Kinh tế toàn cầu đã đến một thời điểm quan trọng để phục hồi. (Nguồn: USC News) |
Mặc dù bản cập nhật mới nhất của Chỉ số theo dõi phục hồi kinh tế toàn cầu (TIGER), do Viện Brookings phối hợp với tờ Financial Times thực hiện, đưa ra một số cơ sở cho sự lạc quan, kết quả này cũng làm dấy lên những lo ngại mới.
Mỹ và Trung Quốc là động lực chính
Có thể thấy, sự hào hứng về việc tiêm chủng đã giảm bớt do việc triển khai vaccine chậm ở hầu hết các quốc gia, trong khi các làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới đang đe dọa quỹ đạo tăng trưởng của nhiều nền kinh tế.
Mỹ và Trung Quốc đang được coi là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong năm 2021.
Tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh đã tăng mạnh ở cả hai nền kinh tế, cùng với các biện pháp xây dựng niềm tin của khu vực tư nhân. Sản xuất công nghiệp đã phục hồi ở hầu hết các nước, qua đó củng cố giá cả hàng hóa và thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Hàn Quốc có thể sẽ là những nền kinh tế lớn duy nhất ghi nhận GDP tăng trưởng so với thời kỳ trước đại dịch vào cuối năm nay.
Ở hầu hết các khu vực khác, cuộc suy thoái năm 2020 rất có thể sẽ để lại những "vết sẹo" lâu dài hơn đối với cả GDP và thị trường việc làm.
Kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho một năm đột phá, khi các gói kích thích tài khóa khổng lồ, chính sách tiền tệ nới lỏng và nhu cầu bị dồn nén chuyển thành tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng. Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp được cải thiện đã dẫn đến tăng trưởng mạnh mẽ về tiêu dùng và đầu tư.
Trong khi đó, thị trường tài chính tiếp tục hoạt động tốt. Thậm chí, hoạt động của thị trường lao động còn đáng khích lệ hơn, với 916.000 việc làm mới được bổ sung trong tháng Ba, cao hơn gấp đôi so với tổng số việc làm mới của tháng Hai và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2020.
Tin liên quan |
Cần 'vaccine' để đưa kinh tế thế giới thoát khỏi 'ngã ba đường' |
Nhiệm vụ đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ là tách lạm phát ảo (sắp xảy ra trở lại sau năm 2020) khỏi áp lực tiền lương và giá tiêu dùng cơ bản.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng - phản ánh sự kết hợp của triển vọng tăng trưởng tốt hơn, rủi ro lạm phát và những lo ngại về nợ - phản ánh những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt khi họ cố gắng giải mã và quản lý các kỳ vọng của thị trường.
Lý tưởng nhất là bất kỳ biện pháp kích thích bổ sung nào cũng sẽ nhằm mục đích thúc đẩy đồng thời tổng cầu và cải thiện năng suất dài hạn.
Trong khi đó, đà tăng trưởng của Trung Quốc vẫn mạnh mẽ và cân bằng, với việc chính phủ nước này chuyển sự quan tâm sang các vấn đề cấu trúc trung hạn và ngăn chặn các rủi ro về hệ thống tài chính.
Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc gần đây đã ủng hộ một trọng tâm mới vào việc tái cân bằng nhu cầu đối với tiêu dùng hộ gia đình và chuyển đổi các nguồn tăng trưởng sản lượng sang các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ cao cấp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Do đó, các nhà chức trách Trung Quốc dường như đang nghiêng về việc thực hiện bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, với việc củng cố tài khóa và thắt chặt chính sách tiền tệ dự kiến vào cuối năm nay. Cách tiếp cận này đang được thực hiện với các biện pháp điều tiết thận trọng để quản lý tình trạng đóng băng trong lĩnh vực bất động sản.
Trong khi căng thẳng thương mại với Mỹ dường như vẫn tiếp diễn dưới thời Chính quyền của Tổng thống Joe Biden, vấn đề này dường như không còn là nhân tố chính ảnh hưởng đến tâm lý khu vực tư nhân hay tăng trưởng ở một trong hai quốc gia.
