Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào 28 - 29/6 tại Osaka, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters) |
Nếu loạt vấn đề từng làm nóng Diễn đàn Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) vào năm ngoái tại tại Buenos Aires, Argentina, như xung đột thương mại, biến đổi khí hậu, căng thẳng song phương, môi trường và năng lượng… thì đến năm nay, các vấn đề trọng tâm đặt ra cho G20 tại Nhật Bản vẫn như thế và thêm nhiều phát sinh mới.
Làm mới những vấn đề cũ
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh năm nay, diễn ra vào 28 - 29/6 tại Nhật Bản, các cấp làm việc từ các nước thành viên vẫn đang thảo luận căng thẳng để có thể đạt được một thỏa thuận trong các vấn đề then chốt. Tuy nhiên, nhiều vấn đề tuy được coi là đạt được nhưng vẫn dang dở, chưa thể sớm ngã ngũ trong tương lai gần.
Với mục tiêu trung tâm của G20 là “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện”, năm nay, các chủ đề lớn được nước chủ nhà Nhật Bản chính thức đưa ra bao gồm: Nền kinh tế toàn cầu; Thương mại và Đầu tư; Đổi mới; Môi trường và Năng lượng; Việc làm; Lao động phụ nữ; Phát triển, Sức khỏe… có thể tên gọi các chủ đề đã được làm mới, nhưng các vấn đề đều đã cũ, thậm chí bàn đi bàn lại nhiều lần tại chính Diễn đàn này.
Còn nhớ, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2018 với chủ đề chính là “Xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững”, Tổng thống nước chủ nhà Mauricio Macri bày tỏ hy vọng rằng, Hội nghị sẽ tạo nền tảng cho sự đồng thuận cho 10 năm tới. Tuy nhiên, không cần đợi đến 10 năm, chỉ ít tháng sau, trong không nhiều các vấn đề đạt được tiến bộ, các vấn đề khác đều không vận động theo chiều hướng mà Tuyên bố chung đặt ra… Dù tại Hội nghị bế mạc năm đó, các nước thành viên G20 đã đạt được một đồng thuận cùng phản ánh rõ những lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng hay sự cần thiết phải làm mới hệ thống thương mại quốc tế vốn đã bộc lộ nhiều bất cập...
Mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương G20, cuộc tranh cãi về ngôn từ đưa vào tuyên bố chung đã làm vỡ tan hy vọng của giới đầu tư về một văn kiện thể hiện quyết tâm của các lãnh đạo tài chính nhằm giải quyết tranh chấp thương mại, vốn đang làm tổn hại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cuối cùng, các bên vẫn ra được một Tuyên bố chung, nêu bật các vấn đề nóng của kinh tế thế giới, chỉ rõ thách thức, song lại chẳng đề cập gì tới vướng mắc chính.
Tuyên bố chung đã loại bỏ việc công nhận cần phải giải quyết tranh chấp thương mại, cũng như thừa nhận tranh chấp thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thay vào đó, văn kiện chỉ dừng lại ở việc thừa nhận sự gia tăng các căng thẳng thương mại và địa chính trị là những thách thức đối với kinh tế toàn cầu và các nước cam kết tiếp tục giải quyết những nguy cơ, cũng như sẵn sàng có thêm những hành động để giảm thiểu những mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, không có cam kết nào liên quan tới chống chủ nghĩa bảo hộ.
Cụm từ gây tranh cãi đã bị loại khỏi Tuyên bố chung là “thừa nhận sự cấp thiết phải giải quyết các căng thẳng thương mại”, cho thấy yếu tố chủ chốt đã và đang thách thức tinh thần đoàn kết của G20 trong nỗ lực đưa ra một quan điểm thống nhất đối với các vấn đề gai góc mang tính toàn cầu. Sức ép từ Washington vẫn rất lớn, không thay đổi nhiều từ G20 năm 2017, khó có thể chỉ trích chiến thuật thuế quan để đổi lấy đàm phán song phương của Tổng thống Trump, vì vai trò quá lớn của Mỹ. ..
Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ tại G20 lần thứ 13. |
Thậm chí, nhiều người đã cho rằng, G20 đang bước thụt lùi so với các thỏa thuận đạt được tại Buenos Aires hồi năm ngoái. Người ta tin rằng, không chỉ Mỹ, Trung Quốc, mà cả nền kinh tế thế giới là “những người thua cuộc”.
Những tia sáng hiếm hoi
Các điểm nóng chưa nguội, lại có “hàng tá” vấn đề mới đã xuất hiện trong nền kinh tế hiện đại. Tại Hội nghị G20 lần này, chủ nhà Nhật Bản đã đưa ra nhiều vấn đề chưa từng có và không kém phần phức tạp và nhạy cảm: như Thống nhất quy tắc về trí tuệ nhân tạo (AI) bao gồm phát triển AI công bằng, có trách nhiệm, minh bạch, tôn trọng luật về an ninh, sự riêng tư…; Thuế kỹ thuật số mà mục tiêu là điều chỉnh hành vi chuyển lợi nhuận của các “ông lớn công nghệ”; Xác định các ưu tiên cụ thể cho cải cách WTO; Giải quyết các vấn đề kinh tế liên quan tới người già và sụt giảm tỉ lệ sinh…
Giới quan sát cho rằng, “điểm sáng” hiếm hoi của Hội nghị G20 lần này là các nền kinh tế chủ chốt từ Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… dù vẫn còn những bất đồng và khác biệt, vẫn ngồi lại với nhau để cùng thảo luận về các vấn đề nổi cộm đe doạ tới tăng trưởng kinh tế, phần nào giúp cải thiện bầu không khí bang giao toàn cầu.
Bởi, trong bối cảnh cục diện thế giới đang trải qua những thay đổi cơ bản về địa chính trị và chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ càng bấp bênh hơn bao giờ, nếu các nền kinh tế G20 tiếp tục né tránh việc giải quyết những căng thẳng thương mại. Nói cách khác, khi các nền kinh tế chủ chốt chưa thể thống nhất được quan điểm hành động, mối đe dọa chính đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn tiếp tục tồn tại.
Một diễn biến tích cực hiếm hoi khác đối với nền kinh tế thế giới là Mỹ và Mexico mới đây đã đạt được thỏa thuận giúp ngăn nguy cơ xảy ra cuộc chiến thuế quan. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati thậm chí còn lạc quan cho rằng, động thái này báo hiệu Mỹ sẵn sàng thỏa hiệp với Trung Quốc về thương mại.
Cả WB và IMF đều cảnh báo về nguy cơ kinh tế toàn cầu chậm lại và một trong những “thủ phạm” là căng thẳng thương mại. Nhưng hiện tầm ngắm thuế quan của Tổng thống Trump không chỉ dừng lại ở Bắc Kinh. Những điểm nóng tiếp theo có thể kể đến như xung đột tiềm tàng giữa Washington và châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc về xe hơi và nông nghiệp…
Hội nghị Thượng đỉnh G20 vẫn được xem là phép thử đối với uy tín và ảnh hưởng mà G20 đã gây dựng được. Tuy nhiên, với hàng loạt các vấn đề khó và nhạy cảm, khả năng đạt được đồng thuận để đi tới tận cùng các vấn đề là vô cùng mong manh. Rất ít giải pháp cho những vấn đề này có thể xuất hiện, nhưng kỳ vọng nó có giá trị thiết lập chương trình nghị sự trong các cuộc đối thoại sau này.