Nhỏ Bình thường Lớn

Kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2008): Nhớ lại một cuộc hội thảo

Đấy là vào đầu năm 1993. Ông Nguyễn Cơ Thạch khi đó đã thôi giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông vừa trở về từ một cuộc họp của diễn đàn Vì một châu Á mới do Viện Chiến lược quốc tế Malaysia tổ chức.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tại cuộc họp báo nhân chuyến thăm Ấn Độ (tháng 12/1982).

TS. Trịnh Đình Hùng*

Ông được mời làm một trong những sáng lập viên của Diễn đàn. Ở đó, cùng với một số cựu chính khách và học giả của Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Á, ông đại diện cho Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang bắt đầu hội nhập khu vực (lúc này Việt Nam còn chưa gia nhập ASEAN).

Trong các cuộc họp, có hai nhân vật mà phát biểu thảo luận gây sự chú ý và thích thú nhất là Ghazali Shafie (cựu Ngoại trưởng Malaysia từ năm 1981-1984) và  Nguyễn Cơ Thạch. Mới chỉ cách đây mấy năm, hai người này, một đại diện cho ASEAN và một đại diện cho Đông Dương - hai khối đối địch - chỉ trích nhau gay gắt. Những năm "chiến tranh lạnh" và đối đầu. Rồi JIM-1, JIM-2 (Jakarta Informal Meeting) được tổ chức theo sáng kiến của ông Nguyễn Cơ Thạch và Kusumaatmaja - những bước đi đầu tiên theo hướng đối thoại giữa hai nhóm nước và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia.

Còn nhớ một cuộc họp báo của ông Thạch trong những năm ấy với phóng viên nước ngoài đông nghịt như thường lệ. Một nhà báo hỏi ông Thạch: "Xin Ngài cho biết về lực lượng Việt Nam ở Lào". Ông Thạch thủng thẳng trả lời: "Hôm nay chúng ta họp báo về vấn đề rút quân Việt Nam khỏi Campuchia. Nhưng tôi sợ rằng sau đây sẽ lại có "vấn đề quân Việt Nam ở Lào nữa!". Cả hội trường cười ồ. Và câu trả lời không cần nữa.

Trở lại với Ghazali Shafie và Nguyễn Cơ Thạch. Hai cựu Ngoại trưởng vẫn có lúc "nhắc lại chuyện cũ", nhưng giọng đã hòa nhã nhiều rồi. Thời thế đã thay đổi. Vả lại, đây là hai nhà ngoại giao kỳ cựu. Khi hai người cười xòa, thì cũng là lúc hội trường vỗ tay tán thưởng.

Trở về từ Kuala Lumpur, ông Nguyễn Cơ Thạch bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc hội thảo kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam - hội thảo quốc gia được tổ chức tại Học viện Quan hệ Quốc tế. Ai cũng biết ông Thạch là người tham việc. Mỗi lần đi công tác nước ngoài, khi công việc đã xong là ông gọi cán bộ Sứ quán đến để "ra bài" hoặc yêu cầu cung cấp tài liệu về một vấn đề mà ông đang muốn tìm hiểu để tự mình nghiên cứu. Ông cười: “Các cậu làm việc mà không nghỉ hoặc nghỉ mà không làm việc là xoàng. Làm việc mà biết nghỉ, nghỉ mà vẫn làm việc mới giỏi”.

Tại cuộc Hội thảo, có mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ và các đồng chí Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Minh Vỹ - cũng đều là những người đã tham gia đoàn đàm phán ở Paris - và Trung tướng Nguyễn Đình Ước - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự. Đồng chí Phan Hiền đang ốm. Còn các đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thủy thì đã mãi đi xa. Và đồng chí Nguyễn Cơ Thạch - một thành viên quan trọng của đoàn đàm phán từ những ngày đầu cho đến khi ký kết Hiệp định - đã có bài tham luận nêu rõ trí tuệ Việt Nam trong cuộc đọ sức ngoại giao với Mỹ; sự kết hợp ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; và việc ngoại giao làm tròn nhiệm vụ tham mưu cho Đảng và Nhà nước góp phần vào thắng lợi chung. Tôi nhớ mãi giọng nói hào sảng cùng sự phân tích sâu sắc, khoa học mà đầy tính chiến đấu của ông. Chưa bao giờ tôi thấy ông "xuất thần" đến thế!

20 năm đã qua cho đến đó, kể từ khi đoàn Việt kiều mang Cờ đỏ Sao vàng và cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đứng dọc đường phố Paris vẫy chào những người vừa bước ra từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế trên đại lộ Cleber, mang lại cho đất nước một mùa Xuân đầu tiên sau nhiều năm không có tiếng bom.

Rồi 15 năm nữa đã trôi qua kể từ cuộc hội thảo năm nào ở tòa nhà cũ của Học viện Quan hệ Quốc tế. Nhiều thành viên của đoàn đàm phán Paris giờ đã không còn cho đến hôm nay. Nhưng ý chí chiến đấu cho độc lập dân tộc và đóng góp của họ cho thắng lợi chung của đất nước vẫn được gìn  giữ, trân trọng. Và Ngoại giao Việt Nam, đã từng là một trong ba mặt trận góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, vẫn tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh vẻ vang từ các thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(Tác giả là Thư ký của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch từ 1992 - 1994)