Họa sĩ Nguyễn Sỹ Khanh (thứ hai, từ trái) cùng vợ chồng họa sĩ Bằng Lâm và Giám đốc nhà triển lãm 16 Ngô Quyền. (Ảnh: NVCC) |
Cái hẹn của tôi và họa sĩ Nguyễn Sỹ Khanh kéo dài từ cuối năm ngoái đến năm nay, vì cứ tôi rảnh thì anh lại bận và ngược lại. Cuối cùng cũng tương ngộ. Tôi dành một sáng mùa Xuân nắng ấm đến tận xưởng vẽ xem Khanh phơi tranh và nghe chuyện từ thuở anh và tranh còn chưa biết nhau.
Từ cái nôi nghệ thuật Cổ Đô
Nói là xưởng vẽ để độc giả dễ hình dung đó là nơi làm việc của các hoạ sĩ, nhưng không gian sáng tác của Sỹ Khanh ở ngay tầng thượng ngôi nhà anh và gia đình đang ở. Xưởng có diện tích nhỏ nên bức tranh lớn nhất mà anh từng sáng tác tại xưởng chỉ dài đến 2,4m. So với không gian làm việc của các họa sĩ thì xưởng của Khanh ngăn nắp hơn tôi tưởng tượng.
Nghiêng bức tranh mới hoàn thành đón ánh bình minh hắt qua cửa sổ, Khanh vừa pha trà, vừa suy tưởng ngược dòng thời gian trở về thời thơ ấu – nơi những kết tinh nghệ thuật đã thấm dần vào tâm hồn cậu bé Khanh: “Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi mà mọi người quen gọi là “làng họa sĩ” – Cổ Đô, Ba Vì (Hà Nội). Trong làng, cụ Nguyễn Sỹ Tốt là người đầu tiên mang nghệ thuật về và dạy cho con em trong làng. Từ đó, những thế hệ họa sĩ đã tiếp nối nhau bước ra hòa nhập cùng nền mỹ thuật Việt Nam. Trong số đó có các họa sĩ như Trần Hòa, Giang Khích, Huỳnh Mai, Sỹ Tuấn… Đến nay, làng Cổ Đô đã có hàng trăm họa sĩ, trong đó có tới hàng chục họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hà Nội”.
Cũng giống như nhiều họa sĩ khác trong làng - tốt nghiệp từ các trường Đại học Mỹ thuật trong nước – Nguyễn Sỹ Khanh học xong Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2007. Ra trường thì phải đi làm. Học mỹ thuật công nghiệp thì Khanh ôm hồ sơ đi xin việc thiết kế đồ họa. Khanh kể: “Ra trường, đi làm, tôi cùng các bạn rời nhà trọ trong con ngõ nhỏ trên phố Tôn Thất Tùng – nơi chúng tôi gắn bó suốt thời sinh viên và sáng tác đủ thứ bằng chất liệu bột màu rồi đóng khung treo tường. Do đồ đạc nhiều nên mấy tháng sau tôi mới quay lại nhà trọ để lấy tranh. Nhưng hỡi ôi, mối đã xóa sổ sạch sẽ tranh và khung gỗ. Chỉ còn đúng tấm kính. Khi đó, tôi đã tự nhủ, sau này có điều kiện để vẽ được bằng những chất liệu khá hơn như sơn dầu hay acrylic thì sẽ vẽ trở lại”.
Dự định ấy không thành hiện thực được ngay, bởi “cơm áo chẳng đùa với khách thơ”. Dù mê vẽ đến đâu thì công việc thiết kế đồ họa không chỉ ngốn sạch quỹ thời gian của Khanh mà còn chẳng đem về nguồn tài chính dư dả để anh sắm đạo cụ sáng tác. Thêm vào đó là trách nhiệm với gia đình nhỏ khiến dự định của Khanh bị thời gian cuốn trôi đến 10 năm ròng.
