Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (30/1/1965) - Ảnh tư liệu (Nguồn: hochiminhcity.gov.vn) |
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề sử dụng thuật ngữ “văn hóa Đảng”, nhưng những kiến giải sâu sắc của Người về công tác Đảng cộng với hàm lượng văn hóa chứa đựng trong đó đã trở thành những chỉ dẫn quan trọng để có thể thực hành xây dựng và giữ gìn văn hóa Đảng.
Trong Di chúc, Hồ Chủ tịch đã đề cập đến những vấn đề cốt lõi của văn hóa Đảng. Thứ nhất là vấn đề đoàn kết. Đoàn kết đã tạo nên sức mạnh vượt thoát của dân tộc, đã tạo nên sức mạnh của Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là “truyền thống cực kỳ quý báu” của dân tộc ta, của Đảng ta. Bằng sự mẫn tiệp của danh nhân văn hóa lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sự thống nhất giữa văn hoá Đảng và văn hoá dân tộc, biểu hiện ở giá trị đoàn kết. Đặc biệt, đối với Đảng, đoàn kết phải được thấm nhuần trong từng tổ chức cơ sở đảng, trong mỗi đảng viên từ Trung ương đến địa phương. Nhấn mạnh tầm quan trọng của tính đoàn kết, Người viết “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” . Từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra bài học lý luận giản dị mà sâu sắc: sự thành công của Đảng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam là “nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”.
Thứ hai là vấn đề tu dưỡng đạo đức cách mạng.
Phẩm chất đạo đức vừa là một phương diện quan trọng quyết định giá trị bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, vừa là nguồn gốc chủ yếu sinh ra những ảnh hưởng mang tính tự nhiên đối với người khác. Rèn luyện đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên là một nhiệm vụ cơ bản đảm bảo cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Ở đâu người đảng viên cũng phải là người tiêu biểu về đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng để trở thành chỗ dựa và niềm tin cậy của nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tu dưỡng đạo đức cách mạng. Trong Di chúc, Người tiếp tục nhấn mạnh đến vấn đề này. “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” . Đối với đoàn viên và thanh niên, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Thứ ba là vấn đề thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.
Di chúc nhấn mạnh “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” . Đối với Đảng, dân chủ không những chỉ tồn tại với tư cách là một giá trị văn hóa cần được phát huy, mà nó còn là mục tiêu, là động lực, là giải pháp mang tính cấp thiết để làm trong sạch tổ chức đảng, khơi dậy nguồn lực trí tuệ trong toàn đảng, tạo niềm tin đối với quần chúng, nắm vững ngọn cờ lãnh đạo mà nhân dân đã giao phó.
Để thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, trước hết mỗi đảng viên phải làm tốt công tác tự phê bình và phê bình. Có thể khẳng định, đây là hành vi văn hóa rất đặc trưng của văn hóa Đảng. Việc thường xuyên, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình chính là cách thực hành dân chủ trong Đảng; mặt khác, khi tự phê bình và phê bình được tiến hành có hiệu quả, sẽ góp phần làm chuyển biến tư tưởng, đạo đức, lối sống cho mỗi cán bộ, đảng viên. Và khi đó, văn hóa đạo đức của mỗi đảng viên được trau dồi, nâng cao, tổ chức Đảng càng được củng cố vững mạnh, “xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Thứ tư, Di chúc cũng đề cập đến văn hóa ứng xử trong Đảng.
Văn hóa ứng xử trong Đảng trước hết được thể hiện ở cách ứng xử của các đảng viên. Về vấn đề này, Di chúc khẳng định, trong Đảng “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Văn hóa Đảng - về bản chất - là văn hóa của một tổ chức chính trị. Sợi dây liên kết giữa các thành viên trong tổ chức đó bên cạnh sự thống nhất về lý tính còn là tình cảm. Chính vì vậy, để tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, ngoài việc cùng chung lý tưởng, chung chí hướng phấn đấu, các đảng viên phải ứng xử với nhau nhân văn, nhân ái.
Rộng hơn nữa, văn hóa ứng xử trong Đảng còn thể hiện ở cách ứng giữa các đảng cộng sản. Ước mong của Hồ Chí Minh là Đảng Cộng sản Việt Nam tích cực hoạt động để “góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình” .
Th.S Vũ Phương Hậu (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)
Theo Chinhphu.vn