Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bản Thông điệp liên bang mới đây nhấn mạnh về vấn đề đối nội hơn là đối ngoại. Có phải Mỹ sẽ dành ít nguồn lực cho các vấn đề đối ngoại, trong đó có chính sách xoay trục tạichâu Á, trong hai năm cuối nhiệm kỳ của ông Obama?
Không đúng như vậy. Ông Obama đã nói khá nhiều về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và châu Âu. Những điều này thể hiện trọng tâm chính sách cũng như cam kết của chúng tôi với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á. Việt Nam là một trong số 12 nước đang tích cực tham gia đàm phán về TPP. Tổng thống cũng đã nói về lợi ích của TPP đối với Mỹ cũng như các nước trong khu vực và nhấn mạnh việc cần nhanh chóng kết thúc TPP cũng như tiến tới thực hiện TPP. Cả Mỹ và Việt Nam đều coi TPP là một thỏa thuận có tính chiến lược. Tôi lạc quan rằng chúng ta có thể đạt được Hiệp định này trong năm nay. Đây sẽ là một thành tựu quan trọng để kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Đại sứ đánh giá như thế nào về thành tựu trong quan hệ Việt-Mỹ hai thập niên qua?
Hai bên đã đạt đến quan hệ đối tác toàn diện trong khoảng thời gian chưa đầy 20 năm. Chưa bao giờ sự hợp tác giữa hai nước đạt đến mức toàn diện như vậy. Hợp tác an ninh giữa hai nước đang ở cấp độ khu vực và quốc tế. Chúng ta cũng đang đi đến một thỏa thuận thương mại có tiêu chuẩn cao hơn so với những thỏa thuận mà thế giới đã từng có. Con số trao đổi thương mại tăng vọt so với thời điểm 20 năm trước. Ngoài ra, chúng ta cũng đang phối hợp trong lĩnh vực giáo dục nhằm xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác khác còn có biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, y tế… Quá trình hợp tác này đáng chú ý là diễn ra chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Tôi nói tất cả những điều này vì tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn có thể làm nhiều hơn nữa. Tôi cho đó là khởi đầu tốt cho những điều lớn lao hơn trong tương lai.
Khi nào hai nước có thể tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược?
Tôi nghĩ điều quan trọng là nội hàm chứ không phải là cái tên của quan hệ. Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã nói về chín lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong quan hệ của hai nước. Tôi thấy các lãnh đạo của Việt Nam và Mỹ đều muốn nhấn mạnh đến tính thực chất, đến những lĩnh vực có thể hợp tác. Điều đó quan trọng hơn nhiều so với cái tên của quan hệ.
Ông có thể chia sẻ về những khó khăn thời kỳ đầu trong quan hệ sau khi bình thường hóa?
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: "Quan hệ Việt - Mỹ đã phải trải qua một chặng đường dài và khó khăn mới có được ngày hôm nay. Chính việc tận dụng cơ hội, xây dựng lòng tin và nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ dựa trên lợi ích song phương là những nguyên tắc quan trọng nhất để gạt bỏ khó khăn và khác biệt giữa hai đất nước để phát triển quan hệ. Chín lĩnh vực hợp tác được đề cập trong khuôn khổ hợp tác toàn diện cần phải được hai bên theo đuổi một cách hài hòa, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế, thương mại để làm nền tảng kết nối hai dân tộc". Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng: "Hội chứng chiến tranh Việt Nam ở Mỹ hay hội chứng Mỹ ở Việt Nam là những vấn đề hai bên phải vượt qua để đưa nhân dân hai nước tiến lại gần nhau hơn. Nếu vượt qua được thì quan hệ hai nước sẽ tiến xa hơn". Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson: "Khi còn là Đại sứ ở Việt Nam, tôi từng yêu cầu chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhưng lúc đó chưa phải thời điểm thích hợp. Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ sớm xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm này với Việt Nam. Tôi không thể đoán trước thời điểm nhưng nó sẽ sớm xảy ra". |
Nhưng giờ mọi thứ đã khác. Đại sứ Phạm Quang Vinh hiện nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt bất cứ nơi nào ông đến. Về phần mình, tôi cũng đang được chào đón tại đất nước này. Nhiều thay đổi đã diễn ra cùng những kỳ vọng lớn về quan hệ hai nước. Hiện chúng ta đã sẵn sàng hướng tới những mục tiêu cao hơn.
Theo ông, hai nước cần làm gì để vượt qua những trở ngại hiện nay vẫn còn tồn tại?
