Kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ vẫn không đủ ‘phương thuốc’ cho toàn cầu. (Nguồn: Shutterstock) |
Mọi thứ đã thay đổi vĩnh viễn
Tuy nhiên, quan điểm của Chiến lược gia đầu tư kỳ cựu David Roche, kiêm Chủ tịch Hãng Nghiên cứu và tư vấn Independent Strategy không giống như thế, ông cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ buộc phải hiệu chỉnh lại do trật tự toàn cầu đã “bị rạn nứt” và các động lực tăng trưởng mới sẽ khiến thế giới “thất vọng”.
Chuyên gia Roche cho rằng “mọi thứ đã thay đổi” vĩnh viễn liên quan đến vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, vì Bắc Kinh sẽ buộc phải hướng nội để đạt được tham vọng tăng trưởng của mình.
Để nhanh chóng vượt qua những khó khăn hiện tại, chuyên gia David Roche cho rằng, cách mà Trung Quốc phải làm bây giờ là huy động quần chúng tiêu tiền của họ, tin tưởng vào chính phủ và không tích lũy tiền tiết kiệm dư thừa. Vì vậy, họ sẽ dành nhiều thời gian cho các chuyến du lịch, tiêu tiền trong các cửa hàng và nhà hàng… Và tất cả chúng ta đều muốn coi đó là động cơ của nền kinh tế thế giới, vì đó là chuyển động kinh tế ở nền kinh tế có tầm ảnh hưởng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, David Roche kết luận rằng, mô hình đó đã “lỗi thời”.
Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc mới đây, chính phủ Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 5% – mức thấp nhất của nền kinh tế này trong hơn ba thập kỷ và dưới mức 5,5% mà các nhà kinh tế dự kiến. Các nhà lãnh đạo kinh tế cũng đề xuất tăng nhẹ hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế, mở rộng mục tiêu thâm hụt ngân sách từ 2,8% năm 2022 lên 3% cho năm nay.
Bước vào tháng cuối cùng của Quý I/2023, các thị trường tài chính toàn cầu đồng loạt tăng điểm sau khi đón nhận thông tin Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.
Điều này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc - cũng như vai trò động lực của nền kinh tế toàn cầu khi mà tăng trưởng ở nhiều nơi trên thế giới đang bắt đầu chững lại dưới áp lực của lãi suất cao và thương mại lao dốc.
Không có “phương thuốc” cho tất cả
Tuy nhiên, Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của ngân hàng HSBC (Hong Kong, Trung Quốc), cũng cho rằng, trên thực tế, tác động của sự phục hồi tăng trưởng ở Trung Quốc đối với thế giới sẽ không đồng đều, một số nền kinh tế sẽ được hưởng lợi nhưng quá trình phục hồi kinh tế ở những nơi khác có thể trở nên phức tạp hơn.
Sau một năm đầy thách thức, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng cho sự phục hồi mạnh mẽ. Tương tự như ở các nền kinh tế khác, việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid-19 chắc chắn sẽ giải phóng nhu cầu hộ gia đình bị dồn nén và khoản tiết kiệm được tích lũy trong giai đoạn đại dịch. Du lịch, khách sạn và các dịch vụ khác dự kiến sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế hàng đầu thế giới trong những tháng và quý tới.
Động lực thứ hai của kinh tế Trung Quốc cũng đã sẵn sàng phục hồi trở lại: Hoạt động xây dựng nhà ở tại Trung Quốc có thể chứng kiến một cú hích khi chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát tài chính đối với các nhà phát triển bất động sản.
Những yếu tố trên được kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu trong phần lớn năm 2023, giúp hồi phục đà tăng trưởng của Trung Quốc, với GDP năm 2022 tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Sự phục hồi mạnh mẽ theo chu kỳ gần như đã sẵn sàng, ngay cả khi những thách thức về cơ cấu dài hạn, bao gồm vấn đề nhân khẩu học và nợ tăng cao, vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.
Điều gây tranh cãi hơn là tác động của sự phục hồi kinh tế Trung Quốc đối với các nước láng giềng nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Bước ngoặt tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chắc chắn là đóng vai trò tích cực, lấp đầy khoảng trống về nhu cầu do hoạt động kinh tế yếu đi ở nhiều nền kinh tế khác, nhưng sự lan tỏa hiệu ứng sẽ không đồng đều.
