Sụt giảm đáng kể
Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III/2021 đạt dưới mức kỳ vọng là 4,9% (tính trên cơ sở hàng năm). Trước tình hình này, các nhà kinh tế gần đây cho rằng “sự ổn định vĩ mô và độ tin cậy chính sách (của Trung Quốc) đều đang gặp rủi ro” trước sự chậm lại của đầu tư trong nước, tiêu dùng và sản xuất công nghiệp.
Trong trường hợp Trung Quốc giảm tốc, Singapore chủ yếu sẽ bị ảnh hưởng trong lĩnh vực thương mại và sản xuất. Bên cạnh đó, “đảo quốc sư tử” cũng có thể chứng kiến lượng khách du lịch, cũng như thu nhập từ các khoản đầu tư ở Trung Quốc, sụt giảm.
Thiệt hại đối với nền kinh tế Singapore có thể trở nên tồi tệ hơn bởi yếu tố thứ hai nếu tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc tràn sang khu vực Đông Nam Á rộng lớn hơn. (Nguồn: The Business Times) |
Trong một cuộc khảo sát hồi giữa tháng Tám của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), 30% số người được hỏi cho rằng suy giảm kinh tế của Trung Quốc là nguy cơ tiềm tàng đối với kinh tế Singapore và 25% cho rằng việc Trung Quốc thắt chặt quy định sẽ mang đến những rủi ro cho các điều kiện thị trường vốn của quốc gia Đông Nam Á.
Việc các nhà quản lý Trung Quốc đã và đang siết chặt các ngành như công nghệ và cổ phần tư nhân, cùng lúc xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đã khiến các nhà máy phải đóng cửa và đẩy “gã khổng lồ” bất động sản đang nợ nần chồng chất Evergrande đứng bên bờ vực phá sản.
Người đứng đầu về kinh tế và chiến lược thuộc Ngân hàng Mizuho Vishnu Varathan cảnh báo về những “con sóng tài chính” tiêu cực và sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ông cho biết: “Phạm vi rộng lớn của những rủi ro này – từ cuộc khủng hoảng năng lượng đến các quy định về công nghệ cho tới việc thắt chặt lĩnh vực bất động sản cùng với các chủ đề xã hội chống độc quyền và sự thịnh vượng chung rộng rãi hơn - có nghĩa là khả năng có những cú sốc đã được xác định”.
Hiện tại, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Analytics đang theo dõi việc “trấn áp” các công ty công nghệ - đặc biệt là một số công ty lớn của Trung Quốc như ByteDance. Mặc dù văn phòng của các công ty này ở Singapore nhìn chung vẫn chưa bị ảnh hưởng, nhưng các nhà kinh tế Katrina Ell và Denise Cheok của Moody’s Analytics cho rằng: “Chúng ta có thể chứng kiến sự thu hồi đầu tư nếu chính phủ Trung Quốc thắt chặt hơn nữa các quy định”.
Thiệt hại đối với nền kinh tế Singapore có thể trở nên tồi tệ hơn bởi yếu tố thứ hai nếu tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc tràn sang khu vực Đông Nam Á rộng lớn hơn, do quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nền kinh tế Trung Quốc.
Ngân hàng Maybank Kim Eng gần đây ước tính rằng mức suy giảm 1 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc Đại lục có thể tước đi 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của Singapore - mức tác động lớn nhất trong ASEAN.
Bên cạnh đó, Thái Lan và Malaysia có thể chứng kiến mức giảm GDP 0,5 điểm phần trăm, trong khi Philippines chịu ảnh hưởng ít nhất, ước tính giảm 0,1 điểm phần trăm.
Mặc dù nhà kinh tế cấp cao Chua Hak Bin thuộc ngân hàng Maybank Kim Eng cho biết, các đánh giá có thể đã bị phóng đại, nhưng Singapore sẽ chịu ảnh hưởng tương đối nhiều từ sự suy giảm mạnh của Trung Quốc so với các quốc gia ASEAN khác, vì sự phụ thuộc cao hơn của “đảo quốc sư tử” vào thương mại và nhu cầu bên ngoài.
Đánh giá này cũng tính đến các tác động phản hồi của sự giảm tốc của Trung Quốc đối với các nền kinh tế như Mỹ và Nhật Bản, từ đó cũng ảnh hưởng đến Singapore.
