Vai trò của người dân được thể hiện rõ ràng và hiệu quả hơn qua việc ngày càng nhiều các tổ chức phi chính phủ tham gia vào các cơ chế của Liên hợp quốc, trong đó có các cơ chế báo cáo về nhân quyền. (Nguồn: DJHJ Media) |
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế hiện nay, tính minh bạch, tính giải trình của Chính phủ, cùng với xu thế dân chủ hoá đang ngày càng gia tăng và được đòi hỏi ngày càng cao ở hầu hết các quốc gia. Theo xu thế đó, tiếng nói của người dân được lắng nghe nhiều hơn; người dân được tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào các lĩnh vực của Nhà nước, được tham vấn từ những bước đầu tiên của quá trình hoạch định chính sách của chính phủ.
Ở phạm vi quốc tế, có thể nhận thấy vai trò của người dân được thể hiện rõ ràng và hiệu quả hơn qua việc ngày càng nhiều hơn các tổ chức phi chính phủ tham gia vào các cơ chế của Liên hợp quốc, trong đó có các cơ chế báo cáo về nhân quyền như Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD)…
Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức nhân dân/ các tổ chức phi chính phủ
Không nằm ngoài xu thế chung, tại Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động tham vấn của các cơ quan chính phủ với các tổ chức nhân dân/ các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề quan trọng của đất nước. Xu hướng này có thể thấy rõ ràng qua cuộc chiến chống Covid-19, khi các quy định, chính sách của chính quyền các địa phương thường xuyên được sửa đổi sau phản ánh của người dân.
Đối với các cơ chế nhân quyền, có thể thấy xu hướng tham gia của các tổ chức nhân dân/ phi chính phủ Việt Nam vào quá trình xây dựng, bảo vệ và giám sát việc thực thi báo cáo công ước quốc tế về nhân quyền đang ngày càng gia tăng.
Trong tiến trình UPR, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt cho biết, Việt Nam hết sức coi trọng những nguyên tắc cơ bản của tiến trình này, đó là minh bạch, bao trùm, có sự tham gia ý kiến rộng rãi của các bên liên quan.
Chính trên tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để xây dựng dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III của Việt Nam và tiến hành lấy ý kiến của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân, các chuyên gia trong nước, các cơ quan Liên hợp quốc và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam qua nhiều hình thức.
Ông Đồng Huy Cương, Trưởng ban Ban Công tác đa phương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), Tổng Thư ký Quỹ Hoà bình và Phát Triển Việt Nam, cho biết trong UPR chu kỳ III, riêng qua hệ thống của VUFO, đã có hơn 10 tổ chức gửi báo cáo cho Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và 2 tổ chức phát biểu tại phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia (trong đó có cả tổ chức của Việt Nam và đối tác quốc tế).
Đại diện VUFO lý giải, một trong những nguyên nhân của sự gia tăng đó là sự chủ động của các tổ chức nhân dân/phi chính phủ. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Bộ Ngoại giao đã có cơ chế khuyến khích các tổ chức tham gia vào tiến trình này (thông tin được chia sẻ công khai trên trang web của Bộ, mời tham gia vào các cuộc họp tham vấn đóng góp ý kiến xây dựng báo cáo quốc gia…).
Theo ông Đồng Huy Cương, việc tham gia của các tổ chức nhân dân Việt Nam vào các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc nói chung và UPR nói riêng có những thuận lợi riêng.
“Trước hết, các tổ chức nhân dân Việt Nam có nhiều thông tin về quyền con người thông qua các hoạt động của mình, đặc biệt là thông tin liên quan đến việc thực thi pháp luật, các chính sách của nhà nước, thực hiện của các địa phương trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Hơn nữa, nhiều tổ chức có kết nối với các mạng lưới quốc tế, từ đó nên có những so sánh khách quan giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Đồng Huy Cương đánh giá.
Hội thảo quốc tế Tham vấn về dự thảo báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III của VIệt Nam, ngày 22/20/2021. (Nguồn: Bộ Ngoại giao) |
Tăng cường đóng góp đồng bộ vào tiến trình UPR
Tuy nhiên, đại diện VUFO cho rằng sự tham gia và đóng góp của các tổ chức trong UPR chu kỳ III còn chưa tương xứng so với quy mô và tiềm năng.
Do cơ chế thông tin vẫn còn một số điểm hạn chế nên thực tế là nhiều tổ chức còn chưa biết đến cơ chế báo cáo UPR cũng như các cơ chế nhân quyền khác của Liên hợp quốc, hoặc không biết là họ có thể tham gia vào các tiến trình đó.
Mặt khác, một số tổ chức nhân dân Việt Nam còn hạn chế về kinh phí, chất lượng nhân lực, đặc biệt khả năng tiếng Anh… dù có rất nhiều hoạt động, nhiều đóng góp trong quá trình phát triển. Một số tổ chức chưa thực sự nhận thức được lợi ích của việc thực hiện nghĩa vụ đối với báo cáo UPR.
Ngoài ra, báo cáo của các tổ chức dựa trên thông tin đơn lẻ, chưa có sự kết nối với các tổ chức khác hoạt động trên cùng lĩnh vực, nên có thể có những thông tin khác nhau, thậm chí đối lập nhau.
Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quỹ Hoà bình và Phát Triển Việt Nam đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả sự tham gia của các tổ chức nhân dân, phi chính phủ Việt Nam trong tiến trình UPR.
Một là, Bộ Ngoại giao cần có cơ chế chia sẻ thông tin kịp thời, rộng rãi hơn nữa đến các tổ chức về tiến trình thực hiện, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện nghĩa vụ báo cáo UPR để tạo điều kiện giúp họ chủ động tham gia tham vấn, giám sát và đóng góp ý kiến trên các lĩnh vực mà họ quan tâm và hoạt động.
Hai là, xây dựng các đầu mối liên hệ trong các cơ quan, bộ ngành liên quan trên các khuyến nghị được phân công để các tổ chức có thể chủ động liên hệ và phối hợp hành động.
Ba là, xây dựng lộ trình/ kế hoạch cụ thể để tăng cường và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức nhân dân vào quá trình thực hiện báo cáo UPR.
Bốn là, phát huy vai trò của các “tổ chức ô” như VUFO, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, Liên hiệp Hội người khuyết tật… và các mạng lưới trong việc điều phối, tập hợp các tổ chức thành viên hoạt động trong các nhóm lĩnh vực để thông tin được đầy đủ, khách quan.
"Việt Nam hết sức coi trọng những nguyên tắc cơ bản của tiến trình UPR, đó là minh bạch, bao trùm, có sự tham gia ý kiến rộng rãi của các bên liên quan" - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt. |
| Thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III: Để không ai bị bỏ lại phía sau Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị UPR chu kỳ III, Việt Nam đã có những bước tiến thực chất trong việc thúc ... |
| Đại diện UNDP: Việt Nam đang đi đúng hướng tới đích là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 Theo bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện thường trú kiêm Trưởng phòng Quản trị và tham gia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc ... |