Thứ nhất, chúng ta cần phải tận dụng cơ hội lớn mà TPP mang lại để làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại song phương. Tôi đã nói nhiều lần và lần này tôi xin nhắc lại: Mỹ không bằng lòng với vị trí nhà đầu tư số năm tại Việt Nam. Chúng tôi là nhà đầu tư số một tại khu vực Đông Nam Á thì cũng có thể là nhà đầu tư số một tại Việt Nam.
Hiện vẫn còn tồn tại những trở ngại, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng là hai bên đều có thiện chí chính trị để vượt qua những trở ngại đó, để làm lợi cho cả hai dân tộc. Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã đề cập nỗ lực chung, về sự tôn trọng lẫn nhau, theo tôi đó chính là cách chúng ta đang thực hiện. Đó là xác định những vấn đề cùng quan tâm, sau đó cùng hợp tác với sự tôn trọng lẫn nhau, dựa trên lợi ích chung để giải quyết các thách thức.
Ông có thể đánh giá về tiềm năng và triển vọng hợp tác Việt - Mỹ trong thời gian tới?
Tiềm năng rất lớn. Ở Mỹ hiện có đến hơn 2 triệu người Mỹ gốc Việt. Những thế hệ trẻ trong cộng đồng này đều là những người hướng tới tương lai. Đây là cơ hội để thúc đẩy quan hệ giữa người dân với nhau, là sự trao đổi giáo dục, hợp tác về y tế, văn hóa… Không phải mối quan hệ nào của chúng ta với các nước khác trên thế giới cũng có được những cơ hội này.
Tôi cho rằng người Mỹ hiện muốn biết nhiều hơn về nước Việt Nam ngày nay. Trách nhiệm của chúng tôi là làm thế nào để giúp người Mỹ thấy đất nước của các bạn đã thay đổi, đã thịnh vượng và đã trở thành một đối tác mạnh mẽ như thế nào đối với nước Mỹ.
Đâu sẽ là lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ hợp tác hai nước trong tương lai?
Đầu tiên là lĩnh vực thương mại. Hôm nay tôi đã chứng kiến lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) và Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ. Đó là một bước đi quan trọng, hướng tới việc xây dựng đường bay thẳng trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ. Khi có đường bay trực tiếp, sẽ có nhiều nhà đầu tư hơn, có nhiều doanh nghiệp, sinh viên, người Mỹ gốc Việt, khách đi du lịch hơn. Điều đó mở ra cơ hội lớn cho quan hệ thương mại cũng như những lĩnh vực hợp tác khác.
Thứ hai là việc trao đổi ý tưởng về quản lý nhà nước, trong đó có giải quyết tham nhũng, tăng cường tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền con người. Thứ ba là làm sâu sắc và mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác về an ninh, trong đó có an ninh hàng hải. Thứ tư, tăng cường trao đổi về giáo dục. Cuối cùng là các lĩnh vực y tế, khoa học-công nghệ, biến đối khí hậu… Chúng ta có thể làm được nhiều hơn nếu hợp tác cùng nhau, thay vì tự làm một mình.
Những nét lớn trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước sắp tới là gì, thưa Đại sứ?
Trọng tâm là xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước. Mỹ đã có sự hỗ trợ Việt Nam để nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát biển. Mục đích là thực hiện các hoạt động chung và đảm bảo khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng, tuân thủ luật pháp quốc tế và không có hành động đe dọa đối với quốc gia khác.
Chính sách của chúng tôi là hỗ trợ các đối tác và đồng minh tăng cường năng lực để tự bảo vệ mình. Chúng tôi cũng giúp khu vực xây dựng một cơ chế pháp lý để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Phương pháp tiếp cận của chúng tôi là thông qua các công cụ ngoại giao, trong đó có các mối quan hệ đối tác vững mạnh của Mỹ đối với các nước trong khu vực. Chìa khóa của giải pháp ngoại giao là thông qua ASEAN. Mỹ là bạn của ASEAN. Chúng tôi hài lòng khi thấy ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh, trưởng thành và là trung tâm của cấu trúc khu vực.
Ông có thông điệp gì vào thời điểm bắt đầu năm kỷ niệm?
Tôi đã có gần 20 năm tại đất nước này. Tôi rất tôn trọng người dân Việt Nam, tôn trọng văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử của Việt Nam. Nước Mỹ có thể và sẽ là một đối tác mạnh mẽ, mang lại lợi ích và sự tôn trọng đối với Việt Nam.
Nguyễn Kim (ghi)