Tại Hà Nội, nghệ thuật hát Xẩm - một loại hình diễn xướng dân gian đọc đáo gắn liền với đời sống của người Hà Thành đang dần mất đi sức sống vốn có. Trong bối cảnh nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu không ngừng có những giải pháp thiết thực nhằm phục hồi Xẩm, chính các bạn trẻ gen Z - thế hệ kế thừa tương lai với sự năng động, trẻ trung đã gây chú ý bằng những cách tiếp cận mới vô cùng thu hút, sáng tạo để đưa nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng trẻ tuổi. |
Chuyển tải lý thuyết qua những nội dung thật 'chất'Lớn lên cùng với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của mạng xã hội đã định hình cách Gen Z (thế hệ những người sinh vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000) tiếp nhận thông tin được chuyển tải hằng ngày. Thế hệ này có xu hướng ưu tiên những nội dung nhanh, bắt mắt và giải trí. Sự thịnh hành của những dạng video ngắn kèm âm thanh, truyện tranh ngắn, meme (ý tưởng, hành vi hài hước lan truyền trên Internet),.. chính là những biểu tượng cho lối tiếp nhận thông tin nhanh trên mạng xã hội của giới trẻ. Đây là rào cản lớn trong việc lan tỏa những giá trị lịch sử truyền thống đến với bộ phận người trẻ, khi đặc trưng của những nội dung này thường có nhiều lớp lang ý nghĩa cần bóc tách, yêu cầu sự đọc hiểu sâu. Lý thuyết về nghệ thuật truyền thống thường gắn liền với sự khô khan cũng bởi lẽ đó. Kiến thức chuyên môn về hát Xẩm nói riêng cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh cách tiếp nhận thông tin của giới trẻ thay đổi, việc giới thiệu những nét đẹp của Xẩm thông qua những bài viết thông thường sẽ không còn là cách làm hợp lý. Chuyển tải kiến thức cơ bản về Xẩm sẽ thuận lợi hơn khi chúng ta biết tạo ra những nội dung sáng tạo, dung lượng ngắn nhưng vẫn đảm bảo lượng thông tin cần thiết, phù hợp thị hiếu của giới trẻ. Việc lan tỏa nội dung của Xẩm theo cách gần gũi với giới trẻ vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội to lớn, bởi nếu được áp dụng phù hợp, các nội dung này sẽ dễ trở nên “viral”, thu hút lượng lớn người quan tâm trên không gian mạng khi số lượng người dùng Internet là rất lớn. Với sự sáng tạo và năng lượng sẵn có, cùng sự nhạy bén với các nội dung mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã làm mới cách tiếp cận Xẩm bằng cách ứng dụng meme, lối chơi chữ, các đoạn video ngắn, truyện tranh,.. để chuyển tải lý thuyết Xẩm một cách mới mẻ và hài hước. |
Một meme nhằm giới thiệu các làn điệu Xẩm (nguồn: fanpage Xẩm Quán) |
Những kiến thức cơ bản về Xẩm như nhạc khí, môi trường diễn xướng, các làn điệu,.. được khéo léo chuyển tải mang đến sự thích thú và được thẩm thấu thụ động mà không mất quá nhiều thời gian theo dõi. Các nội dung được chia nhỏ với dung lượng phù hợp, nhận được nhiều tương tác khi giới trẻ nhanh chóng nhận diện được những nội dung “hot” được bàn luận sôi nổi hoặc những meme bất hủ đã trở thành một phần trong văn hóa trong giao tiếp trên mạng của gen Z. Không chỉ vậy, về mặt hình thức, với lối tư duy thiết kế hiện đại, những hình ảnh cho các bài viết cũng được trau chuốt với những gam màu hiện đại, sinh động, mang lại diện mạo nổi bật, mới mẻ cho nghệ thuật hát Xẩm. |
Một ấn phẩm cho bài viết về Xẩm của dự án Trường Ca Kịch Viện (nguồn: Fanpage Trường Ca Kịch Viện) |
Thử nghiệm Xẩm với âm nhạc đương đạiNghệ thuật biểu diễn truyền thống với chiếc áo phủ màu lịch sử luôn bị gắn với những tính từ “nhàm chán”, “khô khan”, “khó hiểu”. Tuy nhiên, nếu vì vậy mà khiến cho dòng nhạc này bị lãng quên vào dĩ vãng hay thậm chí biến mất sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc. Canh cánh những điều này, nhiều nghệ sĩ trẻ đã mạnh dạn kết hợp âm nhạc truyền thống cùng với những nét hiện đại vừa phù hợp với thị hiếu giới trẻ vừa góp phần phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Không là người đi đầu nhưng lại rất thành công trong ý tưởng này chính là ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Xuất phát từ cú chạm “Bánh trôi nước”, Hoàng Thùy Linh tìm thấy định hướng sẽ gắn bó với việc kết hợp truyền thống và hiện đại và cho