Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti. (Ảnh: Vân Chi) |
Giữ vững vị thế
Năm 2022, kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều biến động khi cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến hàng hóa tăng cao, áp lực lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng trên diện rộng. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí là một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới, đạt mức tăng trưởng GDP 8% - mức cao nhất trong thập kỷ qua.
Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, “khả năng chống chọi với các cơn bão kinh tế toàn cầu của Việt Nam phần lớn là nhờ tự do hóa thương mại và kinh tế đã được theo đuổi trong nhiều năm với sự hỗ trợ của EU. Những bước phát triển tích cực của hoạt động thương mại và kinh tế không thể đạt được nếu không có những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc mở cửa nền kinh tế, cải thiện tính minh bạch và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính công”.
Dự đoán năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đứng trước những “cơn gió ngược”, nhu cầu hàng hóa thế giới tiếp tục giảm gây ra tình trạng thiếu vắng đơn hàng xuất khẩu, gián đoạn chuỗi cung ứng… Đại sứ Giorgio Aliberti nhận định, tình hình sẽ không quá xấu và bất lợi, đủ sức gây “cú sốc” cho nền kinh tế Việt Nam.
Nhà ngoại giao EU dự báo: “Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ tăng trưởng tốt, có thể đạt mức tăng trưởng gần 8%”.
Động lực từ EVFTA
Tin liên quan |
Việt Nam-EU: Mở rộng cơ hội sang các lĩnh vực mới |
Theo Đại sứ EU tại Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) rõ ràng đóng một vai trò không thể thiếu, là một trong những lý do đằng sau sự thành công của Việt Nam trong việc vượt qua những thách thức kinh tế toàn cầu hiện nay. EVFTA không đơn thuần là một hiệp định thương mại tự do mà có thể đưa nền kinh tế lên một tầm cao mới.
Sau hai năm thực thi Hiệp định, Đại sứ Giorgio Aliberti đánh giá, hai bên đã ghi nhận sự gia tăng cả về xuất khẩu và nhập khẩu. “EVFTA đã cho thấy sự hữu ích, đặc biệt trong dịch Covid-19 đầy khó khăn. Chúng ta đã duy trì quan hệ truyền thống bền chặt và tăng cường xuất nhập khẩu hai chiều và đây là một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.
Nhìn vào số liệu và sự tăng trưởng trong 20 năm qua, chúng ta sẽ thấy những kết quả thật tuyệt vời. Xuất khẩu của Việt Nam đến EU thật đáng kinh ngạc, mạnh mẽ và đang tăng trưởng rất tốt khi năm 2022, Việt Nam xuất sang EU đạt 45,7 tỷ USD, xuất siêu sang khối thị trường này ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 38,6% so với năm trước”.
Ông Giorgio Aliberti nhận định, quá trình thực thi Hiệp định EVFTA còn cả một chặng đường dài phía trước, do đó, Việt Nam và EU cần tiếp tục nỗ lực triển khai các thỏa thuận, điều khoản để mang lại lợi ích cho hai bên.
Cho rằng vấn đề tiêu chuẩn cần được nâng cao vì EU là một trong những thị trường có tiêu chuẩn cao nhất thế giới, Đại sứ Giorgio Aliberti nhấn mạnh, “chúng ta cần thời gian và chia sẻ thông tin nhiều hơn để làm được điều đó. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để thông tin tới các doanh nghiệp Việt Nam về những việc cần làm để đạt tiêu chuẩn tốt hơn, tham gia thị trường sâu hơn.
Tôi nhận thấy số doanh nghiệp ở Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu đã tăng đáng kể trong một số lĩnh vực như thực phẩm nông nghiệp hay nghề cá. Một số đã làm được điều này, số khác thì chưa”.
Vì vậy, ông Giorgio Aliberti cho rằng, quá trình này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, “chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về mặt thủ tục, tháo gỡ một số khó khăn, rào cản như biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật, để có nhiều sản phẩm châu Âu đến được với người tiêu dùng Việt Nam hơn”.
Điểm đến rất hấp dẫn
Đại sứ Giorgio Aliberti khẳng định, Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt là trong chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển năng lượng tái tạo…
Theo ông, “dòng vốn đầu tư từ EU sẽ gia tăng trong thời gian tới, một phần nhờ lực đẩy EVFTA”. Doanh nghiệp châu Âu rất quan tâm đến môi trường đầu tư và sự hỗ trợ, tạo thuận lợi của chính quyền dành cho nhà đầu tư. Việc Việt Nam có được một thỏa thuận thương mại tự do với EU chắc chắn là một lợi thế to lớn, đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư tìm đến.
Dù lạc quan, Đại sứ EU tại Việt Nam cũng lưu ý, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện khung pháp lý, tiếp tục hiện đại hóa và hợp lý hóa bối cảnh kinh doanh của Việt Nam. “Nếu làm được điều này, chắc chắn sẽ có thêm nhiều và nhiều hơn nữa các nhà đầu tư EU lựa chọn Việt Nam”, ông nói.
| Ứng phó với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, đâu là cánh cửa cho Việt Nam? Để ứng phó với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, đề xuất áp dụng các ưu đãi đầu tư bổ sung, bao gồm cả ... |
| Việt Nam là quốc gia hùng mạnh thứ 30 thế giới, tại sao không? Tạp chí US News & World Report (Mỹ) đánh giá, Việt Nam là quốc gia hùng mạnh thứ 30 thế giới. Điều này hoàn toàn ... |
| Báo Nga: Ngày càng có nhiều sản phẩm 'nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam' Tận dụng các thế mạnh hiện có, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bứt tốc khai thác tiềm năng thị trường rộng lớn ... |
| Kinh tế-xã hội tiếp xu hướng phục hồi, khu vực dịch vụ phát triển tốt Chiều 3/3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn ... |
| Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần chuẩn bị gì? Ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, đã chia sẻ góc nhìn của mình về ... |