📞

Làm gì để nâng cao vị thế nghề giáo?

11:02 | 08/04/2018
Qua một số vụ việc như cô giáo bị phụ huynh bạo hành, bị ép quỳ; giáo viên lên lớp hơn ba tháng không giảng bài khiến công chúng và ngay cả giáo viên hoang mang. Nhìn rộng hơn, xã hội đang giảm niềm tin với nghề thầy khiến những người trong ngành giáo dục phải trăn trở. 
TS. Trần Thành Nam Trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.

Tôi cũng đã suy nghĩ về việc làm thế nào để nâng cao vị thế nghề giáo, nâng cao sự tin tưởng của xã hội với những người làm nghề. Qua đó, hạn chế tối đa những tình huống “nguy hiểm nghề nghiệp” đối với thầy cô.

Tiệm cận với quốc tế

Đầu tiên, phải cập nhật và phát triển lại Bộ quy định về đạo đức Nhà giáo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành năm 2008. Nó được dựa trên các giá trị cơ bản của xã hội và nghề nghiệp, nhằm điều chỉnh hành vi của những người hành nghề.

Thực ra, bất kỳ một ngành nghề chuyên nghiệp nào cũng phải có bộ quy định đạo đức để giúp những người hành nghề làm đúng, có trách nhiệm, làm hết mình. Qua đó, không tạo ra và không cung cấp những sản phẩm lỗi, dịch vụ có hại cho người sử dụng.

Bộ GD&ĐT từng ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, cũng đến lúc chúng ta nên cập nhật, chỉnh sửa quy định ấy hướng đến những điều cụ thể, phù hợp với thực tế xã hội và tiệm cận với quốc tế hơn.

Dường như tất cả những ngành nghề liên quan đến giáo dục và chăm sóc con người (như nhà giáo, luật sư, bác sỹ, nhà tâm lý…) đều chia sẻ năm nguyên tắc đạo đức mang tính toàn cầu. Vì vậy, xây dựng quy tắc ứng xử của nhà giáo cũng nên xuất phát từ những nguyên tắc này.

Thứ nhất, thiện tâm và không gây hại. Nhà giáo phải đấu tranh để đem lại quyền lợi tốt nhất và cẩn trọng để không làm điều gì tổn hại đến học sinh.

Thứ hai, tin cậy và trách nhiệm. Người thầy phải thiết lập mối quan hệ trung thực và tin cậy với học sinh; luôn nhắc nhở mình ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp với học trò, đồng nghiệp và xã hội.

Thứ ba, chính trực. Mỗi thầy cô phải luôn tìm cách để tăng cường sự chính xác, trung thực trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công tác giáo dục, giảng dạy và thực hành sư phạm.

Cần làm gì để nâng cao vị thế nghề giáo?

Thứ tư, công bằng. Giáo viên phải luôn đảm bảo sự công bằng cho tất cả học sinh trong việc tiếp cận với các lợi ích của hoạt động giáo dục.

Thứ năm, tôn trọng con người và phẩm giá. Nhà giáo tôn trọng các giá trị của mỗi học sinh cũng như quyền riêng tư, đảm bảo tính bảo mật và quyền tự quyết của các em.

Tôi cho rằng, giống như ngành Y, giáo sinh trước khi tốt nghiệp cũng phải thực hiện nghi lễ tuyên thệ cam kết thực hiện các quy định đạo đức này.

Đào tạo giáo viên, bao nhiêu là đủ?

Để củng cố và nâng cao vị thế người thầy, cần tạo ra sự khác biệt và ưu việt ở chương trình đào tạo, thời gian đào tạo người giáo viên phải nhiều hơn thông lệ.

Tôi cho rằng, một giáo viên giỏi trước hết phải là một nhà chuyên môn giỏi. Các em được trang bị vững chắc kiến thức nghiệp vụ. Đồng thời, các em cần có thời gian trải nghiệm nghề nghiệp đủ dài (giống như bác sỹ nội trú) trước khi đứng lớp độc lập.