“Năm 2018, tôi bắt đầu đi sắm lại sơn, toan, bay, bút… Mất một thời gian ngắn để rèn luyện cho đôi tay thành thục trở lại, những tác phẩm đầu tiên của tôi được “khoe” với bạn bè trên Facebook cá nhân. Thế rồi, có lẽ nhờ duyên mà tranh của tôi bắt đầu được các nhà sưu tập chú ý tới.
Người mở hàng bức tranh đầu tiên của tôi chính là nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đào Đình Bình. Sau tác phẩm đầu tiên ấy, bác Bình đã tới tận xưởng và mua thêm tranh của tôi. Đó thực sự là một người có bề dày kiến thức về tranh và tôi đã học được rất nhiều. Bác cũng là một người mở hàng cực kỳ mát tay bởi sau đó, các nhà sưu tập cứ dần dần tìm đến với tôi”, họa sĩ Nguyễn Sỹ Khanh chia sẻ.
Trừu tượng - lựa chọn khó khăn
Trong sáng tác, việc định hình phong cách chưa bao giờ là dễ dàng. Nguyễn Sỹ Khanh mất khoảng hai năm để thử nghiệm nhiều kiểu vẽ khác nhau và cuối cùng, anh nhận ra, mình và trừu tượng dường như có sự liên kết đặc biệt nhất. Khi anh quyết định đi theo dòng tranh này, câu lạc bộ mỹ thuật Cổ Đô mà anh tham gia khi đó chưa có ai vẽ trừu tượng. Anh trở thành người duy nhất lựa chọn dòng tranh kén người này. Được các anh em trong câu lạc bộ động viên, khích lệ, Khanh mạnh dạn dấn thân để tìm kiếm “chất” riêng cho mình.
Vẽ tranh tại nhà có bố mẹ già và con nhỏ, Khanh không có nhiều lựa chọn về chất liệu. Anh quyết định dùng sơn acrylic vì nó tiện lợi và cũng bởi, anh không muốn vợ con phải ngửi mùi dầu. “Nghĩ mà thương vợ con, đi học, đi làm cả ngày mệt mỏi, tối về căn nhà nhỏ chật hẹp, nóng nực thì được hít toàn mùi dầu. Từ đó, tôi chủ yếu vẽ bằng sơn acrylic, nó ít mùi và phù hợp với khí hậu Việt Nam, tranh ít khi bị mốc. Mọi người thường dùng bút còn tôi dùng bay trên 90% các tác phẩm của mình”, Nguyễn Sỹ Khanh tâm sự.
Nói về phong cách trừu tượng ở Việt Nam, Khanh cho rằng, việc đi sau thế giới khá nhiều khiến các họa sĩ trong nước cần phải học hỏi không ít, nhưng trừu tượng là mảnh đất vô tận để các họa sĩ khai thác. “Nó kén người xem, kén cả người vẽ. Những khi rảnh, tôi dành nhiều thời gian để ngắm những tác phẩm trừu tượng của các họa sĩ lớn trên thế giới như Vasily Kandinsky, Piet Mondrian, Jackson Pollock hay Ellsworth Kelly… Tôi ngưỡng mộ sự ảnh hưởng của họ đối với nền hội họa trừu tượng thế giới và hy vọng có thể tìm thấy điều gì đó cho mình”, anh chia sẻ.
Sáng tác nghệ thuật là công việc ngẫu hứng và không bao giờ có hạn chót. Với Nguyễn Sỹ Khanh cũng vậy. Nhìn những đường bay phóng khoáng trên các tác phẩm của anh, những màu sắc mạnh mẽ trên tranh, những nội dung phong phú, độc đáo được anh truyền đạt qua các tác phẩm thì những người am hiểu về tranh đều biết anh dành không ít thời gian để “vắt não” mới ra được.
