Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao quyết định của TTCP công nhận Thành phố Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. |
Dự buổi lễ, đại biểu Trung ương có đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương.
Đại biểu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở ban, ngành của tỉnh; thường trực các huyện, thành ủy.
Trong những năm qua, thành phố Ninh Bình đã tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Qua đó, chất lượng cuộc sống của người dân thành phố từng bước được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua đạt 14,1%/năm. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố năm 2021 đạt trên 46 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 1.051,6 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (công nghiệp - xây dựng chiếm 67,38%; thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 32,2%, nông nghiệp chỉ chiếm 0,42%). Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ gắn với việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; đã huy động, nhận được sự vào cuộc, đồng lòng quyết tâm của các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” - kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, đồng thời phát động thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua với các tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực gắn với nhiệm vụ trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, tại Lễ công bố Quyết định của TTCP công nhận Thành phố Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. |
Đến nay, 03 xã Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Phúc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; riêng xã Ninh Phúc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tất cả các tiêu chí đều đạt và vượt so với quy định, trong đó nhiều tiêu chí được xây dựng theo tiêu chí trở thành phường. Thành phố Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Hiện nay, 100% các tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn và đường ngõ, xóm được nhựa hoá, bê tông hoá; các công trình thuỷ lợi được kiên cố đảm bảo tưới tiêu hợp lý cho các vùng sản xuất nông nghiệp. 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ điện lưới quốc gia, 100% các tuyến đường trên địa bàn 03 xã được lắp đặt điện chiếu sáng. 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trong đó có 56% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Các xã đã có nhà văn hóa đa năng đạt chuẩn theo quy định, 30/30 thôn có Nhà Văn hóa gắn với sân thể thao cộng đồng. Trên địa bàn 03 xã hiện nay có 03 chợ được xây dựng theo quy hoạch và đạt chuẩn; nhân dân 3 xã đã đóng góp trên 316 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch. Nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho Nhân dân như mô hình sản xuất hoa chất lượng cao ở xã Ninh Phúc; mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá ở xã Ninh Nhất, Ninh Tiến; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch ở xã Ninh Tiến… Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao; năm 2021: thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 65 triệu đồng, tăng 23 triệu đồng so với năm 2017, riêng khu vực nông thôn đạt 56 triệu đồng, tăng 21 triệu đồng so với năm 2017. Hoạt động văn hóa, thông tin, văn nghệ - thể dục thể thao được thường xuyên phát động với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Đến nay, 11/11 phường đạt chuẩn đô thị văn minh; 03/03 xã được công nhận “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, 26/30 thôn được công nhận thôn văn hóa. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực. Các cơ sở y tế hoạt động theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế trên địa bàn 03 xã đạt gần 94%. Công tác vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, không có điểm gây ô nhiễm môi trường. 100% số hộ dân trên địa bàn 03 xã được sử dụng nước sạch. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và tăng cường; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hàng năm thành phố luôn hoàn thành xuất sắc công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, chính sách hậu phương quân đội được quan tâm. Lực lượng công an luôn bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh tại cơ sở, không để xảy ra các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự; 02 xã Ninh Nhất, Ninh Phúc được Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra khỏi diện xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Ninh Bình đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh để giữ vững tiêu chí đã đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế, phấn đấu đạt những thành quả cao hơn, đồng chí đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Ninh Bình cần tiếp tục tập trung thực hiện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XXI về phát triển thành phố Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thành phố phải xây dựng định hướng, kế hoạch phát triển trong cả ngắn hạn và có tầm chiến lược dài hạn; phát triển Thành phố trở thành đô thị "văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, thực sự là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh hiện nay tỉnh đang triển khai lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời đang tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg, ngày 28/7/2014. Thành phố Ninh Bình cần chủ động rà soát, làm rõ được thực trạng, tổ chức nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, làm cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, triển khai thực hiện xây dựng hạ tầng, cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của thành phố. Phát huy mạnh mẽ giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá và con người thành phố Ninh Bình; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 03 xã của thành phố phát triển thành phường, phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa. Tập trung xây dựng hạ tầng kết nối, chỉnh trang các đô thị hiện hữu, các công trình có tính chất lan toả, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các ngành, nghề, dịch vụ; tăng cường thu hút các dự án xây dựng khu đô thị đồng bộ, hiện đại; các khu thương mại, dịch vụ tổng hợp cao cấp, tạo điểm nhấn và góp phần tăng nguồn thu ngân sách để cân đối, tái đầu tư phát triển thành phố. Tăng cường quản lý đô thị và xây dựng; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai, nhân lực và các nguồn lực khác; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Cần đi đầu và tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng đô thị thông minh. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Xây dựng thành phố Ninh Bình đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, xứng đáng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh.
| Thành phố Ninh Bình, điểm đến ấn tượng Thành phố Ninh Bình là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh Ninh Bình. |
| Khai mạc Tuần du lịch Ninh Bình ‘Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An’ năm 2022 Tuần du lịch Ninh Bình năm 2022, chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" diễn ra từ ngày 21-28/5 với nhiều hoạt động ... |