Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (27/11-3/12): Tổng thống Trump củng cố lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, quan hệ kinh tế Trung Quốc-Australia căng như dây đàn, có những quốc gia, mà đói nghèo còn đáng sợ hơn Covid-19. |
Kinh tế thế giới
Tình trạng đói nghèo ở nhiều quốc gia nghiêm trọng hơn Covid-19
Báo cáo mới của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố ngày 3/12 cho thấy, đại dịch Covid-19 có thể đẩy 32 triệu người ở các nước kém phát triển nhất thế giới vào tình trạng nghèo cùng cực. Báo cáo nêu rõ, nếu không có các hành động quốc tế, các mục tiêu phát triển toàn cầu sẽ bị bỏ lỡ.
Trong Báo cáo các nước kém phát triển nhất năm 2020, UNCTAD đánh giá các nước kém phát triển nhất thế giới đang trải qua giai đoạn kinh tế tồi tệ nhất trong 30 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19. Thu nhập giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và thâm hụt tài chính lớn có thể đẩy 32 triệu người ở 47 quốc gia kém phát triển nhất vào diện nghèo cùng cực. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với sức khỏe của người dân các nước này ít nghiêm trọng hơn các nước khác nhưng tác động về kinh tế lại rất lớn. Theo ước tính, tăng trưởng kinh tế "rơi" từ 5% xuống -0,4% trong khoảng thời gian từ tháng 10/2019 - tháng 10/2020. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến giảm 2,6% trong 2020.
Ngành Hàng không thế giới lỗ khoảng 157 tỷ USD trong hai năm 2020 - 2021
Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngành hàng không toàn cầu sẽ tiếp tục chịu lỗ lớn trong ngắn hạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (khoảng 157 tỷ USD trong năm nay và năm 2021). IATA dự báo lỗ ròng của các hãng bay sẽ tăng lên 118,5 tỷ USD trong năm nay, cao hơn nhiều so với dự báo 84,3 tỷ USD mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 6. Trong khi đó, lỗ dự báo của năm 2021 là 38,7 tỷ USD, cao gần cấp đôi so với mức dự báo 15,8 tỷ USD hồi tháng 6.
Hiện vận tải hàng hóa là điểm sáng duy nhất của ngành hàng không. IATA dự báo số lượng hành khách sẽ tăng lên 2,8 tỷ người vào năm 2021 và sớm nhất phải tới năm 2024 mới có thể trở lại mức 4,5 tỷ của năm ngoái. Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành công nghiệp hàng không chạm đáy khi các hãng bay tổn thất hơn 510 tỷ USD doanh thu. Đến nay, các hãng đã sa thải hàng nghìn nhân viên và nhiều lao động phụ thuộc vào ngành này đang đứng trước nguy cơ mất việc.
Mỹ-Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch đưa thêm 4 công ty Trung Quốc vào diện thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc, nâng tổng số các công ty nằm trong danh sách này lên thành 35. 4 công ty này bao gồm, Công ty công nghệ xây dựng Trung Quốc, Tập đoàn tư vấn kỹ thuật Quốc tế Trung Quốc, SMIC và CNOOC.
Tương tự như một số chính sách khác, bước đi này có thể được coi là nhằm củng cố di sản cứng rắn chống lại Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump, cũng như đưa ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11 vừa qua, vào thế phải có lập trường cứng rắn với Trung Quốc. (Reuters)
Trung Quốc-Australia
Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố tăng thuế chống bán phá giá áp lên rượu vang nhập khẩu từ Australia, dao động từ 107,1-212,1%, có hiệu lực từ ngày 28/11. Trung Quốc khẳng định đây chỉ là động thái thực hiện các biện pháp đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Phản ứng trước động thái của Bắc Kinh, Australia cho biết sẽ đề nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) can thiệp. Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Simon Birmingham cáo buộc, thuế quan mà Trung Quốc vừa áp lên rượu vang Australia là không công bằng; tuyên bố sẽ bảo vệ ngành rượu vang Australia và việc này sẽ khiến các công ty và các quốc gia trên thế giới có ấn tượng rằng thương mại với Trung Quốc chứa đầy rủi ro.
Thuế trên được Trung Quốc đưa ra chỉ 3 tháng sau khi nước này tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào rượu vang Australia và một loạt biện pháp đã triển khai trong năm nay nhằm vào nhiều mặt hàng khác của Australia từ than tới đồng và lúa mạch. Trung Quốc là nước nhập khẩu rượu vang Australia nhiều nhất thế giới, với giá trị nhập đạt 880 triệu USD trong vòng 1 năm tính đến hết tháng 9 năm nay, theo dữ liệu của Wine Australia. (Bloomberg)
Anh-EU
Ngày 28/11, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã tái khởi động đàm phán trực tiếp về thỏa thuận thương mại trong những nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm sự đồng thuận, trong bối cảnh chỉ còn năm tuần trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đã đến London để tham gia đàm phán vào sáng cùng ngày. Trước đó, tối 27/11, ông bày tỏ rằng ông "rất vui mừng" được quay lại thành phố này và sẽ tiếp tục làm việc với sự "kiên nhẫn và quyết tâm".
