Đại dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron đang thay đổi suy nghĩ của chúng ta về cách các nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng. Vậy bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ như thế nào trong năm tới?. (Nguồn: China Daily) |
Sự phục hồi kinh tế toàn cầu vào năm 2021 phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và sự bất bình đẳng về vaccine.
Đại dịch đang thay đổi suy nghĩ của chúng ta về cách các nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Vậy bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ như thế nào trong năm tới?
Dưới đây là những nhận định của nhóm nghiên cứu thuộc Oxford Economics, được đăng tải trên China Daily ngày 6/12.
Sự không chắc chắn về triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế đã gia tăng đáng kể trong những tuần qua, đặc biệt trước sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Điều đó liệu có thúc đẩy các nhà khoa học tại Oxford Economics thay đổi quan điểm cơ bản về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới hay không?
Rất khó đoán định
Hiện tại, người ta còn chưa có nhiều thông tin về tác động tới sức khỏe của biến thể Omicron nên những tác động tới kinh tế cũng rất khó đoán định.
Tính đến thời điểm này, biến thể Omicron đã xuất hiện ở khoảng 30 nền kinh tế, nhưng con số trên thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.
Ví dụ, ở Nam Phi, người ta ước tính rằng khoảng 70% số ca mắc Covid-19 trong 4 tuần qua là do biến thể Omicron. Theo đó, có vẻ như Omicron đã thay thế biến thể Delta, đóng vai trò là chủng virus vượt trội trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng cho thấy Omicron dễ lây truyền hơn Delta.
Các nhà khoa học cũng không chắc chắn về việc liệu biến thể mới nhất này có làm giảm hiệu quả của các vaccine hiện có hay không. Trong khi một số người nhiễm bệnh đã được tiêm phòng đầy đủ, còn quá sớm để đánh giá liệu đây có phải là dấu hiệu của việc vaccine đã giảm tác dụng.
Ngoài ra, ngay cả khi hiệu quả của vaccine giảm, vẫn chưa rõ liệu một số loại vaccine có bảo vệ tốt hơn những loại khác hay không.
Tuy vậy, trước sự xuất hiện của Omicron, các chính phủ đã lập tức phản ứng bằng cách áp đặt lại các hạn chế đi lại, đặc biệt là đối với du lịch nước ngoài. Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, con đường đến sự bình thường mới sẽ tiếp tục gập ghềnh và không chắc chắn.
Hậu quả đối với kinh tế mà Omicron có thể gây ra là gì? (Nguồn: Getty Images) |
Tình huống tốt nhất
Trong trường hợp tốt nhất, may mắn nhất, các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện có vẫn hiệu quả cao với biến thể Omicron và các triệu chứng của người bị nhiễm bệnh nói chung ít nghiêm trọng hơn.
Với một kịch bản như vậy, dù biến thể Omicron lan rộng, nền kinh tế vẫn trở lại trạng thái bình thường mới và nhanh chóng bắt kịp vào sự phục hồi trong đầu năm tới.
Trước sự xuất hiện của biến thể đáng lo ngại này, các hãng dược phẩm đã nhanh chóng triển khai nghiên cứu vaccine.
Hãng dược Moderna của Mỹ đã thông báo, vào đầu năm tới, họ sẽ ra mắt thị trường một số lượng lớn vaccine cải tiến để đối phó với Omicron. Điều này có thể trấn an người dân và doanh nghiệp rằng, mặc dù Covid-19 sẽ kéo dài, tác động tới kinh tế của nó sẽ giảm dần theo thời gian.
Tình huống xấu nhất
Đó là chúng ta không thể giảm sự lây lan của Omicron, các triệu chứng mắc bệnh cũng tương tự hoặc tồi tệ hơn khi nhiễm biến thể Delta, và khả năng kháng vaccine của biến thể này cao hơn các biến thể khác.
Vậy, hậu quả đối với kinh tế mà Omicron có thể gây ra là gì?
Theo các nhà khoa học Anh, trong trường hợp các nước buộc phải áp đặt một đợt đóng cửa biên giới mới, các nhà máy sẽ gián đoạn hoạt động, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, tăng trưởng GDP thế giới chậm lại còn 2,3% vào năm 2022 và thị trường tài chính suy yếu.
Trong kịch bản này, các nền kinh tế phát triển sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, GDP của Mỹ và khu vực đồng Euro vào năm 2022 thấp hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với dự báo hiện tại của các nhà kinh tế là 4,5% và 4,2%.
Còn trong năm 2021 này, biến thể Omicron sẽ làm giảm tăng trưởng toàn cầu từ 4,5% hiện tại xuống 4,2-4,3%.
Và những tác dụng phụ
Trong tương lai gần, nhiều khả năng các chính phủ sẽ thắt chặt việc hạn chế đi lại cả trong nước và quốc tế, điều này có thể làm giảm giá dầu và do đó giúp cuộc khủng hoảng giá năng lượng bớt sức nóng trong những tháng tới. Điều đó sẽ hỗ trợ quan điểm của các nhà kinh tế rằng, chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu sẽ giảm mạnh trong suốt năm 2022.
Nhưng những “tác dụng phụ” có thể lớn hơn, đặc biệt khi Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương khác có khả năng tiếp tục theo đuổi chính sách “zero-Covid”. Điều này có thể gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng trong ngắn hạn và làm chậm tốc độ giải tỏa các điểm nghẽn.
Ngoài ra, các hạn chế đi lại được thắt chặt hơn cũng có khả năng dẫn đến việc chuyển đổi dần dần chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ. Hai yếu tố này kết hợp với nhau có khả năng dẫn đến lạm phát giá hàng hóa vào năm 2022 vẫn cao hơn dự báo hiện tại.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, sau năm 2022, tác động lên lạm phát có thể bị chi phối bởi hai yếu tố.
Đầu tiên là mức độ mà biến thể Omicron tác động đến lực lượng lao động. Hiện tại, theo nhóm nghiên cứu, rủi ro về tăng lương bền vững là hạn chế.
Và thứ hai là mức độ mà các nhà hoạch định chính sách can thiệp để giữ tổng cầu của xã hội. Nếu biến thể Omicron có tác động đáng kể đến nền kinh tế, thì các chính phủ và ngân hàng trung ương có thể sẽ tập trung phản ứng vào các tác động đến tổng cầu hơn là tác động lạm phát.
| Ảnh ấn tượng tuần 29/11-5/12: Moscow cảnh báo sẽ đáp trả vì Ukraine, tàu ngầm Nga ở Vladivostok và biên giới Belarus-Ba Lan vẫn căng Ngoại trưởng Nga-Mỹ thảo luận về nhiều vấn đề nóng, lễ duyệt binh tri ân Thủ tướng Đức Angela Merkel, tàu ngầm Nga ở Vladivostok, ... |
| Mỹ cảnh báo: Biến thể Omicron rải chướng ngại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch ... |