Các đại biểu tại Lễ công bố ấn phẩm 'Môi trường kinh doanh tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023'. (Ảnh: Việt Nguyễn) |
Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao hợp tác với Deloitte xuất bản ấn phẩm về kinh tế.
Ấn phẩm "Môi trường kinh doanh tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023: Tăng tốc để bứt phá" gồm 5 nội dung chính: Tổng quan nền kinh tế Việt Nam; Các loại hình đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; Quy định về kế toán - kiểm toán; Quy định về thuế & hải quan và Kiểm soát ngoại hối, cung cấp bức tranh toàn diện về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cùng đại diện các công ty thành viên, doanh nghiệp đối tác của Deloitte.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế đánh giá, ấn phẩm này được xuất bản rất đúng thời điểm, khi Việt Nam đang cần tranh thủ tận dụng cơ hội từ xu hướng chuyển dịch, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, trong bối cảnh thế giới đang ở giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, Việt Nam quyết tâm thực hiện đa mục tiêu gồm duy trì ổn định, giữ đà tăng trưởng cao trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tạo lập các nền tảng để phát triển bứt tốc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, các nước đều đẩy mạnh củng cố các nền tảng, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Minh Hằng, bám sát các chủ trương, định hướng và nhu cầu của đất nước, ngành Ngoại giao xác định, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm, là một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Ngoại giao kinh tế phải lấy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước làm ưu tiên hàng đầu với phương châm "quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước".
"Với tinh thần đó, công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới sẽ được triển khai quyết liệt, tập trung đẩy mạnh lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội (như Amcham, Eurocham…), các tập đoàn tài chính, tư vấn hàng đầu thế giới như Deloitte…", bà Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh.
Toàn cảnh Lễ công bố ấn phẩm 'Môi trường kinh doanh tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023'. (Ảnh: Việt Nguyễn) |
Cũng tại sự kiện, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đề nghị Deloitte và các hiệp hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong công tác nghiên cứu chính sách, tham mưu cho Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là về những diễn biến, tình hình tài chính, tiền tệ, các sáng kiến liên kết kinh tế (quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của G7, OECD...), tác động tới nền kinh tế Việt Nam và kiến nghị biện pháp ứng phó phù hợp.
Về phía Deloitte, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên nhất trí với các đề xuất của Bộ Ngoại giao, đồng thời chia sẻ, Deloitte đã có hơn ba thập niên đồng hành cùng các doanh nghiệp FDI từ những ngày đầu đất nước mở cửa.
Đại diện lãnh đạo Deloitte khẳng định sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các ban, bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp nhằm cung cấp những thông tin chân thực, kịp thời và toàn diện về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, góp phần tăng cường thu hút đầu tư FDI, phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi lễ, hai bên nhất trí thông qua các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các hiệp hội doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp cũng như kết nối các nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác Việt Nam, góp phần mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư chất lượng cao.