Quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức. |
Năm 2021 khó đạt mục tiêu
Mục tiêu năm 2021 mà Quốc hội đề ra là tăng 6% GDP và kế hoạch của Chính phủ là tăng 6,5% GDP trên thực tế cho thấy rất khó khả thi.
Báo cáo cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP cho Việt Nam trong năm 2021 ước chỉ đạt từ 2-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% mà WB đưa ra hồi tháng 8/2021.
Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 22/9, kinh tế Việt Nam dự kiến năm 2021 tăng trưởng ở mức 3,8% và đạt 6,5% vào năm 2022, với nông nghiệp tăng 2,7%, bằng với mức năm 2020.
Ngày 13/9, HSBC Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nằm trong ngưỡng 3,5-4%, hoặc 5-5,5%.
Theo Báo cáo số 422/BC-CP về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 ngày 18/10 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ước thực hiện cả năm 2021: GDP tăng trưởng khoảng 3,5-4% (có 8/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra).
Tuy nhiên, về tổng thể, các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh, lượng dự trữ ngoại hối tăng cao, tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng và tập trung vào lĩnh vực sản xuất.
Các tập đoàn lớn của thế giới, châu Âu, Nhật Bản vẫn tiếp tục đánh giá cao tiềm năng thị trường rộng mở và coi Việt Nam là địa chỉ rất tốt để đầu tư, mở rộng sản xuất và dịch chuyển chuỗi ung ứng.
Động lực tăng trưởng cuối năm 2021 được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, nhất là xuất khẩu nông sản, hàng dệt may, giày dép, điện tử và điện thoại di động vào Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Mỹ - những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Cả nước đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 120/166 thủ tục hành chính, cắt giảm 21,2% chi phí tuân thủ quy định. Năm 2021 Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực” kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tuy nhiên, quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau giãn cách xã hội kéo dài có thể phải đối mặt với một số trở ngại, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những nút thắt về logistics, thiếu hụt lao động, sự cứng nhắc về thủ tục trong thực hiện ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.
Năm 2022 - Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn
Năm 2022, Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021.
Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, khả năng chủ động sản xuất được vaccine ngừa Covid-19 sẽ sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vaccine cho toàn dân, đất nước sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng hồi phục. Việc hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế.
Quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn. (Nguồn: Lao động) |
Nhìn chung, quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Việt Nam tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội là rất lớn.
Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tín dụng so với GDP vẫn ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng.
Tuy vậy, theo WB, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Việt Nam tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội là rất lớn. |
Việt Nam cần tăng cường khả năng phục hồi thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội; xây dựng một cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.
Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (dự thảo) xác định: Đặt mục tiêu tổng quát “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, cùng với “tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể”.
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; phấn đấu GDP tăng 6-6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 4% GDP... trong cả năm 2022.
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đặt ra là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm sức khỏe, tính mạng nhân dân và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát lạm phát, hạn chế nợ xấu phát sinh, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Các chính sách hỗ trợ phát triển cần chú ý tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp.
| Kinh tế thế giới có quay lại bình thường trong năm 2022? Liệu tình trạng lạm phát đi kèm tăng trưởng đình trệ sau đại dịch Covid-19 đang tác động lên nền kinh tế thế giới có ... |
| Cải cách kinh tế đang cần một động lực mới Những yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam cùng những nội dung, vấn đề cải cách ... |