Ông Xuân Thủy, Trưởng Phái đoàn Việt Nam đến Điện Elysee, sau cuộc gặp gỡ với Tướng Charles De Gaulle. (Nguồn: Getty Images) |
Nhà hoạt động chính trị xuất sắc
Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912, tại xã Phương Canh, tổng Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay là phường Xuân Phương, thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, từ nhỏ Xuân Thủy đã sớm tham gia các tổ chức yêu nước chống Pháp. Từ năm 1932, Xuân Thủy được giác ngộ và hoạt động cách mạng thông qua báo chí, trong vai ký giả… Năm 1938, ông bị địch bắt, giam tại Hỏa Lò. Năm 1939, ông bị bắt lần hai, bị đày đi Sơn La, Hà Giang. Đầu năm 1944, ông bị đưa về quản thúc tại quê nhà, được Đảng đón đi hoạt động bí mật, phụ trách báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh.
Năm 1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa và được cử vào Ủy bạn Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ, rồi làm Trưởng ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, kiêm Chủ nhiệm báo Cứu quốc. Cuối năm 1945, ông được cử vào Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên. được phân công làm Trưởng Đoàn đại biểu Việt Minh, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I.
Sự nghiệp cách mạng của cố Bộ trưởng Xuân Thủy rất đa dạng, phong phú và sôi động. Về mặt Đảng, từ 1945, ông là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ 1955-1982, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng (1968-1982), Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Về công tác mặt trận, từ 1945-1985: Trưởng ban Tuyên truyền Tổng bộ Việt Minh (1945-1948); Ủy viên Thường vụ Tổng bộ Việt Minh (1948-1950); Trưởng ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt (1951-1954), Bí thư Đảng đoàn kiêm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955-1985).
Về công tác Quốc hội, ông đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Là đại biểu Quốc hội từ khóa I (1946-1960) đến khóa VII (1981-1987). Ủy viên Thường trực, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký nhiều khóa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước, có nhiều đóng góp về lập hiến và lập pháp của Quốc hội.
Nhà ngoại giao tài ba
Xuân Thủy khởi đầu sự nghiệp ngoại giao ngay từ những ngày đầu thành lập nước CNDCCH với nhiều lần tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu đàm phán trực tiếp với các tướng lĩnh của Tưởng Giới Thạch và Việt Quốc, Việt Cách, giải quyết việc thành lập Chính phủ Liên hiệp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ những thành quả Cách mạng Tháng Tám. Ông được đánh giá là người hoạt động xuất sắc trong cả ba “binh chủng” đối ngoại: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Ông là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương (1961-1979). Đây là giai đoạn khó khăn khi phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khủng hoảng về đường lối, có bất đồng và chia rẽ sâu sắc, đặc biệt là mâu thuẫn Xô - Trung, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam phát triển mạnh, cần sự ủng hộ quốc tế. Giai đoạn này, ông được giao thêm nhiệm vụ Bộ trưởng Ngoại giao (4/1963-4/1965). Hoàn cảnh khó khăn đó càng làm nổi bật bản lĩnh và tài trí của nhà ngoại giao Xuân Thủy. Ông nỗ lực xử lý bất đồng Xô - Trung thời điểm 1961-1975, nhắc nhở cán bộ Bộ Ngoại giao bình tĩnh, tránh bàn luận, phê phán bên này, bên kia. Ông nói: “Mình phải lấy lợi ích của cách mạng làm cơ sở. Lợi ích của cách mạng là đoàn kết”. Ông cũng đảm nhận Trưởng ban Công tác miền Tây, Ban Công tác của Trung ương phụ trách giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia.
Sau Chiến dịch biên giới năm 1950, Xuân Thủy được Đảng trao trách nhiệm xây dựng công tác ngoại giao nhân dân, phụ trách công tác này cho đến năm 1975. Ông có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển rộng rãi nền ngoại giao nhân dân nước ta, là Tổng chỉ huy đối ngoại nhân dân, trực tiếp làm Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (1952), Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á-Phi của Việt Nam (1957), Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới (1954)…Với tài tổ chức và thuyết phục, Xuân Thủy đã nói lên tiếng nói của nhân dân ta, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân, đóng góp quan trọng hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, góp phần xây dụng cơ sở cho nền ngoại giao nhân dân mang đậm bản sắc Việt Nam ngày nay. Ông Xuân Oanh, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban hòa bình Việt Nam nhận xét: “Người như anh Xuân Thủy sinh ra để làm công tác ngoại giao nhân dân”.
Tại Hội nghị Geneva 1961-1962 về Lào, ông là Phó Trưởng đoàn VNDCCH. Ông Lê Trang, thành viên Đoàn nhận xét: “Xuân Thủy đã góp phần để đi đến ký kết Hiệp định… mà người trong cuộc như chúng tôi mới hiểu được điều này một cách thấu đáo”.
