức 89.000 tỷ USD của Mỹ khi thị trường bất động sản “tăng nhiệt” đã đẩy giá trị nhà đất của quốc gia tỷ dân đi lên.
Tin liên quan |
Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc: Bắc Kinh không tuân thủ cam kết, Washington có thể đơn phương trả đũa? |
Theo đó, giá trị tài sản ròng của Trung Quốc đã tăng 17 lần từ mức 7.000 tỷ USD cách đây hai thập niên. Quốc gia này chiếm 23% tổng giá trị tài sản ròng toàn cầu vào năm 2020, trong khi Mỹ chiếm 17%. Tiếp theo là Nhật Bản với mức 7% và giá trị 35.000 tỷ USD. (Nikkei Asia)
* Bất chấp những gián đoạn trong hoạt động vận chuyển quốc tế và cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc vẫn phát triển tốt, xuất khẩu trong giai đoạn tháng 1-11/2021 tăng 31% lên hơn 3.000 tỷ USD - nhiều hơn so với cả năm 2020.
Các nhà phân tích cho rằng kết quả này chủ yếu là do nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc được tăng cường khi thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19. (CNN)
Kinh tế châu Âu
* Ngày 17/12, các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU đã gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ để thảo luận một số vấn đề, trong đó có vấn đề giá năng lượng tăng mạnh. Một số quốc gia thành viên, đặc biệt là Ba Lan, thúc đẩy EU kiềm chế biến động giá trên thị trường bằng cách hạn chế hoạt động đầu cơ.
Một tranh luận khác nổi lên tại cuộc họp là việc EU có nên đưa khí đốt và năng lượng hạt nhân vào danh mục đầu tư thân thiện với khí hậu hay không. Cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo EU đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận về bất kỳ vấn đề năng lượng nào. (TTXVN)
* Theo số liệu trên sàn giao dịch Lodon ICE ngày 21/12, giá khí đốt ở châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử đã cán ngưỡng 2.190 USD/1.000 m³. Như vậy, trong ngày, giá khí đốt trên sàn giao dịch London đã tăng hơn 27%.
Theo các nhà phân tích, giá khí đốt nhảy vọt như vậy có thể là phản ứng trước thông tin về việc giảm khối lượng khí đốt chuyển tải qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu trong bối cảnh dự báo có khả năng xảy ra một đợt lạnh giá bao trùm khu vực này.
Trước đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, việc ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Yamal-châu Âu không liên quan gì đến việc cấp phép cho tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động và tình hình hiện tại là hoàn toàn mang tính thương mại.
* Ngày 22/12, Ukraine cho biết, họ đã khiếu nại lên EU, cáo buộc tập đoàn độc quyền khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom tạo ra "sự thiếu hụt khí đốt giả tạo” ở châu Âu khiến cho giá tăng vọt.
Cáo buộc Gazprom giảm mạnh lượng khí đốt tự nhiên cung cấp sang thị trường giao ngay châu Âu dù nhu cầu đang tăng, người đứng đầu công ty năng lượng nhà nước Naftogaz của Ukraine Yuriy Vitrenko cho rằng: “Các hành động của Gazprom là phản cạnh tranh và gây ra những hậu quả tiêu cực đáng kể cho tất cả người tiêu dùng châu Âu".
Công ty Ukraine cho biết, họ đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban châu Âu về việc Gazprom "lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường khí đốt châu Âu". (TASS)
* Nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Nga David Knight ngày 20/12 đã nêu 4 rủi ro chính đối với nền kinh tế "xứ sở Bạch dương”, đó là đại dịch, lạm phát, các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga và quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo đó, đại dịch gây áp lực lên nền kinh tế Nga nhiều hơn một số quốc gia khác; "khá khó" để duy trì kiểm soát tăng giá. Ngoài ra, Nga có thể tiếp tục hứng chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế và điều này sẽ "tác động tiêu cực".
Thêm vào đó, chuyển đổi năng lượng “gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế Nga” trong dài hạn. Quy định về carbon xuyên biên giới của EU có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Nga sang EU giảm từ 3-7% trong giai đoạn 2030-2035. (TTXVN)
Ngày 21/12, giá khí đốt ở châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử đã cán ngưỡng 2.190 USD/1.000 m3. (Nguồn: RT) |
* Ngày 21/12, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua khoản tín dụng ưu đãi trị giá 400 triệu USD trong thời hạn 40 tháng cho cho Moldova để hỗ trợ quốc gia này tiếp tục phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19.
Mặc dù được cộng đồng quốc tế viện trợ, nhưng Moldova vẫn là một trong những nước nghèo nhất ở châu Âu với những yếu kém về cơ cấu và quản lý đã tồn tại lâu. Do vậy, chính phủ nước này sẽ cần các chính sách mạnh mẽ để có thể theo kịp các nước châu Âu khác và thu hút đầu tư nước ngoài. (AFP)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua các dự luật nhằm cho phép chính phủ hỗ trợ tài chính cho hoạt động sản xuất vật liệu bán dẫn ở trong nước nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho các doanh nghiệp nước này.