ra một loạt các tác phẩm gây ấn tượng mạnh cho cả giới chuyên môn và đặc biệt là giới trẻ như “Để Mị nói cho mà nghe”, “Kẻ cắp gặp bà già”, “Tứ phủ”... Bên cạnh đó những cái tên như Bích Phương, Yến Lê, Limebócx… cũng đã góp phần mang chất liệu âm nhạc truyền thống vào trong thị trường âm nhạc hiện đại, tạo ra một xu hướng làm nhạc mới. Đây là một điều đáng mừng khi những người trẻ đã mang được những nét đẹp truyền thống của dân tộc, những thanh âm từ ngàn đời vào đến với cuộc sống hội nhập hiện đại. Có rất nhiều người ủng hộ hướng đi này, tuy nhiên, cũng có không ít những quan điểm cho rằng làm vậy là làm mất đi cốt cách, giá trị thực của văn hóa, là bẻ cong những điều xưa cũ. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu âm nhạc Mai Tuyết Hoa cho rằng khi bảo tồn âm nhạc truyền thống phải bảo tồn nó một cách đúng đắn nhất, không được làm sai lệch nó, phải tôn trọng hoàn toàn cái gì mà những người tổ nghề đã để lại, phải tôn trọng hoàn toàn điều đấy. “Vấn đề khi sáng tạo là chúng ta phải làm như thế nào để nó không bị sai những thứ đã là căn bản. Khi mình đã có một nền tảng vững chắc, khi mình đã xây một móng vững chắc, mình có một đường dây chắc chắn thì mình có đi gì chắc chắn thì mình cũng không bị chệch đường dây” - Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Mai Tuyết Hoa. Đối với riêng Xẩm, một loại hình âm nhạc mang trong mình sự đơn giản, mộc mạc nhưng vẫn luôn biến chuyển từng ngày nhằm đáp ứng nhu cầu của người nghe, sáng tạo của Xẩm chính là luôn luôn không ngừng nghỉ. Người trẻ trân trọng những giá trị truyền thống, mong muốn được bảo tồn và phát huy theo hướng tích cực chính đích thực là một điều đáng trân trọng. |
Khi nhạc Xẩm được kết hợp với chất liệu hiện đại (Nguồn: Xẩm Quán) |
Hòa vào xu hướng đó, đã bắt đầu có những tác phẩm âm nhạc mới được sáng tạo dựa trên chất liệu Xẩm được nhiều giới trẻ yêu thích. Có thể kể đến MV “Xẩm Hà Nội” của ca sĩ Hà Myo và rapper VBK với sự hòa quyện giữa Xẩm - Rap - EDM thể hiện được sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ, của chất đường phố mà vẫn giữ được cốt cách của Xẩm. Hay như bản Mục Hạ Vô Nhân của Limebócx, một sự kết hợp độc lạ giữa Xẩm chợ và nhạc điện tử với cách thể hiện trẻ trung, đầy ma mị. Gần đây, Xẩm Quán kết hợp cùng với Quán quân Sao Mai 2019 dòng nhạc Dân gian, ca sĩ Quách Mai Thy cũng đã cho ra mắt sản phẩm Mục Hạ Vô Nhân kết hợp giữa Xẩm, nhạc điện tử, mang lại hơi thở mới cho Xẩm truyền thống. Mạng xã hội - “điểm chạm” của Xẩm với khán giả trẻTrong bối cảnh công nghệ 4.0 ngày càng phát triển, mạng xã hội đang được giới trẻ dành rất nhiều thời gian để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Youtube, Zalo, Facebook, TikTok, Twitter… là những công cụ tiện lợi để giới trẻ chạm đến những giá trị văn hóa, giá trị xã hội hay kết bạn, giao lưu, tương tác mà khoảng cách địa lý không thể cản trở được. Trong tương lai, mạng xã hội sẽ vẫn tiếp tục thịnh vượng và là địa điểm kết nối của giới trẻ với nhiều lĩnh vực khác nhau. Phần lớn lượng người dùng mạng xã hội là giới trẻ, vì vậy việc đưa âm nhạc truyền thống lên mạng xã hội có thể tiếp cận đến người trẻ nhiều hơn - đối tượng nắm một vai trò quan trọng trong việc làm sống và thổi hồn hiện đại vào những tác phẩm nghệ thuật xưa. Nhạc truyền thống phát triển trên mạng xã hội cũng đang trở thành một trào lưu mới của giới trẻ, góp phần không nhỏ trong việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật của ông cha từ ngàn đời. Có rất nhiều dự án đã thành công trong việc lựa chọn mạng xã hội như một “điểm chạm” với giới trẻ và nghệ thuật truyền thống. Câu lạc bộ Cầm Ca của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam lựa chọn Facebook, Instagram và TikTok, Youtube để bảo vệ, gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc nói chung và âm nhạc, nhạc cụ truyền thống nói riêng. Trong khi đó, Trường Ca Kịch Viện - dự án của một nhóm học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã mang đến cho các bạn trẻ một nguồn thông tin về nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam thông qua các triển lãm