“Những bức tranh được tôi “vẽ” trong đầu cả tuần, thậm chí cả tháng… Có khi, đêm đang nằm suy nghĩ miên man về tranh mà ý tưởng lóe lên là tôi lục tục dậy vẽ. Vài tiếng sau, cả nhà dậy đi học, đi làm… thì tôi đi ngủ. Nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có những dịp tôi bị căng thẳng, đầu óc không thoải mái, thì không thể nào vẽ được. Cách đây vài tháng, có chị Việt kiều Pháp – từng mua nhiều tranh của tôi đặt hàng mấy bức để tặng người thân ở Pháp. Nhưng quá thời hạn tầm một tháng tôi mới vẽ xong và ưng ý gửi đi, vì cảm xúc là yếu tố tiên quyết để tôi có thể hoàn thành một tác phẩm lâu hay mau. Có những bức vẽ xong hai năm rồi tôi lại mang ra sửa vì có luồng ý tưởng mới ùa về”.
Tranh trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Sỹ Khanh được các nhà sưu tập đánh giá cao. (Ảnh: NVCC) |
Kết nối và lan tỏa
Kể từ khi chuyển sang vẽ tranh chuyên nghiệp, Khanh bảo mình may mắn vì được sự ủng hộ của cả gia đình. Từ một công việc bận rộn, với những deadline, với tấp nập khách hàng và đồng nghiệp – chuyển sang một không gian lắng đọng, yên tĩnh, chỉ đối mặt với bản thân, cũng lại là điều không dễ dàng với Khanh. Anh đã dành một thời gian để bản thân thích ứng với sự thay đổi ấy, tìm được sự đồng cảm, sự tự do và đắm mình trong những cung bậc cảm xúc luôn mới mẻ trên những bảng màu.
Chỉ vào tấm pallet được đóng khung treo trang trọng trên tường, Khanh bảo: “Với tôi, nó là một tác phẩm đặc biệt. Mấy năm trời cầm nó trên tay, chuyện trò với nó, trao gửi bao nhiêu ý tưởng… để tôi có được ngày hôm nay. Trong dòng tranh trừu tượng, với người này thì có thể không có ý nghĩa gì nhưng người khác lại có thể ngắm một bức tranh mê mệt không biết chán”.
Con đường vẽ tranh chuyên nghiệp chưa dài, mới chỉ năm năm, nhưng Khanh đã không thể nhớ nổi số lượng tranh mà mình đã hoàn thành và được các nhà sưu tập “rước” đi. Khanh chẳng có cách nào quảng bá tranh của mình ngoài việc đăng lên trang cá nhân, nhưng cứ vẽ đến đâu thì các tác phẩm của anh lại “bén duyên” người yêu tranh đến đó.
“Tôi không giỏi tiếng Anh nên toàn dùng Google Dịch để nói chuyện với khách nước ngoài… và tôi vẫn bán được tranh như với người Việt. Nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật trừu tượng có ngôn ngữ riêng của nó, nên tôi không cần phải diễn giải nhiều mà để tự tác phẩm lên tiếng”, Nguyễn Sỹ Khanh chia sẻ.
Có một nhà sưu tập, là doanh nhân lớn ở Hà Nội đã mua rất nhiều tác phẩm của Khanh để treo khắp nơi: nhà riêng, văn phòng và tặng đối tác, bạn bè… Khanh kể: “Dù rất bận nhưng anh ấy đã mời tôi đi uống cà phê và dành thời gian trò chuyện hơn hai tiếng đồng hồ về nghệ thuật. Cuộc trò chuyện đã khiến tôi học hỏi được rất nhiều. Với sự am hiểu ấy thì việc anh mua tranh nhiều lần của tôi thực sự là một sự khích lệ rất lớn và củng cố mạnh mẽ sự tự tin của tôi trong sáng tác. Có những đêm, tôi mới đăng tác phẩm lên Facebook thì anh đã dành hàng tiếng đồng hồ để nhắn tin… bình tranh. Điều đó thực sự rất đáng quý”.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, Khanh bắt đầu nhận được những lời mời triển lãm, ký gửi tranh ở nước ngoài bởi nhiều nhà sưu tập đánh giá tranh của anh rất phù hợp với thị hiếu nghệ thuật của người Âu.
Dù rất thích, nhưng Khanh vẫn phải “bảo lưu” những lời mời vì điều kiện kinh tế chưa cho phép. Với anh, con đường nghệ thuật còn rất dài và điều gì đến ắt nó sẽ đến…