📞

Làn sóng phản đối xe điện tại Mỹ và châu Âu: Vì đâu nên nỗi?

Xuân Sơn 08:00 | 19/10/2023
Dù sở hữu đặc điểm thân thiện môi trường, song xe điện đang hứng chịu không ít phàn nàn từ người dân Mỹ và châu Âu.
Xe điện từng là trọng tâm trong chính sách kinh tế xanh của nhiều nước phương Tây, song hiện các chính phủ đang thay đổi cách tiếp cận với dòng xe này. (Nguồn: Money)

Biến đổi khí hậu luôn là chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự quốc tế bởi tác động nghiêm trọng của nó đến đời sống người dân. Do đó, chính phủ các nước đều nỗ lực đẩy mạnh sáng kiến bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm sản xuất và sử dụng xe điện, vốn giúp giảm phát thải và hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Song xã hội Mỹ và châu Âu hiện đang chia rẽ về vấn đề xe điện, kèm theo làn sóng phản đối sự phát triển của dòng phương tiện này. Vậy điều gì đã khiến xe điện không còn được lòng người dân phương Tây?

Lập trường phản đối ở Mỹ

Trong đợt vận động tranh cử tại bang Michigan cuối tháng trước, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, việc sử dụng ô tô điện sẽ khiến nước Mỹ đối diện với lạm phát và thất nghiệp tràn lan. Hơn nữa, xe điện còn kèm theo hai vấn đề lớn, đó là chi phí quá đắt và bất tiện trong di chuyển, bởi xe chỉ có thể đi quãng đường ngắn trước khi phải tìm điểm sạc.

Về chi phí, theo công ty ô tô Kelley Blue Book, xe điện hiện có giá trung bình hơn 58.000 USD, vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ gia đình Mỹ. Trong khi xe chạy bằng xăng dầu có giá trung bình rẻ hơn gần 10.000 USD.

Về việc làm, báo cáo của Viện Chính sách kinh tế Mỹ chỉ ra, ngành công nghiệp ô tô nước này có thể mất khoảng 75.000 việc làm vào năm 2030 nếu như chuyển đổi sang sản xuất xe điện.

Các thành viên đảng Cộng hòa khác cũng có lập trường tương tự ông Donald Trump. Họ cho rằng, bằng việc chuyển sang xe điện, người Mỹ đang phó mặc nền kinh tế và an ninh quốc gia cho Trung Quốc - nước kiểm soát phần lớn hoạt động sản xuất và khoáng sản pin của thế giới.

Trong buổi công bố kế hoạch kinh tế vào mùa Hè này, Thống đốc Florida Ron DeSantis hứa hẹn sẽ "đảo ngược các chính sách về xe điện của ông Joe Biden", nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc.

Ngoài ra, tại cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa ngày 27/9, ông Mike Pence khẳng định chính sách kinh tế xanh của ông Joe Biden chỉ phục vụ lợi ích cho Bắc Kinh, chứ không cho bang Detroit.

Bên cạnh tuyên bố chính trị, các thành viên đảng Cộng hòa cũng đề xuất các sáng kiến nhằm hạn chế sự phát triển của xe điện, chẳng hạn như đánh thuế bổ sung hoặc tạo ra rào cản pháp lý. Tại bang Texas hiện nay, chủ sở hữu xe điện phải trả thêm 200 USD cho tiểu bang mỗi năm, số tiền này sẽ bù vào khoản thuế xăng dầu bị mất. Thượng nghị sĩ Deb Fischer từng đề xuất dự luật rằng, với mỗi chiếc xe điện được sản xuất, công ty phải nộp 1.550 USD vào quỹ bảo trì đường cao tốc thuộc liên bang.

Chi phí cao và nguy cơ thất nghiệp là hai trong số những rào cản ngăn xe điện phát triển tại thị trường phương Tây. (Nguồn: FreightWaves)

Quan điểm trái chiều tại châu Âu

Tại Italy, quê hương của những dòng xe Fiat và Ferrari, đang nổi lên làn sóng phản đối ô tô điện. Bộ trưởng Giao thông vận tải Italy Matteo Salvini cho rằng đề xuất cấm sử dụng động cơ đốt trong của Liên minh châu Âu (EU) chỉ có lợi cho Trung Quốc và gây thất nghiệp diện rộng.

Năm 2022, có gần 270.000 người Italy làm việc trong lĩnh vực ô tô. Hiệp hội các nhà cung cấp ô tô châu Âu (CLEPA) cảnh báo rằng, việc chuyển sang sử dụng tất cả ô tô điện có thể khiến hơn 60.000 người mất việc ở đất nước hình chiếc ủng vào năm 2035.

Ông Felipe Munoz, nhà phân tích của công ty dữ liệu ô tô Jato Dynamics cho biết, người dân Italy không mặn mà với xe điện vì chi phí cao. Do đó, doanh số bán ô tô điện tại nước này đã giảm 26,9% hồi năm ngoái, chỉ chiếm 3,7% thị trường, so với mức trung bình 12,1% của EU.

Ở Anh, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố London đang rút lại một loạt cam kết khí hậu, đồng thời ngừng kế hoạch loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng xăng dầu vào giai đoạn 2030-2035.

Có hai nguyên nhân thúc đẩy quyết định của ông Sunak. Một là, ô tô chạy bằng xăng dầu có lợi thế hơn xe điện khi xét trên phương diện chi phí và sự thuận tiện trong di chuyển. Hai là, Thủ tướng Anh muốn dùng chính sách về xe điện và khí hậu nhằm thu hút ủng hộ cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới.

Bên cạnh quan điểm chính quyền, khảo sát về ý kiến của người dân Anh cho thấy, có 37% người không mua loại xe điện vì thiếu điểm sạc nhanh, 30% người lo ngại về phạm vi kết nối phủ sóng và 33% còn lại không hài lòng về giá cả.

Ngoài ra, hồi tháng 9, Italy, Pháp, Ba Lan, CH Czech, cùng 4 quốc gia khác đã phản đối sáng kiến "Euro 7" của Ủy ban châu Âu, vốn là đề xuất nhằm thắt chặt giới hạn phát thải của phương tiện vận tải hạng nặng. Thay vào đó, các bộ trưởng công nghiệp EU đã thúc đẩy một phiên bản "Euro 7" ít nghiêm ngặt hơn, nhằm giảm thiểu hạn chế với xe chạy bằng xăng dầu.

Như vậy, các nhà lập pháp của Mỹ tỏ ra bất bình trước việc áp dụng xe điện vì bốn nguyên nhân chính: chi phí cao, nguy cơ thất nghiệp, di chuyển bất tiện và sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Làn sóng phản đối tương tự cũng diễn ra tại khắp các nước châu Âu, nổi bật nhất là Anh và Italy. Hơn nữa, nhiều nước EU còn không nhất trí thông qua sáng kiến "Euro 7".

(theo CNN, PBS)