online và các hoạt động trên Facebook, Instagram và Youtube. Mỗi dự án có những cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với nội dung và thông điệp muốn truyền tải, song không thể phủ nhận những nỗ lực lan tỏa những giá trị truyền thống tới giới trẻ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung hiện nay. Đây là tín hiệu đáng tự hào, góp phần củng cố thêm tình yêu văn hóa dân tộc, văn hóa cổ truyền của đất nước cho người dân trong nước, đồng thời bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Dự án Xẩm Quán cũng đã có được những thành công nhất định trong việc nỗ lực đưa Xẩm tiếp cận với giới trẻ thông qua mạng xã hội. Nếu kênh Fanpage Xẩm Quán là nơi cung cấp những bài viết thông tin về Xẩm và những hoạt động góp phần phát triển văn hóa truyền thống, thì kênh TikTok Xẩm Quán (tài khoản @xamquandtc) là nơi dự án tạo ra các video kết nối nhạc Xẩm với cuộc sống gen Z. Đặc biệt, trong thời gian qua, Xẩm Quán đã phát động một challenge trên TikTok với tên gọi “Say Xẩm” - nơi các bạn trẻ có thể thỏa sức sáng tạo trên nền nhạc Mục Hạ Vô Nhân (Xẩm Chợ) Remix do dự án thực hiện. Challenge TikTok góp phần lan tỏa âm nhạc Xẩm trên một nền tảng mạng xã hội có thể kết nối với nhiều âm nhạc và video. Với sự tham gia của nhiều bạn trẻ, “Say Xẩm” của Xẩm Quán đã tiếp cận được rất nhiều người với hơn 700.000 lượt xem hashtag #SayXẩm. |
Lan tỏa hát Xẩm theo cách làm của Gen Z |
Để đi xa hơn, người trẻ sẽ không là kẻ độc hành...Hành trình phục hồi làm mới Xẩm vẫn còn là một hành trình dài ở phía trước, một vài dự án trước mắt sẽ không thể bảo tồn và phát huy Xẩm về lâu về dài. Vẫn còn đâu đó ở ngoài kia, nhiều ý tưởng đang được nhen nhóm nhưng lại sớm bị vụt tắt vì không có người đồng hành, theo sát và chỉ dẫn. Vậy nên, hành trình làm mới Xẩm phải là hành trình mà ở đó chúng ta có sự chung tay của rất nhiều thế hệ. |
Những người trẻ tài năng sáng tạo cũng không thể thiếu đi sự chỉ dạy tận tình của các bậc tiền bối đi trước để không làm mất đi những giá trị cốt lõi bao đời. Những truyền nhân lưu giữ âm nhạc cổ truyền không thể thiếu đi sự mới mẻ từ những con người nhiệt huyết trẻ tuổi. Việc kết hợp âm hưởng hiện đại và truyền thống trong Xẩm sẽ giúp loại hình này phát triển bền vững, và điều này cần có sự phối hợp của các thế hệ yêu Xẩm. Sau nhiều quãng thời gian đi qua sẽ có những giá trị bị mai một dần mà chỉ có những thế hệ “cây đa, cây đề” mới hiểu được. Đó cũng chính là lúc mà những lớp người đi trước cần mở lòng hơn để chia sẻ những kiến thức đúng đắn cho thế hệ sau, mở lòng hơn để đón nhận những điều mới mẻ đến với bộ môn nghệ thuật này. Và những người trẻ cần có ý thức học hỏi, tiếp thu những kiến thức chia sẻ từ những thế hệ đi trước và trong công cuộc sáng tạo cái mới cần phải dung hòa truyền thống và hiện đại thì mới không làm mất chất Xẩm. Bên cạnh đó, những người trẻ yêu thích và quan tâm tới nghệ thuật hát Xẩm cũng cần chung tay hợp sức, kết nối lại với nhau tạo nên một cộng đồng những người trẻ yêu Xẩm để góp phần lan tỏa rộng hơn nghệ thuật này trong giới trẻ. Với sự hiểu biết đúng với độ tuổi của mình sẽ giúp những bạn trẻ có những cách tiếp cận mới mẻ đến và dễ dàng hơn với những đối tượng chưa có nhiều hiểu biết về Xẩm, thậm chí là có những định kiến về Xẩm. Nằm trong nhóm các dự án làm mới lại nhạc Xẩm cũng như làm về văn hóa góp phần lan tỏa danh xưng “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”, dự án “Xẩm Quán” đã thổi vào một hồn Xẩm mới vừa lạ vừa quen, đậm chất đời mà cũng rất nghệ. Ở “Xẩm Quán”, những bạn trẻ sẽ vừa có cái nhìn, cảm nhận hoàn toàn mới với nhạc Xẩm và vừa được tự do sáng tạo trên những nội dung của loại hình âm nhạc truyền thống này để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân. Mong dự án sẽ là một bước chân nhỏ trên hành trình dài rộng phía trước để xẩm có thể là một phần nào đó mãi được sống trong lòng mỗi người. Dự án “ Xẩm Quán” - Không gian sáng tạo văn hóa hiện đại trên chất liệu hát Xẩm: https://www.facebook.com/xamquan.official |
Bài dự thi Cuộc thi Nhà Truyền Thông Tài Ba - IC Master Tác giả: Nhóm DTC |