Các quốc gia phía Đông châu Âu đã xây dựng hàng rào để ngăn dòng người di cư tràn vào. Tuy vậy, giờ đây chính các nước này cũng nhận ra rằng nền kinh tế của họ phụ thuộc vào nguồn lao động nước ngoài. (Nguồn: AP) |
"Ba năm trước tôi sẽ không thể nào hình dung được có một ngày bản thân sẽ ở Warsaw ngồi uống bia Ba Lan", chia sẻ từ anh Shourya Singh, một nhân viên quản trị rủi ro đến từ Varanasi miền Đông Bắc Ấn Độ. Anh hiện đang làm việc cho Ernst & Young (EY), một công ty cung cấp các dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp tại thủ đô Ba Lan.
Shourya tiết lộ rằng, anh từng được một công ty nhân sự quốc tế tuyển dụng thông qua LinkedIn và làm việc theo hợp đồng tại ngân hàng Hà Lan ING, trước khi anh gia nhập EY.
Câu chuyện của Shourya không phải là hiếm gặp.
Shourya Singh nói rằng anh làm quen với nhiều bạn Ấn Độ ở Ba Lan hơn là ở chính quê nhà. (Nguồn: Privat) |
Abraham Ingo, khoảng 20 tuổi đến từ Namibia, hiện đang làm chuyên viên phát triển mô hình quản lý rủi ro tín dụng cho một ngân hàng lớn ở Warsaw. Abraham chia sẻ, việc đến Ba Lan đã mở ra cho anh một thế giới mới.
Abraham cho biết: "Những trải nghiệm của tôi khi làm việc tại đây thực sự rất tuyệt vời. Công ty của tôi có văn hoá làm việc rất tốt, nguồn nhân lực đa dạng và quản lý hiệu quả. Cuộc sống ở Ba Lan giúp tôi phát triển và tạo nền tảng để tôi có thể cống hiến cho quê nhà Namibia lâu dài".
Trung Âu và Đông Âu đổi mình
Ba Lan cùng những quốc gia Trung và Đông Âu (CEE) đã có những thay đổi ngoạn mục. Trong vòng 19 năm kể từ khi gia nhập EU, nhiều quốc gia phát triển với tốc độ chóng mặt, từ vị thế thị trường đang phát triển sang thị trường phát triển.
Điều này dĩ nhiên mang đến cho nền kinh tế châu Âu sự đầu tư nghiêm túc, nhưng đồng thời cũng tạo ra một số thách thức như dân số già, thiếu hụt lao động, tiền lương tăng nhanh và nhu cầu lao động nhập cư cũng tăng lên.
Trong đó, công nghiệp, y tế, giao thông vận tải và công nghệ thông tin là những ngành kinh tế bị thiếu hụt lao động trầm trọng nhất.
Vấn đề nhân khẩu nói lên nhiều điều
Sự thiếu hụt lao động ở châu Âu là hệ quả của những thay đổi về nhân khẩu, chủ yếu là từ già hoá dân số và di cư, đi cùng với tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy.
Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều gặp phải hiện tượng suy giảm dân số trong vòng 15 năm trở lại đây. Theo dữ liệu từ Dịch vụ Việc làm châu Âu (EURES) - một mạng lưới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lao động di chuyển tự do ở EU, các quốc gia CEE cũng trải qua hiện tượng này từ năm 2010 đến năm 2021.
Các doanh nghiệp phương Tây ở Đông Âu ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thợ lành nghề. |
Di cư và tỷ lệ sinh thấp được dự đoán sẽ khiến dân số trong độ tuổi lao động (20-64 tuổi) ở các nước CEE giảm khoảng 30% vào năm 2050.
Tỷ lệ phụ thuộc - tỷ lệ giữa số người không ở độ tuổi lao động và số người trong độ tuổi lao động - cũng đã tăng lên trong vòng 1 thập kỷ qua. Theo văn phòng an sinh xã hội ZUS của Ba Lan, để tỷ lệ phụ thuộc giảm, số lượng người nước ngoài trong độ tuổi lao động sẽ phải tăng hàng năm từ 200.000 đến 400.000 người, tính riêng chỉ ở Ba Lan.
Chuyển đổi kinh tế xanh định hình lại thị trường lao động
Ngoài các vấn đề nhân khẩu, "bối cảnh các nền kinh tế đang trải chuyển đổi xanh và chuyển đổi số cũng nên được đưa vào xem xét", theo chia sẻ từ ông Nadia Kurtieva, chuyên gia tại Liên đoàn Lewiatan của Ba Lan.
