Làng không sợ tử thần
Năm 2006, hàng trăm hộ dân ở thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) buộc phải di dời đến nơi ở mới trước sự đe dọa của tình trạng sụt lún. Sau gần 2 năm đến định cư ở làng mới Tân Hiệp, người dân lại phải đối mặt với cảnh không có đất sản xuất.
Bí thư Đảng ủy xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bấm tay nhẩm tính và cho biết: Trong xã có khoảng vài trăm người làm nghề đi rà phế liệu. Trong đó, người dân làng tái định cư Tân Hiệp chiếm đến 80% số người tham gia nghề hiểm nguy này. Nhiều người đã bỏ mạng trong rừng.
Trong làng chỉ còn người già và trẻ con. Ảnh: VNN |
Theo lời giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi ngược con đường đất đỏ bụi bay mù mịt, dưới cái nắng rát mặt của gió Lào đến với làng Tân Hiệp. Dạo quanh làng tái định cư này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì dân cư ở đây rất thưa thớt, chủ yếu là những người già, trẻ con. Hỏi thăm mới biết là mấy hôm nay, thanh niên trong làng đã kéo nhau qua tận biên giới Việt - Lào để đào phế liệu.
Rót cốc chè xanh mời khách, bà Vũ Thị Tháp (50 tuổi) ở làng Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bồi hồi kể: “Trước đây, người dân trong làng chủ yếu đi rà phế liệu ở các khu rừng gần nhà, sau 1-2 ngày sẽ trở về nhà đem theo những chiến lợi phẩm”.
“Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người đã băng suối lội rừng cuốc bộ hàng chục cây số đến Lao Bảo, Khe Sanh, thậm chí có người đến tận biên giới Việt - Lào để đào sắt, đào đồng” - bà Vũ Thị Tháp cho biết.
Anh Đào Văn Lợi, công an viên làng Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (TT-Huế) nhớ lại: “Trước đây khi ở làng cũ, đất đai sản xuất của bà con bạt ngàn, màu mỡ lắm, nhưng từ khi đến tái định cư ở làng mới này, đất sản xuất vừa thiếu trầm trọng lại vừa cằn cỗi, nên mấy mùa liên tiếp, bà con nông dân trong làng thất thu vì trồng trọt”.
“Đất ở đây rất cằn cỗi, mỗi năm chỉ làm được một vụ đậu còn lại bỏ hoang do nguồn nước tưới tiêu không có. Do thiếu đất, thiếu việc làm nên những người đàn ông trụ cột trong gia đình và thanh niên trai tráng trong làng hàng ngày phải vào rừng rà tìm phế liệu”- anh Đào Văn Lợi cho biết thêm.
Bà Trần Thị Lé, một người sống lâu năm trong làng cho biết, mỗi năm ở thôn Tân Hiệp này ước tính có từ 5 đến 6 người tử nạn do rà gặp phải bom. Người chết đã đành, đám thanh niên trong làng nhiều người bị cụt tay, chân, để lại thương tật suốt đời.
Chị Trần Thị Chìa (42 tuổi) ở làng Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), chồng là Trần Văn Đạt qua đời trong lúc tìm phế liệu, nói với chúng tôi trong nước mắt: “Trong một lần rà phế liệu để tìm đồng, tìm sắt, không may ông ấy gặp trúng mìn nên đã tử nạn trong rừng. May là cũng nhờ những bạn nghề đi cùng thương tình bó xác trong chiếu gánh từ trong rừng về”.
Chị Trần Thị Chìa và Trần Thị Gái, hai goá phụ của làng Tân Hiệp. Ảnh:VNN |
Cùng cảnh ngộ với chị Trần Thị Chìa, chị Trần Thị Gái, Mai Thị Thương, Nguyễn Thị Thu… khóc nức nở khi nhớ lại cảnh chồng qua đời do rà phế liệu. Vẫn biết tử thần luôn rình rập, cái chết có thể xảy ra trong gang tấc, nhưng sau khi chồng mình qua đời, chị Mai Thị Thương lại tiếp tục nối nghiệp của chồng.
Chị Nguyễn Thị Thu ở làng Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) với vẻ mặt thất thần khi nhớ lại cái chết của chồng trên đường rà phế liệu. Vậy mà, hiện tại chị buộc phải cho 2 con trai theo làm nghề này khi tuổi chưa tới 20. "Không đi lấy gì mà sống” - chị Thu nói.
“Bữa nay nghề rà phế liệu cũng rất khó khăn. Hôm nào trúng mánh mới kiếm được 50 ngàn đồng, những ngày ít chỉ kiếm được 20-30 ngàn và cũng có hôm đi rà mà về tay không”- anh Nguyễn Văn Sinh (30 tuổi) có thâm niên trong nghề rà phế liệu được 18 năm cho biết.
Con đường mưu sinh khó khăn, vì vậy thời gian gần đây, một số người cơm đùm gạo bới qua tận biên giới Việt - Lào ở lại 10 ngày đến 15 ngày mới trở về nhà. Đằng sau những chuyến rà phế liệu dài ngày, những người trụ cột trong gia đình đã đem lại không ít "chiến lợi phẩm" để nuôi con. Tuy nhiên, thương vong, bệnh tật… cũng luôn rình rập họ.
Chính quyền cũng "bí"
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng trên, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Nguyễn Thanh Trung nói với giọng chua xót: “Đúng là xã không có chủ trương để người dân tham gia nghề rà phế liệu, nhưng do đời sống của họ rất nghèo khó, chạy ăn từng bữa, vì vậy nghề rà phế liệu đã trở thành cứu cánh của họ”.
Ban ngày làng tân Hiệp vắng hoe! Ảnh:VNN |
Trước đây, khi đưa người dân làng Tân Hiệp đến vùng tái định cư, huyện và xã đã tạo điều kiện cho bà con mở các cơ sở làm nấm rơm, chổi đót và mây tre, nhưng nguồn nguyên liệu cạn kiệt dần nên bà con không bám trụ được.
“Giải quyết công ăn việc làm cho người dân về lâu dài là việc làm ngoài tầm tay của địa phương. Để hạn chế số người tham gia rà phế liệu ở làng Tân Hiệp cũng như các thôn trên địa bàn xã, chúng tôi rất mong muốn cấp trên tạo điều kiện cấp thêm đất sản xuất cho địa phương. Hiện, địa phương rất bí đất sản xuất” - Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ thừa nhận.
Một thực tế đáng buồn là, theo con số thống kê chưa đầy đủ, năm vừa qua xã Cam Tuyền có khoảng 40-50 học sinh bỏ học giữa chừng, chiếm tỉ lệ cao nhất huyện. Con số "giật mình" này cũng đã khiến chính quyền địa phương rất trăn trở. Tuy nhiên, với cuộc sống khó khăn, số học sinh sau khi bỏ học này cũng theo nghề rà phế liệu để kiếm kế sinh nhai, phụ giúp gia đình.
Giải quyết việc làm cho người dân làng tái định cư Tân Hiệp và một số người dân ở xã Cam Tuyền khi họ đang đánh đu với tử thần với nghề rà phế liệu là bài toán đang rất cần sự tác động, hỗ trợ từ phía huyện và tỉnh Quảng Trị.
Theo VNN