Chúng ta có thể thử nghiệm một mô hình đào tạo cử nhân sư phạm với ba năm rưỡi đầu tiên được đào tạo như một cử nhân khoa học chuyên ngành. Thêm một năm dành cho khối kiến thức nghiệp vụ. Sau đó, nửa năm còn lại dành cho hoạt động trải nghiệm và phát triển nghề nghiệp, được thực hành toàn thời gian dưới sự giám sát tại các trường phổ thông.

Cá nhân tôi thấy đào tạo như vậy sẽ giúp tạo ra một đội ngũ nhà giáo tương lai sâu hơn về chuyên môn, vững hơn về phẩm chất, chuyên nghiệp hơn về kỹ năng đứng lớp. Trong giai đoạn đầu, chúng ta có thể triển khai thí điểm để đánh giá hiệu quả. Tất nhiên, thời gian đào tạo giáo viên tăng lên thì mức lương tương ứng với vị trí làm việc của nhà giáo cũng cần được tính toán tương ứng.

Chứng chỉ hành nghề, tấm bùa hộ mệnh

Cuối cùng, nếu muốn nâng cao vị thế nhà giáo phải giúp họ trở nên chuyên nghiệp hơn. Phải có quy định để hạn chế việc một người có bằng cử nhân sư phạm nhiều năm không tham gia giảng dạy, chẳng cập nhật chuyên môn nhưng có cơ hội xin vào trường là “dạy luôn”.

Học từ kinh nghiệm các nước, để được gọi là “nhà tâm lý”, bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ chuyên ngành chỉ là điều kiện cần. Để đủ tiêu chuẩn, họ sẽ phải tiếp tục thực hành dưới sự giám sát với số giờ quy định. Họ phải vượt qua bài kiểm tra của Hiệp hội nhà nghề và kiểm tra lý lịch tư pháp để được công nhận và hành nghề hợp pháp. Đặc biệt, việc công nhận hành nghề không phải là mãi mãi nếu họ không đáp ứng được các điều kiện duy trì.

Chúng ta có thể học tập quy trình này để nâng cao vị thế nhà giáo. Những sinh viên sư phạm tốt nghiệp chỉ được coi là giáo viên trợ giảng. Họ phải tiếp tục thực hành công việc giảng dạy dưới sự giám sát của các giáo viên có kinh nghiệm. Sau khi tích lũy đủ số giờ giảng sẽ tham dự kỳ thi kiểm tra năng lực.

Để tiếp tục duy trì vị trí và được đứng lớp, trong từng năm mỗi cá nhân phải đáp ứng số giờ giảng dạy trực tiếp, số giờ tham gia các hoạt động nâng cao chuyên môn và những hoạt động phát triển nghề nghiệp.

Nhiều nước trên thế giới còn yêu cầu giáo viên hàng năm phải có một tháng không giảng dạy để tham dự các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Tất nhiên, họ sẽ được thanh toán kinh phí nếu đạt kết quả tốt.

Đến lúc nào đó chúng ta có một đội ngũ các nhà giáo sâu về chuyên môn, vững vàng về phẩm chất. Lực lượng ấy được kiểm định năng lực thường xuyên, luôn ứng xử theo chuẩn mực chắc chắn sẽ tạo ra được niềm tin và sự vị nể của cộng đồng.

Khi đã có đủ niềm tin, những quy định về văn hóa ứng xử trong nhà trường, giữa giáo viên với phụ huynh sẽ được mọi người trân trọng, cùng thực hiện. Đó là cách bền vững để giảm những hành vi bạo hành giáo viên chứ không phải những tấm bảng nội quy dán trong trường học hay để trong ngăn kéo khi bạo lực vẫn diễn ra dưới sân trường.

TS. Trần Thành Nam

(Đại học Quốc gia Hà Nội)