📞

Làm đối ngoại cần sự chung sức của mỗi người dân

16:36 | 18/11/2016
Đây là khẳng định của ông Đôn Tuấn Phong - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống (17/11/1950 – 17/11/2016) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp) đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng cho công tác đối ngoại nói riêng và cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Ông Đôn Tuấn Phong cho biết, cùng với việc khôi phục, củng cố quan hệ với các tổ chức bạn bè truyền thống, Liên hiệp đã thiết lập quan hệ đối tác mới với nhiều tổ chức nhân dân, các cá nhân và các tổ chức phi chính phủ nhiều nước, mở rộng đáng kể địa bàn quan hệ và hoạt động, phủ kín quan hệ đối tác với các địa bàn trọng điểm tạo được vị thế xứng đáng và phát huy được vai trò tích cực trong nhiều cơ chế đa phương.

Thông qua quan hệ đối tác, Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã tích cực đóng góp vào việc phá thế bao vây, cấm vận, thúc đẩy bình thường hóa, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, góp phần tạo môi trường hòa bình thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, Liên hiệp cũng có đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ông Đôn Tuấn Phong phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày 17/11. (Ảnh: T.T)

Hoạt động đối ngoại của Liên hiệp cũng đã tăng mạnh về số lượng với nội dung và phương thức ngày càng phong phú, đa dạng, được nâng cao cả về tầm, quy mô, chiều sâu và hiệu quả. Cùng với các hoạt động vận động chính trị, đối thoại, giới thiệu quảng bá về Việt Nam..., Liên hiệp đã tăng cường hoạt động thúc đẩy, hợp tác trên các lĩnh vực phát triển, nhân đạo, xoá đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, khoa học, công nghệ, văn hoá, giáo dục...

Đặc biệt, công tác phi chính phủ nước ngoài do Liên hiệp làm đầu mối thường trực đã được chú trọng đẩy mạnh và có quan hệ, hợp tác với hơn 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 15 năm qua, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giải ngân trên 3,5 tỷ USD cho cho hàng chục nghìn chương trình/dự án xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, hạ tầng y tế giáo dục và liên quan tới biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Hiện nay, Liên hiệp đã có 113 tổ chức thành viên (trong đó 64 Hội trung ương và 49 Liên hiệp địa phương) và hàng trăm chi hội hữu nghị ở các tỉnh, thành, cơ quan, tổ chức trung ương. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ làm chuyên trách đối ngoại nhân dân của Liên hiệp được bổ sung, đào tạo, rèn luyện và trưởng thành.

Theo Đôn Tuấn Phong, Liên hiệp là tổ chức chuyên trách về công tác đối ngoại nhưng công việc này chỉ thực hiện tốt khi có sự đóng góp của mỗi người dân. Vì vậy, việc thu hút và cổ động mọi người dân tham gia làm đối ngoại cũng là một trong những việc quan trọng cần làm đối với một tổ chức như Liên hiệp.

Được biết, thời gian tới, Liên hiệp sẽ mở rộng, phát triển các mô hình hoạt động hiệu quả đã có đối với mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế như đẩy mạnh quan hệ nhân dân với các nước láng giềng, chủ động thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các tầng lớp nhân dân các nước thành viên ASEAN, tích cực triển khai các hoạt động giao lưu hữu nghị, hợp tác nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục với các nước châu Âu, mở rộng quan hệ với các tổ chức nhân dân các nước Á – Phi – Mỹ Latin... Bên cạnh việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp cũng sẽ tiếp tục phát triển tổ chức và đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân kế thừa tốt sự nghiệp truyền thống này.

Ngày 17/11/1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Đại hội thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam. Hai ngày sau, 19/11/1950, Đại hội đã thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam), tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Đại hội đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến sỹ hòa bình số 1 của Việt Nam, bầu ông Tôn Đức Thắng là Chủ tịch danh dự Ủy ban. Đại hội cũng bầu Ban lãnh đạo của Ủy ban để từ đó Ủy ban chủ động tham gia vào phong trào đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết và hợp tác của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2004, Nhà nước đã công nhận nơi diễn ra Đại hội thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam là Di tích Lịch sử Cách mạng. Ngày Bác Hồ gửi bức thư lịch sử cho Đại hội thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam, ngày 17/11/1950, trở thành Ngày truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.