Để tạo ra cơ quan này, nhóm tác giả đã phải nuôi cấy và tái lập trình các tế bào gốc của người; tiếp theo, sử dụng chính những tế bào này như một loại mực in sinh học cho máy in 3D và in theo từng lớp một để thành hình các mô.
Theo công bố trên tạp chí khoa học Biofabrication, cơ quan nhân tạo này có thể thực hiện mọi chức năng của một lá gan người, bao gồm xây dựng các protein, lưu trữ vitamin và tiết mật. Điểm hạn chế lớn nhất là cơ quan này có kích thước rất nhỏ so với một lá gan người thật.
Nhà khoa học Mayana Zatz, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Cần có nhiều nghiên cứu nữa được tiến hành để chúng tôi có thể tạo ra một lá gan thực sự bằng phương pháp in 3D. Tuy nhiên, chúng tôi đang đi đúng hướng và tương lai sẽ rất khả quan”.
Nếu thành công, lá gan được tạo ra bằng phương pháp in 3D không chỉ giúp giải quyết bài toán thiếu hụt trầm trọng của ngân hàng mô tạng, mà còn đảm bảo sự an toàn cho người được ghép tạng.
“Điểm vượt trội của cơ quan in 3D là nó có thể tăng tỉ lệ tương thích với cơ thể lên 100%, bởi nó được tạo ra bằng chính các tế bào của người nhận”, đại diện nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.