Kinh tế khu vực khác vẫn mong manh
Ngược lại, các nền kinh tế châu Âu, cả bên trong và bên ngoài khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), cũng đang phải vật lộn với một làn sóng Covid-19 mới, các chương trình tiêm chủng lúng túng và thiếu định hướng chính sách.
Trong khi sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ở Đức, đã được duy trì tốt, phần lớn khu vực đồng Eurozone có thể phải đợi đến cuối năm 2022 trước khi đạt mức tăng trưởng GDP như thời kỳ trước đại dịch.
Vương quốc Anh, quốc gia đã phải đối mặt với cú tác động kép từ việc tách khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và dịch bệnh Covid-19, đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tiêm chủng, do đó mở ra cơ hội cải thiện triển vọng tăng trưởng của mình.
Tuy nhiên, sự phục hồi của Nhật Bản có vẻ mong manh bất chấp các biện pháp kích thích quy mô rộng, trong đó niềm tin của người tiêu dùng vẫn yếu và tăng trưởng xuất khẩu giảm.
Đối với các thị trường mới nổi, hiện nay dường như đang có nhiều quỹ đạo tăng trưởng kinh tế khác nhau khi một số nền kinh tế có triển vọng tốt hơn nhiều so với các nước khác.
Tại Ấn Độ, cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều đang góp phần vào sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự "trỗi dậy" của đại dịch Covid-19, lạm phát gia tăng và không gian tài chính hạn chế (do mức nợ công cao) có thể làm giảm một phần động lực này.
Tin liên quan |
Gita Gopinath: Bóng hồng quyền lực ở IMF |
Hiện tại, sự phục hồi giá dầu đã thúc đẩy triển vọng kinh tế của các nước sản xuất lớn như Nigeria, Nga và Saudi Arabia.
Ngược lại, nền kinh tế Brazil đang chao đảo, phản ánh sự lây lan chưa được kiểm soát của virus - kết quả của sự lãnh đạo chính trị kém hiệu quả. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với những lo ngại tương tự, nhưng ít nhất nước này đã cố gắng đạt được mức tăng trưởng tích cực vào năm 2020.
"Công thức" để phục hồi kinh tế
Sau sự sụt giảm rõ rệt trong năm 2020, đồng USD đã tăng lên vào năm 2021. Cùng với đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ, điều này là một tín hiệu không tốt cho nhiều thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển khác, đặc biệt là những thị trường có tỷ lệ nợ ngoại tệ lớn. Áp lực thị trường tài chính có thể gia tăng nếu các mô hình tăng trưởng khác nhau (với các nền kinh tế dễ bị tổn thương có sự tăng trưởng yếu hơn) vẫn tiếp diễn trong năm 2021.
Kinh tế thế giới đã đến một thời điểm quan trọng. Nhiều quốc gia đang vật lộn với việc liệu có nên mở cửa nền kinh tế của mình bất chấp sự lây lan của virus và liệu có thực hiện thêm các biện pháp kích thích kinh tế vĩ mô, điều có thể khiến họ phải chấp nhận đánh đổi giữa lợi ích ngắn hạn và những tổn thương dài hạn.
Tình trạng phục hồi không chắc chắn vẫn còn, cùng với việc hoạch định chính sách thiếu quyết đoán sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vào các nền kinh tế yếu hơn, làm gia tăng thêm căng thẳng kinh tế.
Công thức cho một sự phục hồi mạnh mẽ và lâu bền vẫn như trước. Đó là các biện pháp kiên quyết để kiểm soát virus SARS-CoV-2, cùng với các chính sách và các gói kích thích tài chính tiền tệ cân bằng, mà vừa hỗ trợ nhu cầu vừa cải thiện năng suất.
Ở các nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, sẽ còn quá sớm để giảm bớt những nỗ lực trong thực hiện các chính sách và kích thích kinh tế. Trong khi đó, ở các nền kinh tế khác, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải nỗ lực gấp đôi trong cả hai lĩnh vực này.