TS. Nguyễn Thành Nam cho rằng, phải coi nghề giáo là một nghề thực sự danh giá. (Ảnh: NVCC) |
Xin được bắt đầu bài viết này bằng một câu hỏi: “Các bạn muốn con mình được dạy dỗ bởi những thầy cô giáo giỏi giang với cuộc sống đủ đầy hay bởi những thầy cô giáo tài năng bình thường và chạy ăn từng bữa?”. Trả lời câu hỏi này cũng là đưa ra lựa chọn của bạn cho một nghề nghiệp rất đặc biệt: Nghề thầy.
Cá nhân tôi vẫn thường nói ra mong ước của bản thân là nghề giáo được đối đãi bình thường như những nghề khác. Sở dĩ tôi mong vậy vì nhận thấy sự tôn vinh của xã hội dành cho nghề giáo hiện nay chưa đủ.
Tôi luôn cho rằng, nghề giáo là một nghề đặc biệt quan trọng, cần phải biến nghề giáo thành một nghề nghiệp danh giá.
Thực tế, nghề giáo hiện nay được tôn vinh rất cao nhưng tuyển chọn bình thường, đào tạo chưa tốt và đãi ngộ cực thấp. Việc tuyển chọn sinh viên ngành sư phạm hiện không có yêu cầu gì đặc biệt hơn so với các ngành học khác, cả về hình thức và năng lực.
Việc đào tạo giáo viên hiện nay cũng chỉ chú trọng kiến thức chuyên môn, còn các nội dung về tâm lý giáo dục và phương pháp sư phạm vẫn chỉ là dạy cho có chứ chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.
Sinh viên sư phạm trước khi tốt nghiệp đáng lý phải mang những kiến thức mới mẻ của khoa học giáo dục về cập nhật cho các trường học thì thực tế lại phải về thực tập ở trường để các thầy cô giáo có kinh nghiệm lâu năm kèm cặp và bổ túc thêm về phương pháp dạy học.
Còn đãi ngộ của nghề giáo thì chưa thiết thực, gần như thấp nhất trong tất cả các nghề, trong khi trách nhiệm trước học sinh, phụ huynh học sinh, xã hội thì rất cao, công việc lại vô cùng vất vả.
Sẽ là rất thừa khi nói đến tầm quan trọng của nghề giáo và chức năng “trồng người”. Nếu coi mỗi người là một chiếc máy tính siêu hiện đại thì nghề giáo là nghề “cài đặt hệ điều hành và các phần mềm thiết yếu” vào trong đầu óc của học sinh.
Qua đó không chỉ để các em có thể trở thành một công dân mẫu mực trong xã hội tương lai, mà còn giúp các em có năng lực lao động, sáng tạo ra giá trị để góp phần vào sự phát triển lành mạnh và bền vững của đất nước.
Ở nước ta hiện nay, nghề giáo đang gặp phải nhiều vấn đề và cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Tôi cho rằng, để có thể đáp ứng được đòi hỏi vô cùng quan trọng và cấp thiết của nghề thầy, chúng ta cần phải có những giải pháp bền vững.
Riêng cá nhân tôi nhận thấy cần phải tuyển được những người giỏi nhất. Việc “trồng người” là việc vô cùng khó khăn và đòi hỏi rất cao ở người thầy.
Một người thầy tốt, ngoài năng lực nghề nghiệp tốt còn phải có hiểu biết sâu rộng, có năng lực tự học, tự nghiên cứu vượt trội, có tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, cập nhật liên tục... Và để đáp ứng được các yêu cầu này, cần những cá nhân xuất sắc nhất của cộng đồng.
Đồng thời, cần phải đào tạo với chất lượng cao nhất. Việc đào tạo giáo viên phải được thực hiện hết sức khắt khe, ngoài kiến thức chuyên ngành, cần phải đào tạo rất nghiêm túc về tâm lý giáo dục và kỹ năng sư phạm.
Thậm chí, các trường sư phạm cần tập trung đào tạo về tâm lý giáo dục và kỹ năng sư phạm hơn cả kiến thức chuyên ngành vì có thể tuyển sinh trực tiếp từ đầu ra của các trường đại học có đào tạo chuyên ngành tương ứng.
Chẳng hạn, đầu vào của ngành sư phạm Vật lý có thể lấy trực tiếp từ đầu ra ngành Vật lý của các trường đại học Khoa học Tự nhiên hoặc các trường đại học kỹ thuật. Giáo viên dạy bậc học càng thấp thì càng phải đào tạo nghiêm túc và khắt khe hơn về tâm lý giáo dục và chuyên môn sư phạm.
Cần phải đãi ngộ ở mức cao nhất cho giáo viên. Ít nhất tiền lương giáo viên phải đủ để thầy cô duy trì cuộc sống ở trên mức trung bình của xã hội. Việc chi trả không đủ sống hiện nay sẽ buộc thầy cô phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập, hoặc kiếm thêm từ học sinh của mình qua hình thức dạy thêm, hoặc là kiếm thêm từ các công việc tay trái.
Cần phải xác định rõ, nếu giáo dục thất bại thì xã hội sẽ không có được những thế hệ tương lai tốt, nếu giáo dục bị coi nhẹ thì đất nước không có tương lai. Không phải vô lý mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển. Vấn đề là phải làm thế nào để quốc sách hàng đầu đó thực sự đi vào cuộc sống chứ không chỉ nằm trên giấy.
Nói đúng hơn, chúng ta cần phải biến nghề giáo thành một nghề nghiệp danh giá, cho đến khi nào nghề thầy trở thành công việc mơ ước của tất cả học sinh thì đất nước mới có cơ hội thành công.
*TS. Nguyễn Thành Nam là giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự; Giáo viên trên Truyền hình Giáo dục quốc gia VTV7; Dạy học trực tuyến trên Hocmai.vn; Sáng lập chương trình Hội thảo Học thông minh. Với hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tính đến nay, TS. Nguyễn Thành Nam đã thực hiện được hơn 40 hội thảo cho học sinh về Phương pháp Học thông minh và hơn 10 hội thảo đào tạo giáo viên về Kỹ thuật dạy học hiện đại. |
| GS. Huỳnh Văn Sơn: Người dạy học phải là một 'đạo diễn' tài ba... Chia sẻ với báo Thế giới và Việt Nam, GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh ... |
| Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực. Giáo viên phải là người ... |
| Tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam sáng nay (19/11) tại Hà Nội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ... |
| Ngày 20 tháng 11: Áp lực giáo viên và câu chuyện tăng lương Mỗi lần xây dựng luật trong các kỳ họp Quốc hội, câu chuyện lương giáo viên vẫn được nhắc đến và người cầm phấn lại ... |
| Ngày 20/11: Nghĩ về nghề giáo và nhân cách người thầy Dù nghề giáo vất vả và luôn phải đối diện với những áp lực yêu cầu công việc cao nhưng nó cũng mang lại những ... |