Khi phân tích bản chất sự phục hồi kinh tế Trung Quốc, có thể thấy lĩnh vực dịch vụ đang hồi sinh mang lại tin tốt cho các doanh nghiệp địa phương và người tìm việc, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy hoạt động kinh tế sẽ chủ yếu đến từ nhu cầu trong nước, với các hộ gia đình chi tiền nhiều hơn để đến nhà hàng ăn uống, đi xem phim ngoài rạp, hay đến công viên giải trí và đi du lịch.
Đồng thời, giống như xu hướng tiêu dùng ở những nơi khác, người dân Trung Quốc sẽ bắt đầu cắt giảm những mặt hàng vốn đã giúp họ vượt qua những tháng ngày đen tối của đại dịch, như đồ điện tử, ô tô cho đến đồ chơi và hàng nội thất.
Do đó, sự phục hồi của Trung Quốc sẽ có tác động không quá nhiều đối với các nhà sản xuất ở Nhật Bản hoặc Đức so với sự phục hồi toàn diện trong nước. Điều này sẽ thúc đẩy chi tiêu của các hộ gia đình đối với hàng hóa và dịch vụ của các công ty địa phương.
Mặc dù nông dân Thái Lan có thể vẫn xuất khẩu thêm thanh long và sầu riêng sang Trung Quốc và nhiều người Trung Quốc có thể mua nhiều hàng xa xỉ của Pháp và mỹ phẩm của Hàn Quốc, nhưng những tác động này sẽ không trở thành động cơ chính để đưa toàn bộ nền kinh tế thoát khỏi tình trạng tăng trưởng sụt giảm.
Tin tốt là dòng khách du lịch Trung Quốc sẽ giúp tăng nhu cầu ở các thị trường nước ngoài. Năm 2019, du khách Trung Quốc đã thực hiện khoảng 155 triệu chuyến du lịch nước ngoài, lấp đầy các khách sạn và phòng chờ của hãng hàng không, các bãi biển và trung tâm mua sắm. Mặc dù mức tăng trưởng du khách Trung Quốc sẽ không phục hồi hoàn toàn trong năm nay, song chỉ một phần trong đó cũng sẽ góp phần “hồi sinh” ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực này, tác động kinh tế sẽ không đồng đều. Thái Lan sẽ được hưởng lợi, với chi tiêu của du khách Trung Quốc có thể giúp tăng GDP lên vài điểm phần trăm trong năm nay. Kinh tế Malaysia và Singapore cũng sẽ nhận được sự thúc đẩy đáng kể. Ngược lại, dù du khách Trung Quốc được ngành du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc rất chào đón, nhưng tác động sẽ chỉ ở mức dưới 1% GDP, hầu như không đủ để bù đắp tác động của tình trạng xuất khẩu chậm lại. Dù là ở Pháp, Mỹ hay Canada, lượng du khách Trung Quốc tăng đột biến sẽ khó đủ để thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Liên quan đến kênh hàng hóa, Trung Quốc là nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới. Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn ở Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao giữa bối cảnh cả thế giới đang hy vọng lạm phát sẽ giảm bớt.
Vào thời điểm này, giá của hầu hết các mặt hàng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao do địa chính trị gây ra năm ngoái. Tuy nhiên, ngay cả khi mức cao đó sẽ không trở lại trong năm nay thì các nguyên liệu thô vẫn sẽ đắt đỏ so với mặt bằng giá chung.
Đó sẽ là tin đáng mừng đối với các nhà xuất khẩu như Indonesia và Australia cũng như các nền kinh tế ở châu Phi và Mỹ Latinh đang phát triển mạnh khi giá trị xuất khẩu quặng sắt, dầu cọ và đồng tăng cao. Tuy nhiên, các quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn có thể chứng kiến sức mua giảm trong khi các ngân hàng trung ương duy trì lập trường “diều hâu”.
Hiện tại, thế giới vẫn đang vật lộn với áp lực giá cả và nếu việc Trung Quốc mở cửa có thể làm tăng giá, giới chức ngân hàng trung ương có thể giữ chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian dài hơn nhiều so với dự kiến.
Lấy Ấn Độ làm ví dụ, nền kinh tế nước này đã vượt qua đại dịch với sự kiên cường. Tuy nhiên, lãi suất tăng và sự phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa hiện đang khiến tăng trưởng giảm tốc.
Nhìn chung, sự phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc sẽ gây ra nhiều thách thức, như chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô đắt đỏ sẽ tăng cao, trong khi số lượng khách du lịch Trung Quốc cũng như khối lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không đủ để bù đắp hoàn toàn lực cản này.
Do đó, sự phục hồi của Trung Quốc sẽ không phải là “phương thuốc” cho tất cả những “căn bệnh” đang làm suy yếu các nền kinh tế trên thế giới.