Cố Bộ trưởng Xuân Thuỷ từng làm Chủ tịch Hội những người viết báo Việt Nam khóa I (1950), khoá II (1959) và là Ủy viên Ban chấp hành Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ). Ông cũng từng là Truởng Ban Cán sự Đảng ngoài nước, được thành lập ngày 31/3/1961.
Người anh cả đáng mến
Dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp ngoại giao của Xuân Thủy là thời kỳ từ năm 1968-1973, với tư cách Bộ trưởng, Trưởng đoàn Chính phủ VNDCCH tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Đây là một trong các trang sử chói lọi của ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh; đồng thời là một trong các sự kiện quốc tế rất quan trọng của thế kỷ XX.
Gần năm năm đàm phán, trong khi phía Mỹ bốn lần thay trưởng đoàn thì ông Xuân Thủy trước sau vẫn là Trưởng đoàn của Đoàn đàm phán VNDCCH. Ông đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và thực hiện đường lối ngoại giao độc lập của Đảng và Nhà nước ta”.
Nhờ những phẩm chất cá nhân nổi bật, Bộ trưởng Xuân Thủy tranh thủ dư luận rộng rãi. Tổng Bí thư Trường Chinh nhận xét rất đúng về ông: “có phong cách rất Bác Hồ, vừa mềm mỏng, vừa nguyên tắc, chặt chẽ. Anh Xuân Thủy có cách nói độc đáo, rất dễ thấm sâu vào lòng người... Sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại”. Nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, Phó Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ VNDCCH đã viết rất hay: “Từ con người dáng điệu, cử chỉ, nói năng, đến câu chuyện và cách chuyện trò, người cộng sản Xuân Thủy thật là văn minh, lịch sự, làm người ta nghĩ đến một nho sĩ, một nhà hiền triết…”. Đi vào lĩnh vực nào ông cũng tinh thông và dịu dàng, đằm thắm, người quen thì tâm tình, người lạ thì thuyết phục dù là tả, hữu, thân, không thân, thậm chí không đồng tình với ta. Với ai, Xuân Thủy đều làm cho mọi người hiểu, thông cảm với mình. Với bà con Việt kiều thì “mọi người đều mê anh Xuân Thủy”. Ông có nụ cười rất đẹp, tự nhiên, ung dung, tự tại, có ý nghĩa sâu sắc bên trong, làm cho mọi người có cảm tình. Nụ cười đó đã thuyết phục các nhà báo thuộc mọi khuynh hướng. “Nụ cười đó, suy rộng ra, không phải là nụ cười của cá nhân Xuân Thủy, mà là nụ cười của cả nhân dân Việt Nam...”.
Với đối phương, ông luôn có thái độ đàng hoàng, tự tin, sắc bén, đáp lại những luận điệu xuyên tạc, làm sáng tỏ lập trường chính nghĩa của ta… Trong sinh hoạt nội bộ đoàn, ông là người anh cả được mọi người thán phục và quý mến.
Ghi nhận “công lao to lớn đặc biệt xuất sắc” của ông, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng ông những phần thưởng cao quý nhất như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Ông là người làm báo đầu tiên của Việt Nam được OIJ trao tặng Huân chương quốc tế cao quý mang tên Julius Fucik.
Lịch sử sẽ mãi ghi những nét son tên tuổi và hình ảnh của nhà ngoại giao xuất sắc và đức độ Xuân Thủy, với nụ cười chiến thắng, người từng đem hết tâm huyết và tài năng của mình vào cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta với Mỹ tại Hội nghị Paris về Việt Nam cho đến khi toàn thắng. Ông như một vì sao còn mãi giữa lòng dân tộc, giữa quê hương, như trong một câu đối mà một vị hòa thượng viết tặng:
“Xuân khứ, Xuân lai, Xuân bất tận
Thủy lưu, Thủy chuyển, Thủy trường tồn”.
| Chân dung 5 cố Bộ trưởng Ngoại giao TGVN. Nhân Quốc khánh 2/9 và ngày thành lập Ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8), Báo Thế giới & Việt Nam xin trân trọng nhớ lại ... |
| Trưởng đoàn Xuân Thủy một nhà cách mạng cao đẹp Được giúp việc cho Bộ trưởng Xuân Thủy trong thời gian Hội nghị Pa-ri về Việt Nam (1968-1973), tôi đã học được nhiều ở ông. |
| Bộ trưởng Xuân Thủy và Hội nghị Paris Hội nghị Paris về Việt Nam nổi tiếng với việc nước Mỹ siêu cường số 1 lần đầu tiên đã chịu thua và ký hiệp ... |
| Ký ức về ông Xuân Thủy Có tới gần 10 năm cùng làm việc và gắn bó với cố Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, đối với ông Trịnh Ngọc Thái ... |
| Nụ cười…Xuân Thủy! (Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Xuân Thủy: 2/9/1912 – 2/9/2012). |