Làng nghề Hà Nội: Kho báu bị lãng quên |
Sau khi mở rộng, Hà Nội trở thành nơi nhiều làng nghề nhất trong cả nước (hơn 1.200) và có lợi thế rõ ràng về vị trí chính trị, văn hóa... Các làng nghề thường nằm dọc các trục đường giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, nên rất thuận lợi cho các công ty du lịch đầu tư, xây dựng những tour du lịch. Bản thân thành phố cũng đã chủ trương đưa làng nghề vào khai thác du lịch từ 10 năm trước, nhưng đến giờ quanh quẩn lại vẫn chỉ là dăm ba làng nghề được nhắc tên nhiều như Bát Tràng và Vạn Phúc.
Sự năng động của làng nghề
Du khách đến làng gốm Bát Tràng những ngày này không khỏi ngỡ ngàng vì sự tấp nập cũng như mới mẻ ở nơi đây. Người Bát Tràng hiếu khách đến độ bày cả xe trâu mời khách thong dong thăm thú các lò gốm, rồi dành những gian hàng riêng cho khách tham gia các công đoạn làm gốm. Việc tự nặn, tự vẽ, tự sáng tạo ra sản phẩm gốm theo ý thích và nhìn thấy sản phẩm của mình ra lò làm khách thích thú…
Cũng như Bát Tràng, Vạn Phúc hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách tham quan. Ngoài yếu tố là sản phẩm lụa đa dạng với nhiều mẫu mã đẹp, du khách cũng được tham gia tìm hiểu quy trình làm ra lụa. Chính điều này mà khách đến một lần và trở lại nhiều lần…
Theo các chuyên gia du lịch, làng nghề nào mà dân càng nhạy bén với thị trường, biết tiếp thị thì càng hút khách. Bát Tràng hay Vạn Phúc là bằng chứng, nhưng chỉ là hạt cát giữa sa mạc. Còn biết bao làng nghề khác gần như bị bỏ quên như cụm làng nghề mây tre đan ở Chương Mỹ, khảm trai Chuyên Mỹ…
Ít kinh nghiệm
Nguyên nhân có nhiều, nhưng có thể thấy, chủ yếu là do cách bảo tồn và khai thác. Ông Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, mặc dù phát triển du lịch làng nghề được ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn còn ít kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị làng nghề truyền thống, văn hóa cư dân bản địa. Một mặt, các công ty du lịch chưa quan tâm đến chất lượng, thiếu liên kết cũng như chia sẻ trách nhiệm, lợi nhuận với người dân làng nghề... Mặc khác, việc phát triển những tour này gặp khó khăn còn do cơ sở hạ tầng yếu, môi trường ô nhiễm và thiếu đội ngũ thuyết trình viên chuyên nghiệp.
Thực tế, lỗ hổng kiến thức về du lịch trở thành tình trạng chung của người dân làng nghề. Họ không được dạy cách tiếp thị, đón khách. Chưa kể nhiều người vẫn làm ăn “chộp giật”, “chặt chém” khách, thậm chí mắng chửi, đẩy khách ra cửa nếu họ chỉ xem mà không mua. Đó chẳng phải lý do khiến khách “một đi, không trở lại”?
Cần giải pháp đồng bộ
Mới đây, tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội”, nhiều chuyên gia cho rằng, để tổ chức du lịch, các cơ quan chức năng cần quy hoạch, tổ chức lại các làng nghề, đa dạng hóa ngành nghề, nhưng phải tạo ra được sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương. Chính quyền cũng cần tạo điều kiện cho người làng nghề tham quan học hỏi các làng nghề đã làm du lịch. Trong mỗi tour du lịch, nên chăng mời các cao niên, nghệ nhân thuyết minh cho khách về nguồn gốc tổ nghề, các công đoạn và bí quyết gắn với từng sản phẩm đặc thù? Ngoài ra, việc xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng du lịch, bảo vệ môi trường cũng cần phải làm ngay.
Tiềm năng của làng nghề Hà Nội thực sự to lớn. Nếu được tổ chức chuyên nghiệp, du lịch làng nghề không chỉ mang lại những giá trị thiết thực về kinh tế, văn hóa mà còn góp phần bảo tồn, phát huy, làm rạng rỡ thêm những tinh hoa của đất kinh kỳ Ngàn năm văn hiến.
Vinh Hà