Ông Barnier và Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost sẽ thảo luận về việc đạt được một thỏa thuận trước khi giai đoạn chuyển tiếp của Anh với EU kết thúc vào ngày 31/12. Cả hai bên đang kêu gọi đối phương thỏa hiệp về ba vấn đề bất đồng chính gồm, đánh bắt cá, viện trợ nhà nước và cách giải quyết mọi tranh chấp trong tương lai. (Reuters)
Mỹ
Tổng thống Mỹ đắc cử kêu gọi thông qua gói cứu trợ COVID-19
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden ngày 3/12 nói rằng, dự luật cứu trợ liên quan tới đại dịch Covid-19 của lưỡng đảng nên được thông qua, song ông sẽ phải yêu cầu cứu trợ thêm khi lên nắm quyền.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin CNN cùng với Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris, ông Biden cho biết, dự luật cứu trợ trị giá 908 tỷ USD được đề xuất bởi những người có quan điểm ôn hòa tại Thượng viện Mỹ nên được coi là "bước khởi đầu" để cung cấp sự hỗ trợ trong đại dịch Covid-19. (Reuters)
Fed đã lo ngại nền kinh tế nước này có thể lại chịu tác động nếu Quốc hội Mỹ không thông quan các biện pháp kích thích bổ sung nhằm hỗ trợ đà phục hồi từ đại dịch Covid-19. Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 3 đã giúp người dân có tiền tiết kiệm để dùng trong giai đoạn tồi tệ nhất khi nền kinh tế suy thoái. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Fed đã hạ lãi suất cho vay xuống 0% và bơm hàng nghìn tỷ USD thông qua các chương trình cho vay, trong đó một số chương trình đã kết thúc. (AFP)
Trung Quốc
Trung Quốc đề xuất các quy định mới nhằm hạn chế sức mạnh của các công ty internet lớn nhất của họ. Các quy định mới có thể ảnh hưởng đến những công ty công nghệ khổng lồ trong nước như Alibaba, Ant Group và Tencent, cũng như nền tảng giao đồ ăn Meituan. Các quy định cho thấy sự bất an ngày càng tăng của Chính phủ trước những sự ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền tảng kỹ thuật số. Động thái này diễn ra trong bối cảnh EU và Mỹ cũng đang tìm cách kiềm chế sức mạnh của những công ty internet khổng lồ. Cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc đã giảm mạnh sau khi những quy định theo đề xuất được công bố vào thứ Ba 10/11. (BBC)
Châu Âu
Làn sóng Covid-19 thứ hai tại châu Âu và các biện pháp giãn cách khiến chỉ số nhà quản trị mua sắm (PMI) của EU giảm xuống 45,1 điểm trong tháng 11 so với mức 50 điểm của tháng 10. Trong khi chỉ số PMI của Đức vẫn duy trì ở mức tích cực (52 điểm) nhờ chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo tăng, chỉ số PMI của Pháp và Anh giảm mạnh. (Bloomberg)
Chính phủ Italy ngày 30/11 đã thông qua gói kích thích kinh tế mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ hàng loạt biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Gói cứu trợ kinh tế thứ tư này có trị giá 8 tỷ Euro (tương đương 9,6 tỷ USD). Ngoài việc hoãn thời hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp tại những khu vực được coi là bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt, Chính phủ Italy cũng cung cấp khoản trợ giúp 1.000 Euro một lần cho những người làm việc trong lĩnh vực du lịch, nghệ thuật, thể thao và giải trí, đồng thời dành riêng một khoản cứu trợ cho khu vực tổ chức hội nghị và tăng cường lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ giám sát các biện pháp chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Ba Lan cũng cho biết, nước này sẽ triển khai một chương trình hỗ trợ trị giá khoảng 9-10 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế chống chọi với tác động từ đại dịch Covid-19, giữa bối cảnh quốc gia Đông Âu này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai. Gói hỗ trợ này được sử dụng để hỗ trợ các công ty nhỏ và siêu nhỏ, và các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Trong đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch Covid-19, Ba Lan đã triển khai một chương trình chi tiêu, bảo lãnh khoản vay cùng các biện pháp thanh khoản của ngân hàng trung ương trị giá khoảng 79,8 tỷ USD. Ba Lan đã vượt qua được làn sóng Covid-19 đầu tiên và phục hồi mạnh mẽ trong mùa hè, tuy nhiên nền kinh tế nước này có khả năng suy thoái trở lại trong quý IV/2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. (Reuters)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Theo số liệu của Cục Thống kê ngày 1/12, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản tăng từ 3% vào tháng 9 lên 3,1% vào tháng 10/2020, mức cao nhất kể từ tháng 5/2017, khi nhiều người có nhu cầu quay trở lại thị trường lao động trong bối cảnh triển vọng việc làm chậm hồi phục. Tỷ lệ cơ hội việc làm trên lượng người ứng tuyển tháng 10 đạt 1,04, tăng 0,1 điểm so với tháng 9/2020, lần phục hồi đầu tiên trong 18 tháng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo, nhu cầu việc làm có thể giảm sút trong tháng 11 khi làn sóng nhiễm Covid-19 trở lại. (Nikkei, JP Times).
