Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu |
Với vị trí cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN, Lạng Sơn có vị trí địa kinh tế, địa chính trị đặc biệt trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài và hành lang kinh tế trọng điểm quốc gia Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; đồng thời, với hệ thống đường sắt, đường bộ rất thuận tiện nối liền các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, cùng với lợi thế có hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu song phương và nhiều cửa khẩu phụ, Lạng Sơn đã và đang là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc trong Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN, đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình tham gia hội nhập khu vực.
Thích ứng trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đặc biệt là chủ trương hội nhập quốc tế, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn đặc biệt chú trọng, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai tích cực, hiệu quả, đồng bộ, toàn diện trên cả ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm chủ động, tích cực hội nhập, tranh thủ tốt nhất điều kiện quốc tế thuận lợi, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của một tỉnh có đường biên giới quốc gia dài 231,74 km, là cửa ngõ kết nối Việt Nam với các nước ASEAN và Trung Quốc.
Tỉnh Lạng Sơn luôn chú trọng phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các địa phương khác của Trung Quốc. Quan hệ truyền thống hữu nghị, hợp tác giữa hai tỉnh - khu không ngừng được tăng cường, mở rộng, đi vào chiều sâu và đem lại lợi ích thiết thực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại biên giới; đấu nối giao thông đường bộ, mở và nâng cấp cửa khẩu; quản lý biên giới, phòng chống tội phạm; giao thông - vận tải; khoa học - công nghệ; nông - lâm nghiệp; y tế; giáo dục - đào tạo; văn hoá... góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân khu vực hai bên biên giới.
Các hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp tỉnh - khu, cấp ngành, cấp huyện và nhân dân hai bên biên giới thường xuyên được tổ chức. Tích cực phát huy hiệu quả các hình thức hợp tác, đặc biệt là Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa bốn tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), cơ chế giao lưu giữa các cơ quan đảng, đoàn thể, giữa các ngành, các huyện thị biên giới. Đến nay đã có năm cặp huyện - thị biên giới ký kết thiết lập quan hệ “huyện - thị hữu nghị quốc tế”, có 12 cặp thôn, bản biên giới ký kết thôn bản hữu nghị biên giới; 11 đồn biên phòng ký kết “đồn – trạm hữu nghị, biên giới bình yên”.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương khác của Trung Quốc, các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Australia; các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế; các cơ quan đại diện ngoại giao; các tổ chức quốc tế, khu vực tại Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài có hoạt động hợp tác triển khai dự án ODA, NGO trên địa bàn tỉnh, với các lĩnh vực hoạt động tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng khó khăn.
Với chủ trương tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện, thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực, sự đột phá thu hút nguồn lực đầu tư, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp huyện. Từ đầu năm đến nay, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư 22 dự án với tổng số vốn đăng ký 3.236 tỷ đồng; thu hút một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, FLC, Kosy, Phú Thái, Sovico, VSIP...
Phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu, Lạng Sơn sớm ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và cơ chế quản lý thông thoáng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được phê duyệt thành lập năm 2008, có tổng diện tích 394km2, được phát triển thành khu phi thuế quan và khu thuế quan; các phân khu chức năng: khu hợp tác kinh tế biên giới, khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất, khu công nghiệp... tạo lợi thế để tỉnh đẩy mạnh các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông lâm nghiệp...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu phát biểu tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm thạch đen tỉnh Lạng Sơn năm 2021, ngày 25/9. (Nguồn: TTXVN) |
Kỳ vọng bứt tốc, thăng hạng phát triển kinh tế
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, là địa bàn biên giới, Lạng Sơn trở thành một trong các tỉnh thuộc nhóm “có nguy cơ” lây lan và bùng phát dịch, nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và tổ chức thực hiện các giải pháp kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân.
Sang năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn gặp nhiều khó khăn, chỉ có 4/12 cặp cửa khẩu thực hiện thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp, các ngành, kinh tế của tỉnh Lạng Sơn vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2021 ước đạt 6,73%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước thực hiện 4.270 triệu USD, đạt 138,6% kế hoạch, tăng 52% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 1.370 triệu USD, đạt 102,2% kế hoạch, tăng 12,3%; nhập khẩu 2.900 triệu USD, đạt 166,7% kế hoạch, tăng 82,4%. Hàng xuất khẩu địa phương 130 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 8,3%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng mạnh, là năm đầu tiên tỉnh có số thu đạt trên 10.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bao gồm: tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, quốc lộ 1A, đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc, quốc lộ 1B đi Thái Nguyên, quốc lộ 4B đi Quảng Ninh, tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) đi Trà Lĩnh (Cao Bằng)...
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII đã chỉ rõ bốn trụ cột chính tương ứng với bốn Chương trình hành động cụ thể mà Lạng Sơn sẽ hướng đến trong giai đoạn tiếp theo nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh: Một là, tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hai là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ba là, tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bốn là, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp.
Tỉnh đang đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng ở khu vực cửa khẩu để tăng cường các dịch vụ logicstic, hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa như: dự án Khu trung chuyển hàng hóa; dự án Khu chế xuất 1; thu hút đầu tư dự án Cảng cạn Lạng Sơn. Khẩn trương quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tổng diện tích đất công nghiệp được quy hoạch đạt gần 1.000ha, đồng thời từng bước xúc tiến quy hoạch phát triển loại hình Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ quy mô lớn, tập trung với diện tích khoảng 5.500ha.
Từ đầu năm 2021, Lạng Sơn đã tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng Khu Công nghiệp Hữu Lũng tại xã Hồ Sơn và xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng với diện tích 600ha, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tạo điểm nhấn mang tính chiến lược của tỉnh về thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ tại Lễ khởi công xây dựng Dự án "Ngôi trường Hy vọng Samsung". |
Về phát triển du lịch, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn để nhà đầu tư triển khai giai đoạn 1; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư để triển khai một số dự án đầu tư về du lịch quan trọng; tỉnh đã hoàn thành các đề án về định hướng phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội như: Đề án phát triển Du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Lạng Sơn...
Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 và quy hoạch vùng để các tỉnh có cơ sở xây dựng liên kết vùng, tích hợp các nội dung quy hoạch vùng vào quy hoạch tỉnh. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; bố trí vốn để đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4B nối Lạng Sơn với Quảng Ninh.
Với tiềm năng sẵn có, cùng với đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động, tỉnh Lạng Sơn kỳ vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về chính sách của Chính phủ để tỉnh phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác mọi nguồn lực trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đạt được thành tựu to lớn hơn nữa, vững bước trên chặng đường đổi mới và hội nhập.
| Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn - điểm sáng phát triển kinh tế tỉnh Lạng Sơn “Tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu” là 1 trong 5 trọng tâm trong Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh ... |
| Lạng Sơn khánh thành Tượng đài ‘Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng’ Ngày 2/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn tổ chức khánh thành Tượng đài ‘Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng’ ... |