Ông Kurtieva bổ sung: "Hai xu hướng song song này đều tái định hình thị trường lao động bằng cách tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới, từ đó ảnh hưởng đến những kĩ năng và chuyên môn mà các tổ chức yêu cầu, tuy nhiên sẽ có thiếu hụt đáng kể nguồn nhân lực có đủ kĩ năng đáp ứng nhu cầu".
Một số quốc gia CEE cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng tại thị trường nội địa do tình trạng di cư của một số ngành nghề vốn đã thiếu hụt.
Theo Ngân hàng Thế giới, Slovenia có lượng di cư thuần cao nhất trong các quốc gia CEE, đạt 4.568 người vào năm 2021. Di cư thuần là một tỷ lệ hàng năm tính cả nhập cư và di cư. Romania có mức thấp nhất với 12.724 người.
Tình hình đã thay đổi sau xung đột Nga-Ukraine, điều này đã gây ra những hậu quả đáng kể đối với nguồn cung lao động trong khu vực. Hiện tại, Ba Lan có số lượng người tị nạn từ Ukraine cao nhất, ước tính khoảng 1 triệu người.
Làn sóng lao động nước ngoài
Năm 2021, chính phủ Romania đã thông qua chính sách tăng số lượng thị thực có thể cấp cho người lao động nước ngoài cho năm 2022 lên 100.000. Người nước ngoài chỉ chiếm 1,1% số người lao động ở nước này.
Chính phủ Romania năm nay cho biết họ sẵn sàng tiếp nhận 100.000 công nhân ngoài EU. Sau Bulgaria, Romania đã mở cửa cho những công nhân lành nghề của Bangladesh, với các công việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Có hơn 4,7 triệu người đang làm việc tại Hungary và theo Cục Thống kê Trung ương Hungary (KSH), trong đó có 85.000 người là người nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Marton Nagy, thị trường lao động trong nước sẽ sớm cần thêm 500.000 lao động. Hungary đã mở rộng danh sách các quốc gia ngoài EU được quyền tuyển dụng lao động, mặc dù sẽ thắt chặt các điều khoản mà họ có thể ở lại định cư. Chính phủ cho biết, hiện tại có ít nhất 3.000 vị trí làm việc đang chờ sẵn cho những người lao động có tay nghề cao của Philippines ở Hungary.
Điều này cũng diễn ra tương tự ở Ba Lan. Chia sẻ với tờ The Freeman của Philippines, ông Tomasz Danel, làm công tác lãnh sự tại Đại sứ quán Ba Lan ở Manila cho biết, Ba Lan hiện đang thiếu công nhân xây dựng, thợ hàn, tài xế và nhiều ngành nghề kỹ năng thấp khác. “Ba Lan ngày càng trở nên nổi tiếng đối với người Philippines như một điểm đến để làm việc và con số này đang tăng lên hàng năm”. Danel nói.
Theo nghiên cứu do Viện Kinh tế Ba Lan và BGK (một ngân hàng phát triển của Ba Lan) thực hiện, cứ bốn trên mười công ty ở Ba Lan đều sử dụng người nước ngoài không phải là công dân EU.
Lao động di cư ở Đông Âu và câu chuyện ai cần ai hơn. |
Một ví dụ thực tế phản ánh hiện tượng trên là sự xuất hiện của những thị trấn “container”, một dự án cung cấp nhà ở cho các lao động nước ngoài, chủ yếu đến từ châu Á, tại một cơ sở hóa dầu lớn đang được công ty năng lượng Orlen gần tỉnh Plock miền Trung Ba Lan xây dựng. Dự kiến có khoảng 6.000 công nhân ngoại quốc đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Hàn Quốc sinh sống và làm việc ở đây. Các hoạt động vui chơi giải trí cũng được đưa vào dự án, trong đó bao gồm việc xây dựng một sân cricket.
Theo dữ liệu chính thức của chính phủ Cộng hoà Czech, tính đến tháng 12/2022, ước tính đã có gần 1 triệu lao động nước ngoài làm việc tại đây, chiếm 15% lực lượng lao động trưởng thành. Chưa đến một nửa trong số đó đến từ các nước châu Âu khác.
Ông Jan Rafaj, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Czech cho biết, các công ty ở Czech mất từ 30.000 đến 50.000 công nhân mỗi năm do đến tuổi nghỉ hưu. “Thị trường lao động trong nước sẽ không thể giải quyết được vấn đề này nếu không có người nước ngoài”, ông Jan Rafaj nói.
Hội nhập vẫn còn là một vấn đề ở hầu hết các nước Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, điều đó không làm phiền Shouya. “Tôi không thấy có nhiều khó khăn trong nghề nghiệp, ngoại trừ ngôn ngữ. Nhưng tất nhiên, Google Dịch sẽ giúp ích".