📞

Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác Á – Âu

09:00 | 14/04/2016
Việc Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ 21” vào ngày 20/4 tới là một trong những nỗ lực của Việt Nam để góp phần nâng tầm hợp tác của Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) và nâng cao hiệu quả đóng góp của Việt Nam trong ASEM.
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Sự kiện được tổ chức đúng vào dịp các thành viên Á – Âu đang hướng tới Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thành lập Diễn đàn (Mông Cổ, 7/2016). Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong bài phỏng vấn với TG&VN.

Diễn đàn kết nối hai châu lục

Xin Thứ trưởng chia sẻ những đánh giá về thành tựu của Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) trong hai thập kỷ qua?

Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) được thành lập vào tháng 3/1996. Sau 20 năm hình thành và phát triển, ASEM khẳng định vị thế là diễn đàn đối thoại và hợp tác quan trọng và có quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế.

Thứ nhất, từ 26 thành viên sáng lập, ASEM đã phát triển nhanh chóng, tăng gấp đôi về số lượng, trở thành đại gia đình của 53 thành viên, trong đó có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 nước G20, đại diện cho khoảng 62% dân số thế giới, 57% GDP và khoảng 68% thương mại toàn cầu...

 Việc nhiều nước đang bày tỏ mong muốn trở thành thành viên ASEM (Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Serbia...) khẳng định sức hấp dẫn, tiềm năng hợp tác cũng như vị thế ngày càng gia tăng của Diễn đàn.

Thứ hai, ASEM đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong thúc đẩy quan hệ đối tác bình đẳng, nhiều mặt giữa hai châu lục. Các cơ chế đối thoại và hợp tác thường xuyên ở mọi cấp trên ba trụ cột chính trị, kinh tế và hợp tác khác đã góp phần tăng cường hiểu biết, hợp tác trên tinh thần đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc nhân dịp các Hội nghị cấp cao cũng làm sâu sắc thêm quan hệ song phương giữa các thành viên, tiêu biểu như quan hệ ASEAN - EU được thúc đẩy tại các Cuộc họp Cấp cao không chính thức giữa ASEAN với Liên minh châu Âu (EU) nhân dịp Hội nghị ASEM 10 tại Milan (2014).

Thứ ba, ASEM đã có tiếng nói kịp thời đối với các mối quan tâm chung của khu vực và quốc tế, cơ bản đáp ứng lợi ích của các thành viên và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu. ASEM đã thúc đẩy các nỗ lực hợp tác phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững, cân bằng, đồng đều, nổi bật nhất là hoạt động của Quỹ Tín thác ASEM. Với nội hàm hợp tác mở rộng, gắn với phát triển bền vững, ứng phó thách thức toàn cầu, ASEM đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng và triển khai các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris 2015 về ứng phó biến đổi khí hậu. Thông qua đối thoại xây dựng, các thành viên ASEM chia sẻ nhận thức chung về việc tăng cường đối thoại và hợp tác trên cơ sở hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc ứng xử chung nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ngăn ngừa xung đột, bảo đảm ổn định và thịnh vượng ở hai khu vực.

Thứ tư, ASEM đã góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường hiểu biết giữa hai châu lục. Các Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu, Diễn đàn Nhân dân Á - Âu, Diễn đàn Nghị viện Á - Âu, Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo trẻ Á-Âu được tổ chức bên lề các Hội nghị cấp cao là những minh chứng sinh động. Đáng chú ý, trong khuôn khổ Quỹ Á - Âu, hơn 700 dự án đã được triển khai thu hút sự tham gia của 20.000 người dân Á - Âu.

Thứ năm, trong cục diện đa trung tâm, đa tầng nấc, Diễn đàn đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng, dân chủ để phù hợp với chuyển biến của tương quan lực lượng và vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển.

Có thể nói, chặng đường hai thập kỷ phát triển vừa qua đã khẳng định vai trò và đóng góp ngày càng thiết thực của ASEM vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tăng cường hợp tác và kết nối hai châu lục quan trọng, đóng góp vào quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Bước vào thập niên thứ ba, ASEM đang chú trọng đổi mới và nâng tầm hoạt động, đưa hợp tác Á - Âu đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả phù hợp với tình hình mới. Vấn đề này sẽ được các Lãnh đạo trao đổi cụ thể tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 ở Mông Cổ vào tháng Bảy tới.

Việt Nam – thành viên sáng lập năng động, có trách nhiệm

Xin Thứ trưởng cho biết những đóng góp nổi bật của Việt Nam cho ASEM trong thời gian qua?

Việc tham gia Diễn đàn ASEM với tư cách thành viên sáng lập năm 1996 đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của ta. 20 năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Diễn đàn.

Đóng góp nổi bật nhất là Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 5 (2004), năm Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ - thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động (2001 - 2012), góp phần đề xuất hướng giải quyết cho hai lần mở rộng ASEM (năm 2004 và 2009), thúc đẩy thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng cho hợp tác như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn”, “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa - văn minh”, “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (2004)... qua đó tạo nên những động lực mới cho hợp tác của Diễn đàn.

Việt Nam đã tích cực khởi xướng và đi đầu thúc đẩy, triển khai nhiều sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ ASEM thời gian qua. Ta đã đề xuất 21 sáng kiến và đồng bảo trợ 24 sáng kiến, đưa nước ta trở thành một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn với nhiều sáng kiến thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn, biến đổi khí hậu... Đáng chú ý, từ năm 2011, ta cùng các nước ven sông Mekong và Danube khởi xướng cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước, nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực.

Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong ASEM (Điều phối viên hai nhiệm kỳ 1999 - 2000 và 2001 - 2002, Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á-Âu giai đoạn 2008 - 2012). Đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong những nước tiên phong đăng ký tham gia các Nhóm hợp tác chuyên ngành về quản lý bền vững nguồn nước, quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai và đào tạo nghề.

Những đóng góp có ý nghĩa trên đã góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEM cũng như sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong các nỗ lực chung của khu vực và trên trường quốc tế.

Xin Thứ trưởng đánh giá về những lợi ích  khi Việt Nam tham gia ASEM?

Việc tham gia ASEM gắn liền với quá trình Đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước. Sự hợp tác chặt chẽ với các thành viên và tham gia tích cực vào ASEM đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Thứ nhất, các thành viên ASEM đều là các đối tác kinh tế thương mại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, chiếm khoảng 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 70% tổng giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch quốc tế. 14 trong 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký hoặc đang đàm phán là với các đối tác ASEM (trong số 60 đối tác có 47 thành viên ASEM). Những con số này phản ánh phần nào ý nghĩa và vai trò của các thành viên ASEM đối với bức tranh tổng thể kinh tế Việt Nam, nhất là trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tiếp thu công nghệ tiên tiến và kỹ năng quản lý cao, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ hai, trong bối cảnh môi trường hòa bình, an ninh trên thế giới và khu vực đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh giữa các nước lớn phức tạp, chúng ta đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEAN để ngày càng có nhiều thành viên đề cao lợi ích chung trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định để phát triển, lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa củaViệt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc, chuẩn mực chung.

Thứ ba, chiếm 24 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam, ASEM là diễn đàn quan trọng để Việt Nam đa phương hóa và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác. Các thỏa thuận quan trọng mà ta đạt được nhân dịp các Hội nghị Cấp cao ASEM như thỏa thuận với EU về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới tại Hội nghị ASEM 5 (2004), ký tắt Hiệp định Đối tác và Hợp tác với EU tại Hội nghị ASEM 8 (2010), Tuyên bố định hướng kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - EU tại Hội nghị ASEM 10 (2014) là một số ví dụ.

Thứ tư, thông qua các cơ chế hợp tác về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai, Đối thoại ASEM về phát triển bền vững với trọng tâm là hợp tác Mekong - Danube, các Bộ, ngành, địa phương của ta đã tranh thủ kinh nghiệm và hỗ trợ thiết thực của các thành viên ASEM trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. EU khẳng định hỗ trợ các nước hạ nguồn Mekong, cam kết tài trợ 1,7 tỷ Euro cho các chương trình của Mekong trong giai đoạn 2014 - 2020, Trung Quốc cam kết hợp tác, ủng hộ các hình thức hỗ trợ phát triển cho các nước hạ lưu sông Mekong, các dự án hợp tác của Hungary, Hà Lan, Italy, Đức ở đồng bằng sông Cửu Long... là những minh chứng sinh động. Kênh hợp tác địa phương đầu tiên trong ASEM giữa Bến Tre và Tulcea (Romania), Cần Thơ và Ruse (Bulgaria) mở ra triển vọng tham gia hợp tác thực chất, hiệu quả của các địa phương trong hợp tác ASEM.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, tiếp tục đổi mới sâu rộng, tái cơ cấu kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện. Các đối tác Á- Âu nói chung và Diễn đàn ASEM nói riêng càng có ý nghĩa quan trọng.

Một trong những ưu tiên chính sách của Việt Nam là sẽ tiếp tục đồng hành hiệu quả hơn với các thành viên và đóng góp một cách chủ động, thiết thực hơn vào nỗ lực chung của ASEM và toàn cầu.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia hợp tác ASEM như thế nào để triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả đối ngoại đa phương?

Trong triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam, ASEM sẽ tiếp tục là một trong những cơ chế đối thoại, hợp tác liên khu vực quan trọng để tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực thiết thực góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đóng góp của ta cho hợp tác ASEM, cần tập trung:

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ASEAN và các thành viên khác trao đổi tìm ra phương cách phù hợp làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện Á - Âu. Chuyển tư duy sang chủ động “đóng góp, xây dựng và định hình”, đề xuất giải pháp cho các vấn đề lớn của ASEM như vấn đề mở rộng thành viên, củng cố cơ chế hoạt động, thúc đẩy hiệu quả của Nhóm hợp tác chuyên ngành...; đảm nhận các vị trí chủ chốt, đăng cai các Hội nghị quan trọng của ASEM. Việc Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ 21” ngày 20/4 tới là một trong những nỗ lực của Việt Nam.

Thứ hai, tiếp tục tranh thủ các thành viên thúc đẩy các quan tâm chung của ASEM, đồng thời là lợi ích của Việt Nam như phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch, an toàn an ninh hàng hải, hàng không, an ninh nguồn nước - lương thực - năng lượng, làm sống động hợp tác kinh tế...

Thứ ba, nâng cao nhận thức về vai trò ASEM, tăng cường phối hợp liên ngành, cải tiến, đổi mới cơ chế thông tin, phối hợp giữa các Bộ, ban ngành với địa phương, doanh nghiệp để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong chủ trương và triển khai các hoạt động ASEM.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.