Các em học sinh Lai Châu thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. (Nguồn: TTXVN) |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Thấm nhuần lời dạy của Người, cùng truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mỗi dịp tháng Bảy, người Việt Nam lại thể hiện lòng biết ơn, tri ân những mất mát, hy sinh ấy. Ở các nghĩa trang, trên từng mộ phần liệt sĩ, dù có tên hay chưa có tên, thêm ấm cúng, thiêng liêng bởi những nén hương, nhành hoa tươi và cả những giọt nước mắt trên khuôn mặt hằn in dấu vết thời gian của đồng đội, bạn bè, người thân.
Những địa danh Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, Điện Biên Phủ, chiến khu Tân Trào, nhà tù Côn Đảo, biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, Gạc Ma, Cô Lin (Trường Sa)... và hàng nghìn địa danh khác luôn nhắc ta nhớ về một thời đất nước gian lao. Trong lịch sử dân tộc, máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã trở thành tượng đài mà thế hệ muôn đời sau luôn khắc ghi.
Tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, 75 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc, và cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cũng đã làm nhiều công việc để đền ơn đáp nghĩa như: tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ.
Đến nay, hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng ngàn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Số người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên gần 1,2 triệu. Hằng năm gần 106.000 lượt người được điều dưỡng tập trung và gần 387.000 lượt người điều dưỡng tại gia đình. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng.
Tháng Bảy, tháng tri ân, tháng của nghĩa tình, là tháng mà mỗi người Việt Nam xây đắp lòng tự hào về truyền thống vẻ vang, về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc và hướng những hành động thiết thực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
| Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ tại Venezuela Đại sứ Lê Viết Duyên khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, ... |
| Những tượng đài vĩnh cửu trên đất Lào Đến Lào ta sẽ dễ nhận ra giữa trung tâm mỗi tỉnh lỵ, từng là chiến trường khốc liệt thời chống Mỹ đều được nước ... |