Triển vọng tăng trưởng cho các nền kinh tế châu Á đã xấu đi rất nhiều do tác động từ đại dịch Covid-19. (Nguồn: SCMP) |
Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đã thực hiện một cuộc khảo sát từ ngày 6-26/3, thu thập 33 câu trả lời từ các nhà kinh tế và phân tích thuộc 5 quốc thành viên ASEAN (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) và Ấn Độ về sự ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này. Khi được hỏi về những rủi ro cho nền kinh tế châu Á trong thời gian tới, hầu hết các nhà kinh tế đều khẳng định rằng, cú sốc từ đại dịch Covid-19 là rủi ro lớn nhất.
Sau khi tàn phá Trung Quốc kể từ tháng 1, dịch Covid-19 đã lan rộng trên toàn thế giới, tấn công các nền kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á cũng không ngoại lệ. Dự báo tăng trưởng năm 2020 cho 5 nền kinh tế ASEAN đã được điều chỉnh giảm đáng kể so với cuộc khảo sát trước đó vào tháng 12/2019.
Theo cuộc khảo sát của JCER, triển vọng tăng trưởng cho các nền kinh tế châu Á đã xấu đi rất nhiều do tác động từ đại dịch này. Cụ thể, năm 2020, Singapore có thể sẽ phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng âm (-0,4% đến 0%) và định hướng xuất khẩu của quốc gia này được dự báo sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Nhà kinh tế Manu Bhaskaran của Cent Century Asia tại Singaporen cho biết, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn ở Mỹ và châu Âu sẽ làm giảm nhu cầu toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến Singapore.
Đối với kinh tế Thái Lan, nhà kinh tế Somprawin Manprasert của Ngân hàng Ayudhya dự báo, quốc gia này có mức tăng trưởng 0,8% vào năm 2020.
"Sự bùng phát của đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến du lịch và các ngành liên quan đến du lịch mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế Thái Lan thông qua sự gián đoạn nguồn cung ở nhiều quốc gia", Somprawin Manprasert nói.
Khảo sát cũng cho thấy, các nền kinh tế Indonesia và Philippines đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 5% trở lên trong nhiều năm qua nhưng ở tình hình hiện tại, hai quốc gia này khó giữ được mức tăng trưởng đó. Lý giải cho dự đoán này, nhà kinh tế Dendi Ramdani của ngân hàng Mandiri ở Indonesia cho rằng, ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng và bán lẻ đã suy giảm và đang ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người.
Còn nhà kinh tế Carlo Asuncion thuộc Ngân hàng Union của Philippines nhận xét, kể từ ngày 15/3 - 14/4, thủ đô Manila thực hiện biện pháp phong tỏa theo quyết định của chính quyền thành phố nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại Philippines có thể làm xói mòn niềm tin tiêu dùng và giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế trị giá 330 tỷ USD của quốc gia này trong thời gian tới.
Tại Ấn Độ, sau mùa Hè năm 2019, tăng trưởng kinh tế nước này đã giảm từ mức 7% xuống 5% do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả việc lĩnh vực tài chính gặp khó khăn. Và cú sốc từ đại dịch Covid-19 lần này dường như đã thêm một gánh nặng lên nên kinh tế của đất nước Nam Á. Dự báo tăng trưởng kinh tế trung bình trong giai đoạn 2020-2021 đã giảm 1 điểm phần trăm, xuống 5,1% so với khảo sát trước đó.
Nhà kinh tế Dharmakirti Joshi của Crisil ở Ấn Độ nhận định, sẽ có "một cú hích sâu" từ đại dịch Covid-19 đến chuỗi tăng trưởng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Joshi cho hay, mối đe dọa ngắn hạn đối với tăng trưởng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ. Việc đóng cửa nhà máy thuộc các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ phá vỡ chuỗi sản xuất trong nước hiện đang phụ thuộc vào nhập khẩu qua trung gian.
Đối với Malaysia, nhà kinh tế Vincent Loo Yeong Hong của KAF Research dự báo, tốc độ tăng trưởng năm 2020 sẽ giảm 0,5% so với mức 4,3% đạt được trong năm 2019.
Hầu hết các dự đoán trên đều tuân theo giả định rằng, sự lây lan của dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát trên toàn thế giới trong nửa đầu năm nay.
"Tuy nhiên, nếu sự bùng phát của đại dịch Covid-19 kéo dài trong suốt cả năm 2020 thì khả năng phục hồi kinh tế của khu vực châu Á sau đại dịch sẽ ở dạng hình chữ U (tức là nền kinh tế trải qua sự suy thoái dần dần và sau đó tăng dần trở lại mức đỉnh trước đó) hoặc thậm chí là hình chữ L (trường hợp xấu nhất, mô tả một cuộc suy thoái giảm nhanh chóng nhưng không thể phục hồi hoặc thời gian phục hồi kéo dài và trì trệ)", nhà kinh tế Amonthep Chawla của ngân hàng CIMB Thái Lan dự báo.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế cũng cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ gia tăng trên toàn khu vực. Nhà kinh tế Umar Juoro của Trung tâm Habibie ở Indonesia cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, cùng với những thiệt hại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tạo ra các vấn đề xã hội.
Con chuyên gia Randolph Tan thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore thì dự đoán, ảnh hưởng của cú sốc dịch Covid-19 sẽ gây ra một gợn sóng liên tục ở Singapore, vượt ra ngoài sự gián đoạn kinh tế và có thể gây ra mối đe dọa mới đối với kết cấu xã hội.