Số tiền trợ cấp sẽ lên tới 50% chi phí cần thiết và sẽ được chi trả thông qua một quỹ do tổ chức NEDO thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản quản lý.
Trước đó, trong dự thảo ngân sách bổ sung của tài khóa 2021 có tổng trị giá lên tới 36.000 tỷ Yen, chính phủ Nhật Bản dự định sẽ chi 617 tỷ Yen (5,4 tỷ USD) để phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu bán dẫn ở nước này. Dự thảo ngân sách bổ sung này cũng đã được Quốc hội Nhật Bản thông qua ngày 20/12. (Kyodo)
* Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) và OECD dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay và 3% trong năm tới. Động lực chính thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc phục hồi tăng trưởng nhanh là xuất khẩu chip bán dẫn và ô tô tăng mạnh.
Xuất khẩu tháng 11 vừa qua tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt kỷ lục 60,44 tỷ USD, qua đó kéo dài đà tăng trưởng tháng thứ 13 liên tiếp. Xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm nay dự kiến sẽ thiết lập mức cao nhất từ trước tới nay. (Yonhap News)
* Hàn Quốc lên kế hoạch đầu tư 2,4 nghìn tỷ Won (2 tỷ USD) để giúp tăng gấp đôi lượng tiêu thụ xe hơi thân thiện với môi trường như xe điện, xe hydro, đạt mốc 500.000 xe trong năm 2022. Đây là một trong những nỗ lực nhằm đạt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính từ 26,3 đến 40% vào năm 2030 so với năm 2018 của Hàn Quốc. (Yonhap News)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Lạm phát của Ấn Độ tiếp tục tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 11, từ 4,48% trong tháng 10 lên 4,91%. Trong đó, lạm phát ở các khu vực thành thị cao hơn, ở mức 5,54%, trong khi các vùng nông thôn đối mặt với mức tăng giá vừa phải hơn, từ 4,07% trong tháng 10 lên 4,29% vào tháng 11. (The Hindu)
* WB dự báo nền kinh tế Indonesia trong năm 2022 sẽ quay lại mức tăng trưởng trước đại dịch khi chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 hoàn thành. Trong báo cáo mới nhất, WB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia năm 2022 lên mức 5,2% so với mức dự báo 5% trong tháng 6/2022.
Dự báo dựa trên triển vọng phần lớn các tỉnh đều tiêm chủng 70% dân số và Indonesia không phải chịu thêm một làn sóng dịch lớn trong thời gian sắp tới. (Jakarta Post)
Đảo Phuket của Thái Lan. (Nguồn: Bangkok Post) |
* Chính phủ Thái Lan đã mở rộng kế hoạch khuyến khích đầu tư trong các nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế của nước này từ đại dịch và dự kiến thu hút đầu tư hơn 500 tỷ Baht trong năm 2022.
Ban Đầu tư Thái Lan cho biết dự báo này tương tự với khoảng 600 tỷ Baht trong các đơn đăng ký đầu tư nội địa và nước ngoài đăng ký trong năm nay, tăng so với mức 481 tỷ Baht của năm trước. Sự không chắc chắn của đại dịch đòi hỏi việc gia hạn một năm của kế hoạch khuyến khích đầu tư, bao gồm cả việc miễn thuế cho các dự án đầu tư quy mô lớn. (Bangkok Post)
* Bất chấp khó khăn do đại dịch, WB tin rằng tương lai hồi phục kinh tế của Malaysia năm 2022 vẫn không đổi và tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế quốc gia Đông Nam Á này năm 2022 ở mức 5,8%.
Theo WB, xét đến tỷ lệ tiêm chủng cao của Malaysia và sự phục hồi trong lĩnh vực đầu tư cũng như tiêu dùng cá nhân, kinh tế Malaysia dự kiến sẽ phục hồi trong năm tới. WB giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế Malaysia năm 2021 và 2022 lần lượt ở mức 3,3% và 5,8%, còn đối với năm 2023 là 4,5%. (TTXVN)
| Doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng bội thu vào ngày ‘Siêu thứ Bảy’ Các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ hy vọng đợt giảm giá vào ‘Siêu thứ Bảy’, tức ngày 18/12 (giờ địa phương) sẽ giúp tăng lượng ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (10-16/12): Lạm phát ở Nga 8%; Thượng đỉnh EU nóng vì giá năng lượng, Gazprom xong nghĩa vụ với Ukraine, Moldova hết nợ Du lịch thế giới trước triển vọng lạc quan trong năm 2022, Moldova hoàn thành trả nợ khí đốt cho Nga, Thượng đỉnh EU sẽ ... |