Đầu tư cho giao thông và cảng biển, logistics sẽ giúp liên kết vùng hiệu quả và thực chất hơn. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Những nút thắt dang dở
Tháng 4/2021, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và các cộng sự đã dành hơn 1 tuần làm việc ở TP.HCM và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Chúng tôi mất 5 tiếng đồng hồ để đi từ TP.HCM đến Tiền Giang, mà đi xe nhỏ đó. Chưa bao giờ ách tắc như vậy. Quốc lộ 51 từ TP.HCM về Vũng Tàu cũng vậy, chật chội, chen chúc xe nhỏ, xe to, xe thấp, xe cao... Một vùng kinh tế trọng điểm của đất nước mà ách tắc như vậy thì phát triển thế nào?”, ông Cung đặt vấn đề một cách thẳng thắn.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm 8 tỉnh, thành phố (gồm TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh). Tuy chỉ chiếm 20% dân số, nhưng khu vực này đang đóng góp 45% GDP cả nước; 40% tổng thu ngân sách. Riêng TP.HCM có thể được ví như “trụ cột phát triển” của cả vùng, khi chiếm 42% tổng dân số, 56% vốn đầu tư xã hội và đóng góp 51% vào GDP.
Tuy nhiên, ông Cung và các cộng sự đang lo ngại khi động lực tăng trưởng quan trọng này đang có dấu hiệu hụt hơi.
Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của TP.HCM giai đoạn vừa qua là một ví dụ. Quy mô các dự án FDI ngày càng nhỏ, bình quân chỉ khoảng 10 triệu USD/dự án, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân cả nước là 12,42 triệu USD/dự án. Nhưng nếu tính quy mô bình quân một dự án (gồm cả trong nước và nước ngoài) thì còn thấp hơn nữa, chỉ 5,56 triệu USD.
“TP.HCM đang dần thiếu vắng dự án của các tập đoàn quy mô lớn, công nghệ cao, quản trị doanh nghiệp hiện đại, có khả năng dẫn dắt phát triển. Nhưng sự ách tắc triền miên của các tuyến đường cửa ngõ nối TP.HCM với các khu vực lân cận ở Đông và Tây Nam bộ đã đẩy chi phí sản xuất, dịch vụ và xuất khẩu lên quá cao”, ông Cung phân tích.
Nhưng sự ách tắc không chỉ trên mặt đường.
TP.HCM nằm kề 2 trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn là Bình Dương và Đồng Nai, nhưng các số liệu thống kê cho thấy, ngành dịch vụ hàng đầu của Thành phố là buôn bán bất động sản, trong khi dịch vụ logistics chỉ xếp thứ 5.
Các chuyên gia của CIEM cho rằng, ở góc độ liên kết, đáng ra, TP.HCM phải là ưu tiên phát triển các trung tâm dịch vụ logistics, để hậu thuẫn cho chuỗi sản xuất ở Bình Dương và Đồng Nai. “Nhưng thẳng thắn mà nói, không thấy ai nói đến điều này. Khái niệm vùng dường như chỉ là sự cộng gộp các địa phương lân cận, chứ thực chất không có liên kết nào đáng kể. Nhưng khi nhìn vào hệ thống 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội giống nhau được áp dụng cho tất cả các địa phương, chúng tôi có thể hiểu tại sao chính quyền các địa phương phải cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư, để có tăng thu ngân sách, để lo cho mục tiêu tăng trưởng của “tỉnh nhà” trước khi quan tâm tới trách nhiệm với Vùng”, ông Cung phân tích.
Sự ách tắc, thiếu đồng bộ trong hạ tầng giao thông, nhất là thiếu đường giao thông kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng là biểu hiện rõ nhất của tư duy này.
Đơn cử, Tây Ninh có thể đặt ưu tiên số một là kết nối với TP.HCM, nhưng TP.HCM còn nhiều mối quan tâm khác cần giải quyết trước, nên chưa thể dành nguồn lực cho việc này. Hay như Bà Rịa - Vũng Tàu đang muốn có đường kết nối với Đồng Nai, nhưng Đồng Nai chưa muốn làm ngay.
Những nút thắt tiếp tục dang dở.
Bài toán sử dụng nguồn lực hiệu quả
Trong khi đó, nguồn lực để đầu tư và tái đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nội đô và giao thông liên kết của Vùng đang bị thiếu hụt.
“Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là tỷ lệ ngân sách được giữ lại của các tỉnh trong Vùng, kể cả TP.HCM rất thấp, thấp hơn nhiều so với các địa phương miền Bắc có cùng quy mô kinh tế. Có lẽ bài toán sử dụng hiệu quả nguồn lực phải được làm rõ”, ông Cung chia sẻ quan điểm.
Phải nhắc lại, mặc dù thu ngân sách của Vùng chiếm 40% thu ngân sách cả nước, nhưng chi ngân sách chỉ chiếm 20% tổng chi của cả nước. Các tỉnh công nghiệp xung quanh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai chỉ được giữ lại 36% và 47% số thu ngân sách, trong khi các tỉnh công nghiệp xung quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương có tỷ lệ giữ lại ngân sách lần lượt là 53%, 83% và 98%. Còn TP.HCM, tuy có đóng góp ngân sách cao nhất, nhưng tỷ lệ được giữ lại đang thấp nhất cả nước, chỉ là 18%.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng kinh tế trọng điểm sẽ làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%.