Các khoản vay của hộ gia đình Hàn Quốc tăng cao ở mức kỷ lục 1.682,1 tỷ Won (tương đương 1.510 tỷ USD) tính đến tháng 9, tăng 44,9 nghìn tỷ Won so với ba tháng trước, theo số liệu của BoK.
Trong quý 3, nhu cầu vay mua cổ phiếu tăng khi thị trường chứng khoán Hàn Quốc đi lên và lượng mua sắm bằng tín dụng đạt 96,6 nghìn tỷ Won tính đến cuối tháng 9, tăng 5,4 nghìn tỷ won. Nợ của các gia đình Hàn Quốc vẫn được cho là trở ngại chính đối với nền kinh tế nước này vì mức nợ cao gây lo ngại sẽ hạn chế nhu cầu trong nước và từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. (Yonhap News)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Sau khi thống nhất với Bộ trưởng các bộ Ngoại giao, Công Thương, Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 100/2020/TT-BTC bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành trong các lĩnh vực liên quan khu kinh tế, khu thương mại và công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu.
Theo đó, bãi bỏ toàn bộ 10 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan, Bãi bỏ toàn bộ 4 Thông tư trong lĩnh vực Phí và lệ phí; Bãi bỏ toàn bộ 5 Thông tư trong lĩnh vực thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Bãi bỏ toàn bộ 18 Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính, thủ tục hải quan áp dụng tại các khu kinh tế, khu thương mại và công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Indonesia tăng thêm 2,67 triệu người lên 9,77 triệu người do đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt các ngành kinh tế. Trong số 2,67 triệu lao động mất việc làm, có tới 2,35 triệu người bị sa thải và 0,31 triệu người không tìm được việc làm do đại dịch Covid-19 gây ra. Bộ Tài chính nước này cho biết, trợ cấp xã hội có thể sụt giảm đáng kể từ 10,69% xuống còn 9,69%. Tính đến ngày 18/11, Indonesia đã giải ngân cho chương trình bảo trợ xã hội đạt 193.070 tỷ rupiah (13,59 tỷ USD), tương đương 82,4% mức trần ngân sách của nước này. (Jakarta Post)
Thái Lan đang quảng bá cho khái niệm nền kinh tế sinh học để thúc đẩy việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo và các sản phẩm phế thải nhằm tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng để hỗ trợ cho kế hoạch đưa nước này trở thành trung tâm sinh hóa ở ASEAN vào năm 2027. Lượng tiêu thụ nhựa tăng lên trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã đi ngược lại với chiến dịch chống rác thải nhựa của nước này. Do đó, chính phủ Thái Lan kỳ vọng việc sản xuất nhựa sinh học sử dụng đường sẽ mang lại nhiều hứa hẹn cho ngành sản xuất nhựa và hỗ trợ nông dân trồng mía thông qua các hình thức tăng giá mía; đồng thời sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. (TGVN)
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết, quốc gia này vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi kinh tế khi GDP quý III/2020 đang giảm với tốc độ chậm hơn so với dự báo.
Theo công bố của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, GDP của nước này giảm 5,8% trong quý III/2020 so với cùng kỳ năm trước. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo suy giảm tới 7% trước đó. So với quý II/2020, GDP quý III/2020 của Singapore tăng 9,2%. Trong quý II, nước này ghi nhận GDP sụt giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2019, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1990.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cũng dự báo, kinh tế nước này suy giảm khoảng 6-6,5% năm nay, lạc quan hơn so với mức dự báo 5-7% trước đó. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng đưa ra cái nhìn sơ lược về dự báo kinh tế của đất nước này năm 2021 và cho rằng, nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng từ 4-6% trong năm tới. (Channel News Asia)