Ông Bảo sinh năm 1947 trong một gia đình có truyền thống Nho giáo và chuyên nghề bốc thuốc cứu người, tại làng Chọi (thành phố Bắc Ninh).
Ông nổi tiếng bởi hơn 20 năm qua đã dày công sưu tầm các bản Kiều cổ. Vốn là thầy giáo dạy toán nhưng ông Bảo được kế thừa nghề thuốc Đông y gia truyền, do “các cụ để lại” với rất nhiều sách cổ viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Do đó ông phải tự học để dịch những bài thuốc sang chữ quốc ngữ cho đời sau.
Ông kể: “Tôi tự học chữ Hán - Nôm, nhà lại có sẵn cuốn Kiều cổ, vậy là tôi đem ra làm “từ điển”. Đọc nhiều bản Kiều, tôi phát hiện có rất nhiều câu chữ khác nhau. Tôi tò mò và quyết tâm đi tìm nguyên tác Truyện Kiều. Một kiệt tác như Truyện Kiều của Nguyễn Du, đời sau không thể làm tam sao thất bản được”.
Ông Nguyễn Khắc Bảo đang giới thiệu một số bản Kiều cổ trong bộ sưu tập của mình. |
Ông lý giải: Cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều bản chính thống đến tầm “tuyệt tác” nhưng khi các dịch giả tiếp cận thì từng câu, từng chữ của cụ được họ luận và dịch theo một nghĩa khác. Để giải tỏa mối băn khoăn của mình, ông Bảo quyết tâm sưu tầm thật nhiều bản Kiều, sau đó tìm điểm chung và đúng nhất, hay nhất giữa các bản Kiều nôm để “trả lại nguyên bản từng chữ cho cụ Nguyễn Du”.
Ông Bảo đi khắp nơi, từ Nam ra Bắc, nghe đồn ở đâu có bản Kiều cổ là ông tìm đến hỏi mua hoặc xin sao chép lại. Nhiều cuốn cổ quý, ông phải bỏ rất nhiều tiền để mua, hoặc đánh đổi, có cuốn phải nhờ bạn bè photo lại từ các thư viện ở Pháp, Mỹ, Canada.
Hiện nay, ông đang giữ kỷ lục sưu tầm được nhiều bản Kiều cổ nhất Việt Nam: 60 bản Kiều cổ chữ Nôm (bao gồm 54 bản khắc gỗ và 6 trang chép tay) trong khi các thư viện cả nước (như thư viện Quốc gia, thư viện Hà Nội, thư viện Hán Nôm...) cũng chỉ có tất cả 18 cuốn. Đặc biệt, có 25 “độc bản” mà ông Bảo là người duy nhất có, một trong số những bản Kiều cổ nhất là bản của nhà xuất bản Liễu Văn Đường in năm 1866.
Ông Bảo đã phát hiện bản dịch Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh xuất bản năm 1979 có nhiều từ sai so với bản Kiều cổ. Thế là ông viết bài, phản biện, sửa lại 918 từ trong 701 câu trong Truyện Kiều của Đào Duy Anh, với đầy đủ lý lẽ chắc chắn, được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ thừa nhận.
Dựa trên 60 bản Kiều cổ có trong tay, ông Bảo đã phục nguyên được 918 từ trong tổng số 3254 câu trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Việc phục nguyên này đã được đông đảo các nhà nghiên cứu, các tạp chí chuyên ngành thừa nhận là “có lý có tình”.
Lấy ví dụ, câu 1951 với nhiều bản dịch là “Quản chi lên thác xuống ghềnh” – sau nhiều lần đối chiếu với hơn 20 bản Kiều cổ, ông đã sửa thành “Quản chi trên các dưới duyềnh” cho đúng với nguyên tác của Nguyễn Du. Ông lý giải: cụ Nguyễn Du viết câu thơ này dựa vào điển tích “Dương Hùng đầu các nhi tử. Khuất Nguyên tự trầm Mịch La” nên phải dùng chữ “duyềnh” mới đúng với điển tích chứ không phải như nhiều bản quốc ngữ dịch là “ghềnh” – theo ông, dịch như vậy nghe thì hay nhưng chưa đúng với ý của tác giả. Ông giải thích: Dương Hùng là một nhà Nho đời Hán, do xấu hổ vì sự phản bội của mình nên đâm đầu từ trên gác xuống tự tử (đầu các nhi tử), còn vị quan thanh liêm Khuất Nguyên do chịu oan khuất mà phải gieo mình xuống sông Mịch La chết (tự trầm Mịch La). Ở đây, Thúc Sinh ngụ ý nói với Kiều là mình không quản ngại “nhảy lầu” hay “trầm mình”, song vì chưa có con nối dõi (tông đường chút chửa cam lòng, cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai) nên chưa thể chết.
Ý kiến của ông đã được nhiều dịch giả và công chúng công nhận sau khi đăng trên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống năm 1998. Năm 2011, ông được bầu là Phó Chủ tịch Hội Khoa học nghiên cứu Truyện Kiều Việt Nam và chính thức trở thành nhà Kiều học. Đến nay, ông đã xuất bản được 5 đầu sách viết về Truyện Kiều và hàng trăm bài báo phân tích chuyện “chữ nghĩa” của tác phẩm, cũng như các bài viết về phương pháp chữa bệnh bằng cây thuốc dân gian.
“Với tôi việc sưu tầm Truyện Kiều và sửa lại cho đúng với nguyên bản không phải để nổi tiếng. Tôi đến với Truyện Kiều cũng bởi một chữ “duyên”, mà đã có duyên thì tự nhiên lại có “phận”. Cả đời tôi đến nay cũng chỉ theo đuổi vì chữ “duyên” này chứ không đòi hỏi danh phận hay thứ gì khác”, ông tâm sự.