Cũng có một số ít người trở về trong sự giàu sang, nhưng phần lớn những người giả sư đều kết thúc "sự nghiệp" trong chốn lao tù.
Xã Nghĩa Đồng nằm ở hạ lưu sông Con hiền hoà, vốn là miền quê trong lành, trù phú. Cuộc sống yên bình đó bỗng chốc đổi thay khi trong làng có đến hàng chục ngôi nhà "bỏ hoang" vì gia chủ phiêu dạt làm ăn tứ xứ.
Từ những năm 1990, một số người vào các tỉnh phía Nam làm ăn đã phát hiện ra một nghề phát tài nhanh chóng mà công sức bỏ ra không đáng la bao: "nghề" giả làm ni, sư các nhà chùa ra ngoài quyên góp tiền làm từ thiện, bán hương vàng... để tư lợi riêng.
Ban đầu, ở xã chỉ có một số người nhân danh nhà sư để lừa đảo, nhưng thấy "nghề" này vừa nhàn hạ lại có thu nhập khấm khá nên dân trong xã kéo nhau hành nghề, trong đó phụ nữ chiếm đại đa số.
Họ chỉ cần "hy sinh" bộ tóc hoặc khoác lên một chiếc khăn trùm kín đầu, bước đi chậm rãi khắp các ngõ hẻm ở TP Vinh và các huyện lân cận với gương mặt thật thương cảm khi xin tiền quyên góp để làm từ thiện.
Một ngày lang thang "hành khất" ít nhất mỗi người cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Có những người như Võ Thị Q. (1981) xóm 10, xã Nghĩa Đồng, đi làm "ni cô" ba năm đã xây được căn nhà 3 tầng, nuôi được anh chồng nghiệp ngập... luôn đủ thuốc. Hay như anh Nguyễn Văn G. Sau một thời gian xa quê giả sư về cũng tậu nhà, tậu xe...
Cuối năm 2007, ở khu vực chợ Vinh xuất hiện hai ni cô tự xưng là tăng ni của chùa Hưng Long - Huế đi quyên góp tiền để xây dựng phòng ở cho các trẻ mồ côi. Bà con tiểu thương không mảy may nghi ngờ đã rộng lòng đóng góp. Một ngày "làm ăn" ở khu vực chợ Vinh, hai ni cô này quyên góp được gần 10 triệu đồng nhưng không bao giờ đã bị công an bí mật theo dõi.
Xác định đây là hai kẻ giả danh lừa đảo, công an TP Vinh đã mời họ về trụ sở làm việc. Hai đối tượng khai là Võ Thị Lan (1977) và Phan Thị Hợi (1971) ở xã Nghĩa Đồng - Tân Kỳ, đã vào Huế mua giấy tờ giả rồi lang thang lừa đảo.
Cũng khoảng thời gian đó, công an tỉnh Quảng Ngãi đã khám xét nhà trọ của hai vợ chồng Tạ Ngọc Lương (1968) và Hoàng Thị Thuỷ (1969) đều ở xã NGhĩa Đồng, phát hiện 4 bộ quần áo ni cô, nhiều thẻ chứng nhận, lưu hành giả của Hội Phật giáo Việt Nam với tên tuổi khác nhau, nhà chùa khác nhau, cùng cuốn sổ ghi chép số tiền ủng hộ hàng triệu đồng. Vợ chồng Lương-Thuỷ khai nhận đã hành nghề lừa đảo gần 5 năm và lôi kéo hàng chục bà con thân thích ở xã Nghĩa Đồng vào Huế hành nghề giả sư.
Trước đó, hai "ni cô" Dương Thị Thuỷ (1970) và Dương Thị Ngay (1971) cùng quê Nghĩa Đống cũng bị công an TP Quy Nhơn bắt về tội gải danh nhà sư đi bán hương với giá 30.000đ đến 40.000đ một thẻ, với danh nghĩa quyên tiền xây dựng nhà chùa.
Theo ông Lê Công Hợi - Trưởng công an xã Nghĩa Đồng, UBND xã đã có công văn thông báo đến một số tỉnh, thành phố mà những người giả sư hay lui tới để cảnh báo và mong muốn khi các đối tượng là người Nghĩa Đồng phạm pháp thì thông báo về địa phương để biết và xử lý.
Theo thống kê năm 2006, toàn xã có 10 đối tượng giả sư lừa đảo bị công an các địa phương xử lý, năm 2007 đã có 6 người bị xử lý. Những đối tượng này khi trả về địa phương đều bị theo dõi và quản lý.
Chính quyền cũng đã tuyên truyền nhiều về hành vi giả sư lừa đảo sẽ bị xử lý nghiêm và vận động nhân dân ở quê làm ăn, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Đầu năm 2008 đã bắt đầu có hiện tượng hàng trăm người đi khỏi xã làm ăn xa nhưng không báo tạm vắng.
Những người tu hành là người chăm lo cho đời sống tâm linh của con người, không màng danh lợi, sống vì mọi người, cho nên những kẻ lợi dụng hình ảnh của họ để trục lợi là những kẻ cần phải bị trừng phạt mạnh tay để không làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp trên.
Theo Phụ Nữ