Trung Quốc hiện là "đại bản doanh" của 3 công ty "kỳ lân" có giá trị nhất thế giới, trong đó có nhà sản xuất ứng dụng ByteDance. (Nguồn: Reuters) |
Theo Hurun Report - một công ty nghiên cứu, truyền thông và đầu tư, tới tháng 6/2019, có 206 doanh nghiệp Trung Quốc trên toàn cầu trong tổng số 494 công ty khởi nghiệp siêu giá trị được ví như những công ty "kỳ lân". Điều này giúp Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ (chỉ có 203 doanh nghiệp) trở thành quốc gia có số lượng "kỳ lân" lớn nhất thế giới.
Các công ty trên được thành lập trung bình cách đây 7 năm và hơn 50% hoạt động trong 5 ngành tác động lớn đến nền kinh tế thế giới. Thương mại điện tử và công nghệ tài chính là hai ngành có số lượng các công ty "kỳ lân" đông đảo nhất. Kế đến là điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và logistic. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong danh sách này là các công ty con của những doanh nghiệp lớn hơn chia tách tạo thành.
Cũng theo Hurun Report, Trung Quốc hiện là "đại bản doanh" của 3 công ty "kỳ lân" có giá trị nhất thế giới (tổng giá trị 280 tỷ USD) gồm chi nhánh Ant Financial của Tập đoàn Alibaba, nhà sản xuất ứng dụng ByteDance và công ty vận tải Didi Chuxing.
Cùng có tên trong danh sách này, ngoài các công ty lớn của Mỹ như công ty cung cấp dịch vụ đặt phòng Airbnb và công ty bất động sản WeWork, còn có các doanh nghiệp khởi nghiệp ít tên tuổi hơn như công ty Zume giao pizza tự động có trụ sở ở California và nền tảng thể thao ảo Dream11 của Ấn Độ.
Giám đốc Hurun Report, Rupert Hoogewerf nhấn mạnh, Trung Quốc và Mỹ chi phối hơn 80% công ty "kỳ lân" nổi tiếng thế giới, mặc dù hai nước này chỉ chiếm 50% GDP toàn cầu và 25% dân số thế giới.
Ông Hoogewerf cho rằng, phần còn lại của thế giới cần tạo môi trường cho phép các công ty "kỳ lân" phát triển thịnh vượng.
Theo một báo cáo khác do Visual Capitalist - một công ty nghiên cứu khác, công bố hồi tháng 6 năm nay, dựa trên số liệu từ tháng 5/2019, Trung Quốc chỉ sở hữu 94 công ty "kỳ lân", thấp hơn so với con số 156 của Mỹ.