Năm ngoái, khi bảo vệ quan điểm về chọn mục tiêu ưu tiên của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm 2021-2030, ông Cung cho rằng, khi nguồn lực khan hiếm, để tối ưu hiệu quả sử dụng, chúng ta phải tập trung cho những vùng có thể thúc đẩy tăng trưởng nhanh, thay vì dàn đều.
“Động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ vẫn chủ yếu dựa vào nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Khi các cực tăng trưởng có đủ nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc nội tại của mình, thì bài toán liên kết vùng mới được giải. Lúc này, lời giải sẽ ưu tiên hiệu quả sử dụng nguồn lực hơn là công bằng trong phân bổ nguồn lực”, ông Cung đề xuất.
Giả thuyết TP.HCM được nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 35% hoặc thậm chí 40% như các tỉnh khác để có nguồn lực tái đầu tư, phát triển, TP.HCM sẽ ưu tiên vào mục tiêu lâu nay là thu hút các dự án công nghệ cao, các dự án dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thay vì thêm dự án thâm dụng lao động, sản xuất giản đơn. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của TP.HCM sẽ thay đổi, sẽ dành để đón đại bàng, đón các nhà đầu tư sở hữu công nghệ nguồn… Những thay đổi về đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực từ đó được thúc đẩy mạnh mẽ.
Khi đó, lãnh đạo các địa phương buộc phải có góc nhìn phát triển trên quy mô vùng, để tạo ra những mô hình hợp tác hiệu quả hơn và xây dựng được những hệ thống giao thông, cảng biển, cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ cho cả khu vực rộng lớn, để tạo thuận lợi và hiệu quả nhất cho hàng hóa lưu chuyển, thay vì cố gắng nắn dòng vận chuyển hàng vào cảng... của mình, vào đường của mình.
“Sẽ không còn tình huống tỉnh nào cũng muốn ký kết hợp tác với TP.HCM, kết nối với TP.HCM, nhưng rồi sau lễ ký việc của ai, người ấy làm”, ông Cung nói.
Khi chính quyền các địa phương tính toán kế hoạch phát triển trên cơ sở phát huy hiệu quả thế mạnh của mình, tận dụng lợi thế của các địa phương khác trong mối liên kết vùng, cơ cấu kinh tế các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như các vùng kinh tế khác sẽ thay đổi. Đó mới là mục tiêu cao nhất của vùng kinh tế.
Cũng phải nhấn mạnh, những thách thức phát triển mà khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ phải đối diện đòi hỏi biện pháp ứng phó có tính đa ngành và đa địa phương.
Ở Đông Nam bộ, đó là bài toán phát triển kinh tế một cách bền vững, phát triển đi đôi với bảo tồn môi trường sống xanh và sạch. Với vị trí địa lý liền kề nhau, những hoạt động sản xuất công nghiệp ở Bình Dương hay Đồng Nai sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường của cư dân TP.HCM. Đối với Tây Nam bộ, thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức cần có biện pháp ứng phó chung của toàn khu vực.
Mọi việc chỉ có thể xử lý được rốt ráo khi các địa phương xây dựng được mối liên kết thực sự và có động lực chung tay giải quyết. Muốn thế, bên cạnh việc xây dựng được một bản quy hoạch vùng có chất lượng (đồng thời với đó là giám sát việc thực hiện đúng quy hoạch), cần phải làm sao để các địa phương thấy được lợi ích thực tế từ các hoạt động liên kết, bổ trợ lẫn nhau.
Tuy nhiên, trong bài toán phát triển kinh tế vùng trước mắt, các chuyên gia CIEM cho rằng, vai trò nhạc trưởng thúc đẩy các mối liên kết trong vùng kinh tế phải là Chính phủ.
“Việc cần phải làm ngay là xóa bỏ các điểm ách tắc của hệ thống giao thông. Nhiệm kỳ này, Chính phủ phải giải được bài toán này, không thể chờ các địa phương tự dàn xếp”, ông Cung đề xuất.
Một số phương án cụ thể đang được đặt ra.
Một là, ngân sách Trung ương dành tiền đầu tư hoàn thiện các đoạn đường kết nối, các địa phương sẽ có trách nhiệm với phần hạ tầng trên địa bàn. Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ nếu các địa phương không có đủ ngân sách để bố trí.
Hai là, hoàn tất hệ thống giao thông vành đai 3 và 4 của TP.HCM.
Ba là, đánh giá, xem xét hệ thống đường sông trong vùng, quy hoạch lại chức năng, vai trò một số cảng, tập trung đầu mối về cảng Cái Mép - Thị Vải.
Các chuyên gia cho rằng, đây chính là chỗ cần sử dụng đầu tư công như một cách thức kích thích phát triển hiệu quả nhất trong thời điểm này.