Nhỏ Bình thường Lớn

Làng dệt lanh Lùng Tám: Rộn ràng, lách cách tiếng thoi đưa

Baoquocte.vn. Trái với khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu như 2 năm trước, giờ thì từ đầu làng lanh Lùng Tám (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) đã nghe tiếng thoi lách cách; nhìn thấy những tấm thổ cẩm lớn phơi trên hàng rào quanh nhà.
Làng dệt lanh Lùng Tám: Rộn ràng, lách cách tiếng thoi đưa
Nhiều hộ gia đình ở Lùng Tám đã bắt đầu có chút thu nhập nhờ nghề dệt lanh truyền thống. (Ảnh: Thanh Tâm)

Hai năm qua (2020, 2021), đại dịch Covid-19 đã khiến làng nghề dệt vải lanh ở Lùng Tám gặp nhiều khó khăn do không có khách du lịch. Điều này cũng khiến nhân sự trong Hợp tác xã dệt vải lanh Hợp Tiến bị thu gọn.

Trong số 23 thợ lành nghề, làm việc thường xuyên tại Hợp tác xã, chỉ có thể giữ lại 6 nghệ nhân cùng một số thợ khác nhận sản phẩm về nhà làm.

Theo bà Vàng Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến: Dệt vải lanh là nghề gia truyền của nhiều gia đình người Mông ở Lùng Tám. Ngày trước, vải làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Vì quá trình làm ra sản phẩm hoàn toàn thủ công nên năng suất không cao. Hơn nữa, do chưa nhanh nhạy với thị trường nên các sản phẩm vải lanh của Lùng Tám ít được người tiêu dùng bên ngoài biết đến.

Nhận thấy giá trị của làng nghề, năm 1998, bà Mai cùng chồng là ông Sùng Mí Quả đã đứng ra vận động bà con trong xã góp vốn xây dựng Cơ sở dệt lanh Hợp Tiến.

Tháng 8/2001, hợp tác xã vải lanh Lùng Tám chính thức được thành lập mang tên Hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến, với “cổ phần” đóng góp là các sản phẩm váy, áo, khăn, chăn, gối, thảm, ví thổ cẩm, áo nam, túi, sắc… do bà con tự làm từ trước.

Từ khi được thành lập đi vào hoạt động, Hợp tác xã Hợp Tiến đã thu hút nhiều chị em trong xã tham gia. Trước đây, chị em dệt tại nhà, nay tập trung may, thêu, dệt tại hợp tác xã. Đây cũng là cơ sở vừa giới thiệu vừa bán sản phẩm cho du khách đến tham quan.

Đến nay, Hợp tác xã đã sản xuất được trên 20 loại sản phẩm khác nhau và tìm được bạn hàng thường xuyên như tổ chức CRAFT LINK (thuộc Trung tâm nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam). CRAFT LINK còn hỗ trợ hợp tác xã giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các đoàn khách du lịch quốc tế ưa thích đồ thổ cẩm.

Bà Vàng Thị Mai cho biết thêm: Ngay sau khi hợp tác xã được thành lập, nhiều hộ gia đình tham gia đã bắt đầu có chút thu nhập nhờ nghề dệt lanh truyền thống. Nhưng sự khởi sắc chỉ thực sự bắt đầu vào năm 2008, khi bà được Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam mời tham dự Hội chợ Phụ nữ năng động sáng tạo toàn cầu.

Qua câu chuyện của bà cùng những hiện vật là các sản phẩm có họa tiết hoa văn tinh xảo, đối tác ở nhiều nước trên thế giới rất quan tâm tới mặt hàng vải lanh Lùng Tám.

Tiếng lành đồn xa, nhiều khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài khi lên vùng cao nguyên đá Hà Giang đã tìm đến Lùng Tám để được trực tiếp tìm hiểu kỹ thuật dệt lanh của người Mông, cũng như tìm mua những món quà xinh xắn được làm từ đôi bàn tay khéo léo của những người con núi đá trắng.

Khi nghề dệt lanh được phục hồi, ngoài việc phát triển sản xuất, chăn nuôi ở gia đình, chị em ở hợp tác xã vải lanh Lùng Tám có thêm thu nhập từ 1,2-1,8 triệu đồng/tháng. Nhờ có hướng đi đúng, những năm gần đây, đời sống của người làm nghề lanh từng bước được cải thiện, đa phần các hộ đã thoát nghèo; điều quan trọng hơn là nghề truyền thống được bà con có ý thức gìn giữ.

Trải qua 41 công đoạn hoàn toàn thủ công, hết sức tỉ mỉ và kiên nhẫn, tấm vải lanh thổ cẩm Lùng Tám mới thành hình nên dáng. Mỗi sản phẩm dệt ở Lùng Tám đều mang những nét hoa văn truyền thống. Mỗi hình ảnh đều mang ý nghĩa riêng và chủ yếu là họa tiết của người Mông.

Làng dệt lanh Lùng Tám: Rộn ràng, lách cách tiếng thoi đưa
Nghệ nhân Vàng Thị Mai của làng Lùng Tám trong gian hàng trưng bày tại Festival Áo dài Hà Nội 2016. (Ảnh: Thanh Thuận)

Chính sự độc đáo ấy đã giúp làng dệt Lanh Lùng Tám có chỗ đứng trong thị trường hàng thủ công mỹ nghệ và xây dựng được những giá trị kinh tế lớn lao cho bà con nơi đây.

Vải lanh thô sau khi được dệt, bà con đưa vào đó những hoa văn tái hiện lại cuộc sống hằng ngày hoặc đơn giản hơn là những họa tiết đơn giản nhưng được lồng ghép tinh tế, công phu.

Tuy nhiên, hai năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nghề dệt vải lanh ở Lùng Tám gặp nhiều khó khăn. Trong số 23 thợ lành nghề, làm việc thường xuyên tại Hợp tác xã dệt vải lanh Hợp Tiến, chỉ có thể giữ lại 6 nghệ nhân cùng một số thợ khác nhận sản phẩm về nhà làm.

Giờ đây, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, những trai thanh nữ tú khắp mọi miền trên cả nước đã hân hoan trở lại cao nguyên đá Hà Giang, và Lùng Tám là một trong những điểm đến được ưu tiên lựa chọn.

Không chỉ giỏi dệt vải, người Mông ở Lùng Tám còn có kỹ thuật nhuộm chàm mà khó có nơi nào sánh được. Đây chính là lợi thế để chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể tiếp tục đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận giúp vải lanh Lùng Tám trở thành mặt hàng lưu niệm mang đậm tính văn hóa của đồng bào Mông, đứng vững và vươn rộng ra thị trường.

Lùng Tám nằm nép mình giữa những đỉnh núi mây mù phủ sương quanh năm. Nghề dệt lanh là nghề truyền thống gắn bó mật thiết với đồng bào người Mông ở đây. Những năm gần đây, cuộc sống của người Mông ở mảnh đất đá trắng, mây mù đã có nhiều thay đổi rõ rệt nhờ nghề dệt vải lanh truyền thống.

Trách nhiệm của báo chí với tương lai của trẻ em gái dân tộc thiểu số

Trách nhiệm của báo chí với tương lai của trẻ em gái dân tộc thiểu số

Hướng đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tọa đàm “Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” như một ...

Sức sống mới ở vùng biên giới Giang Thành

Sức sống mới ở vùng biên giới Giang Thành

Diện mạo vùng biên giới Giang Thành (Kiên Giang) đã đổi thay, nhất là sự chuyển biến trong ý thức và ý chí tự lực ...