Kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại được đà phục hồi, viết tiếp câu chuyện tăng trưởng và bắt kịp với dòng chảy phục hồi của kinh tế thế giới. |
Vừa “gượng dậy” sau một năm 2020 đầy khó khăn và thách thức, quý I và quý II năm 2021, kinh tế Việt Nam đã cho nhiều tín hiệu lạc quan khi đạt đà phục hồi tốt với mức tăng tưởng GDP sáu tháng đầu năm đạt 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của cùng kỳ năm trước, bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước.
Đầu năm 2021, một số tổ chức quốc tế lạc quan dự báo GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 7,5-7,8%. Con số này ngày càng khả thi khi dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định, một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực thi.
Tuy nhiên, “niềm vui ngắn ngủi”, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đảo chiều khi biến chủng Delta chính thức “đổ bộ” Việt Nam khiến hơn 30.000 người tử vong và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Vượt qua năm “sóng gió”
Tháng Năm, dịch bệnh tấn công trực diện vào các trung tâm kinh tế phía Nam, những thiệt hại trên quy mô lớn đến tức thì, nhanh chóng phủ bóng đen lên hầu hết các ngành, lĩnh vực khi hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua giảm mạnh vì lệnh giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.
Lần đầu tiên kể từ khi thống kê GDP theo quý được thực hiện vào năm 2000, Việt Nam ghi nhận một quý tăng trưởng âm (quý III, GDP giảm 6,17%), tính chung chín tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%. Hai trong ba trụ cột chính của nền kinh tế là công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều “ngấm đòn” nặng nề. Quý III/2021 cũng là lần đầu tiên có tới 18/19 tỉnh thành phía Nam (bao phủ hơn 44% GDP cả nước) cùng tăng trưởng âm. Riêng TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với mức giảm GDP tới 24,39%.
Nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc đã đồng loạt giảm mạnh dự báo tăng trưởng năm 2021. Ấn bản bổ sung cho báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phát hành cuối năm đã điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 xuống mức 2% từ mức 3,8% trong dự báo đưa ra vào tháng 9/2021.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho hay: “Rủi ro lớn nhất cho triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn là sự tăng nhanh của các ca nhiễm Covid-19. Chính vì vậy, báo cáo ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 xuống mức 2%”.
Báo cáo cập nhật Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo khá ảm đạm về tăng trưởng GDP cho Việt Nam trong năm 2021, ước chỉ đạt từ 2-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 8/2021. Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam khẳng định, năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với Việt Nam.
“Năm 2021 là một năm đầy biến động, nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 để phục hồi mạnh mẽ trong quý IV và đạt mức tăng trưởng cả năm 2,58%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng có dấu hiệu chậm lại do sự xuất hiện của các biến chủng mới; lạm phát toàn cầu tăng cao; đại dịch gây tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu làm tăng giá nguyên liệu sản xuất”. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê |
Thích ứng và tăng tốc
Trước những khó khăn, thách thức chưa từng thấy, cuối tháng 9/2021, Chính phủ đã có quyết định chuyển hướng chiến lược trong công tác phòng, chống dịch từ mục tiêu “Không Covid” sang thích ứng an toàn với đại dịch.
Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tạo tiền đề và cơ sở để các địa phương trong cả nước thống nhất mở cửa trở lại kinh tế, chuyển sang trạng thái bình thường mới, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Một loạt các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của Covid-19 được ban hành và triển khai hiệu quả.
Bước chuyển hướng kịp thời, linh hoạt của Chính phủ trong điều hành kinh tế, xã hội đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin vào lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Bức tranh kinh tế quý IV/2021 bắt đầu sáng dần lên khi đà tăng trưởng được phục hồi sau “cú sốc rơi tự do” của quý III.
Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 670 tỷ USD bất chấp dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang quay trở lại mạnh mẽ, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại thị trường cao… là những tín hiệu vui của nền kinh tế tháng cuối năm 2021, hứa hẹn một bức tranh với gam màu tươi sáng hơn trong năm 2022. Con số dự báo được nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đưa ra trong năm mới vì thế cũng tăng lên đáng kể.
Báo cáo kinh tế vĩ mô chuyên sâu về Việt Nam với tựa đề Việt Nam - quay trở lại với mức tăng trưởng cao được Ngân hàng Standard Chartered công bố mới đây nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ năm 2022, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7% và khoảng 7% vào năm 2023. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục có triển vọng tích cực trong trung hạn.
“Dịch Covid-19 tiếp tục là một rủi ro lớn, ít nhất trong ngắn hạn. Quý I/2022 là giai đoạn các nhà máy có thể sẽ quay trở lại hoạt động hết công suất cũng như Chính phủ đưa ra chương trình kích thích kinh tế. Chúng ta có thể nhận thấy sự phục hồi một cách rõ ràng hơn trong tháng Ba năm nay”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam lạc quan.
“Để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển, chính sách vĩ mô đóng vai trò quan trọng, trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo. Với dư địa tài khóa được củng cố các năm gần đây và trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế”. Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam |
Trong Báo cáo Vietnam at a glance - Kết thúc có hậu cho một năm khó khăn mới công bố, Ngân hàng HSBC cũng nhận định, sau hai năm tăng trưởng chậm lại, Việt Nam sẽ tăng tốc tăng trưởng lên 6,5% trong năm 2022. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6,5-7%, tương đương với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.
HSBC tin tưởng Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng vững vàng sau năm 2021 đầy gian nan. Sản xuất và xuất khẩu kỳ vọng sẽ tiếp tục vị thế dẫn đầu.
Nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ phục hồi thêm khi các biện pháp hạn chế dần được gỡ bỏ và thị trường lao động phục hồi. HSBC cho rằng, trở ngại lớn nhất cần lưu ý chính là đợt bùng dịch Covid-19 đang diễn ra, nhất là với sự xuất hiện của biến chủng Omicron.
Báo cáo của HSBC nhấn mạnh: “Điều đáng mừng là tình hình triển khai tiêm vaccine của Việt Nam tốt hơn trước rất nhiều, đủ để tránh việc giãn cách xã hội diện rộng như trước đây.
TP. Hồ Chí Minh đã dẫn đầu cả nước trong việc triển khai tiêm bổ sung cho đối tượng ưu tiên từ đầu tháng 12/2021, còn Chính phủ đặt mục tiêu hết quý I/2022 cả nước phải hoàn thành chiến dịch tiêm mũi bổ sung. Vì vậy, thời điểm có thể gỡ bỏ các quy định hạn chế và mở rộng hoạt động đi lại quốc tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ứng phó với đại dịch của Việt Nam”.
| TS. Nguyễn Quốc Việt: Để tăng trưởng kinh tế không lỡ nhịp TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia ... |
| WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc, tăng trưởng đạt 5,5% năm 2022 Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) "Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 1/2022", WB dự ... |