Nhóm du khách Uruguay được giới thiệu về lễ hội Bánh mì tại Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Nữ du khách Agustina Morel (áo trắng) cảm thấy "thật may mắn" vì lễ hội diễn ra vào đúng ngày cuối cô ở đây, trước khi lên đường du lịch Campuchia. Chiều ngày khai mạc, Agustina cùng bạn bè tìm đến địa điểm, xếp hàng mua bánh mì. "Tôi từng ăn bánh mì Việt Nam hai lần và rất thích món này. Thế nên khi nghe về lễ hội, tôi nhất định tham gia. Người bán hàng kia cũng nói ở đây có nhiều tiệm bánh mì nổi tiếng", Agustina nói thêm. (Ảnh: Vi Yến)
Nhóm của Agustina chờ khoảng 15 phút mới có bánh mì. Bạn cô, Florencia Barrios (thứ 2 từ phải sang), cho biết vẫn chưa ăn trưa. "Tôi để dành bụng ăn bánh mì nên rất mong chờ. Chúng trông có vẻ hấp dẫn", Florencia nói. Lần đầu thưởng thức bánh mì, nữ du khách liền phải lòng món ăn. "Bánh giòn, thơm, ăn với đủ thứ bên trong mà tôi không biết chính xác là gì. Tuy nhiên, cảm giác rất khác những món bánh sandwich mà tôi từng ăn. Tôi thích món này", cô nhận xét. (Ảnh: Vi Yến)
Một trong những quầy bánh mì thu hút thực khách ở lễ hội. Người bán không bày tủ kính như các quầy khác mà sử dụng một chiếc mẹt, trải lá chuối rồi đổ đủ loại nhân như: thịt nguội, chả lụa, dưa leo... lên trên. Nhân bánh mì cắt lát lớn, nhét đầy ắp một ổ. Một thực khách cho biết chọn mua bánh mì tại đây vì nhìn giống các gánh bánh mì hàng rong, khá thú vị. (Ảnh: Vi Yến)
Gian hàng của bánh mì Nguyên Sinh, một trong những tiệm bánh mì lâu đời nhất Hà Nội, đến nay đã hơn 80 năm tuổi, khá hút khách. Quầy có 2 người đứng xẻ bánh mì, một người cho nhân bánh vào, một người đóng gói. Người thu tiền thì luôn miệng nhắc thực khách xếp hàng do quá đông. Tại đây, một ổ bánh mì thịt có giá 25.000 đồng, bên trong nhiều bơ, patê, thịt nguội, chả, giò thủ ăn kèm rau thơm. (Ảnh: Vi Yến)
Bánh mì đựng trong giỏ mây, lót lớp bao bố nhằm giữ độ nóng, giòn lâu theo đúng kiểu các tiệm bánh mì thời xưa. (Ảnh: Vi Yến)
Trước gian hàng của bánh mì Bảy Hổ - cái tên quen thuộc với nhiều người Sài Gòn bao lâu nay - luôn đông khách. Đây là kiểu bánh mì điển hình của Sài Gòn với ruột mỏng, vỏ giòn rụm, 90 năm vẫn một hương vị. Pate mềm mịn, ngầy ngậy và lớp bơ béo nhà làm là điểm nhấn của món ăn. Chị Linh (quận 2) là "fan ruột" của tiệm nhiều năm nay, ghé mua một ổ đầy đủ lót dạ khi đến lễ hội. "Hôm nay chắc khỏi ăn tối vì một ổ này đã no rồi", chị nói. (Ảnh: Vi Yến)
Phía gần cổng ra vào, nhiều người tranh thủ chụp ảnh tại khu vực trang trí những ổ bánh mì xinh xắn. (Ảnh: Vi Yến)
Lễ hội thu hút nhiều bạn trẻ, người lớn lẫn các gia đình đưa con nhỏ đến tham quan, thưởng thức bánh mì. "Là tín đồ bánh mì, có thể ăn mỗi sáng nên khi nghe tin có lễ hội, tôi liền rủ bạn đến chơi, ăn thử mấy loại bánh mì mới", anh Toàn (quận Tân Bình) cho biết. Song anh nói đến đây chụp ảnh là chính, không ăn được nhiều loại vì mỗi người chỉ ăn một ổ là đã no. (Ảnh: Vi Yến)
Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ nhất do Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà văn hoá Thanh Niên, quận 1 từ 30/3-2/4. Khoảng 120 gian hàng của các đơn vị nhà hàng; tiệm bánh mì; nhà cung cấp dụng cụ, nguyên liệu làm bánh mì trên cả nước tham gia. Khách tham quan được trải nghiệm nhiều hoạt động như: công diễn, giới thiệu 105 món ăn kèm bánh mì, thưởng thức bánh mì tại lò, xem thợ làm bánh mì... (Ảnh: Vi Yến)
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai bên đã nâng cấp quan hệ Việt Nam-Malaysia lên Đối tác chiến lược toàn diện.