Như ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á thuộc Ngân hàng ANZ, đặt vấn đề: “Rủi ro đối với kinh tế Singapore và các nền kinh tế ASEAN nói chung sẽ lớn hơn dự kiến nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu giảm sút đối với xuất khẩu khu vực và nếu đi kèm với biến động thị trường tài chính, đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Hai chuyên gia kinh tế Ell và Cheok lưu ý rằng, sự suy giảm kinh tế đáng kể ở Trung Quốc sẽ làm tổn hại đến nguồn thu quan trọng của khu vực, vì Trung Quốc là nguồn xuất khẩu chính, thậm chí là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhiều nền kinh tế ở Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Các chuyên gia này cho rằng chiều hướng này cũng có khả năng sẽ có tác động lan tỏa đến giá hàng hóa toàn cầu yếu hơn bao gồm quặng sắt, than đá và dầu mỏ mà Trung Quốc là nước thu mua đáng kể. Vì Singapore là điểm đến quan trọng đối với hàng hóa tái xuất, nên dự kiến sẽ có sự suy giảm sản lượng theo kịch bản này.
Ông Seah cho biết tình hình có thể tương đương với tác động của việc phá giá đồng Nhân dân tệ vào năm 2015, khi tiêu dùng yếu hơn ở Trung Quốc dẫn đến sự suy giảm ở các nước còn lại trong khu vực.
Về mặt ngoại hối, đồng Đô la Singapore (SGD) có thể trở thành đồng tiền trú ẩn an toàn, nhưng cú sốc nghiêm trọng hơn có thể dễ dàng phá vỡ đồng SGD do mối liên kết chặt chẽ của Singapore với Trung Quốc và tính thanh khoản sâu hơn của đồng SGD trong khu vực.
Sức ảnh hưởng không còn quá lớn
Ông Varathan cảnh báo trong một lưu ý riêng rẽ rằng trong tình huống xấu nhất, những rủi ro của Trung Quốc có thể dễ dàng khiến tỷ giá hối đoái thị trường mới nổi châu Á lao dốc thêm 5 đến 10% trong 6 tháng đầu năm 2022, đồng thời đẩy bất kỳ sự phục hồi dự kiến nào của khu vực về nửa cuối năm 2022.
Pát biểu trước Quốc hội Singapore hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng cấp cao Singapore Tharman cho biết, ngân hàng trung ương và Bộ Công Thương nước này đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ tác động gián tiếp hoặc lan tỏa nào đối với nền kinh tế Singapore từ những diễn biến ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, có khả năng ảnh hưởng đối với Singapore và ASEAN giờ đây sẽ dịu dần, với nguy cơ lây lan từ Trung Quốc chủ yếu giới hạn ở thương mại hàng hóa và lĩnh vực sản xuất.
“Xuất khẩu của Singapore vẫn tăng trưởng mạnh trong những tháng gần đây, bất chấp việc sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc chậm lại. Đặc biệt, tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn cầu đã góp phần hỗ trợ nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử của Singapore”, các chuyên gia Ell và Cheok cho biết.
Trong khi đó, việc siết chặt các quy định và các vấn đề về bất động sản dường như chỉ giới hạn ở Trung Quốc.
MAS lưu ý rằng tỷ lệ tiếp xúc trực tiếp của hệ thống ngân hàng Singapore đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chiếm chưa đến 1% các khoản vay phi ngân hàng, trong khi tỷ lệ cho Evergrande vay là không đáng kể.
Theo các nhà quan sát, việc xuất khẩu hóa dầu của Singapore sang một đất nước Trung Quốc đang đói năng lượng, cũng như khả năng hồi phục nhu cầu điện tử toàn cầu, cũng tạo cơ hội để giảm thiểu hậu quả kinh tế.
Trong một tia hy vọng khác, chuyên gia ngân hàng ANZ cho rằng nhu cầu nội bộ trong khu vực Đông Nam Á có thể được nâng lên nhờ việc khu vực này kiềm chế được dịch bệnh Covid-19 và mở cửa trở lại các nền kinh tế địa phương, đồng thời nối lại đi lại quốc tế.
Đây cũng là diễn biến tích cực cho triển vọng tăng trưởng. Những yếu tố này cũng góp phần bù đắp cho bất kỳ tác động tiêu cực nào từ tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.