Nhỏ Bình thường Lớn

Lễ tân ngoại giao Anh: Rắc rối mà thú vị

Có nhiều thời gian học tập và công tác tại các quốc gia Nam Mỹ nhưng duyên nợ với nước Anh lại khiến Đại sứ Trần Quang Hoan gắn bó với xứ sở sương mù nhiều hơn khi kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng của nghiệp ngoại giao trên đất nước này.
Taxi quảng bá hình ảnh Việt Nam ở London.

Năm 2008, sau chuyến thăm chính thức nước Anh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quan hệ Việt Nam - Anh nâng lên tầm cao mới với thỏa thuận Quan hệ Đối tác vì sự phát triển. Cùng thời điểm đó, Đại sứ Trần Quang Hoan bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ tại xứ sở này với nhiều kỷ niệm sâu sắc, đặc biệt là sự cầu kì trong lễ tân ngoại giao của nước bạn.

Nước Anh đã hết sương mù

Nhắc đến từ "xứ sở sương mù", ông bật cười: "Nhiều người hiện nay vẫn gọi nước Anh là xứ sở sương mù và nghĩ rằng đó là hiện tượng khí hậu đặc trưng của nước này. Nhưng trong suốt những năm làm việc ở Anh, tôi chỉ một vài lần ít ỏi nhìn thấy sương mù ở London và cũng chẳng thấy người Anh nào nhắc đến cụm từ này".

Giải thích về điều này, ông cho biết: "Khái niệm đó đã từng có trong thời kỳ cách mạng công nghiệp khi môi trường ở Anh bị ảnh hưởng bởi khói bụi của hàng nghìn nhà máy phun lên. Còn ngày nay, các nhà máy đó đã được đưa ra khỏi nước Anh để nhường chỗ cho một nền kinh tế chủ yếu dựa vào hoạt động dịch vụ, tài chính".

Với vị Đại sứ từng có kinh nghiệm hoạt động ngoại giao dạn dày tại các nước khu vực Nam Mỹ này thì thời gian làm việc ở một nước châu Âu có lịch sử phát triển năng động cũng không kém phần thú vị. Đặc biệt là khi ông bắt đầu nhiệm kỳ ở Anh với thỏa thuận Quan hệ Đối tác vì sự phát triển giữa hai nước và kết thúc nhiệm kỳ khi hai bên ký thỏa thuận về Quan hệ Đối tác chiến lược. Và với vị trí quan trọng của Anh đối với các nước trên thế giới thì không chỉ Đại sứ Việt Nam mà hầu hết Đại sứ các nước tại đây cũng chẳng có nhiều thời gian để thưởng thức các thắng cảnh, công trình kiến trúc cổ nổi tiếng và những vùng nông thôn xinh đẹp…

Bận rộn với chương trình trao đổi các đoàn cấp cao dày đặc giữa hai bên, triển khai các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế, đi địa phương, vận động tài trợ để quảng bá hình ảnh Việt Nam hay tổ chức hội thảo giới thiệu về Việt Nam, mãi đến khi trở thành "cựu Đại sứ", ông Hoan mới có thời gian quay lại nước Anh như một khách du lịch, để thăm những nơi muốn đến mà trước đây chưa đến được.

Ngoại giao “áo đuôi tôm”

Với bất kỳ vị Đại sứ nào, lễ tân ngoại giao của nước sở tại, đặc biệt là ở địa bàn lạ lẫm cũng là một thách thức. Với ông Hoan, việc tìm hiểu và tuân thủ những rắc rối trong lễ tân ngoại giao của nước Anh vừa khiến ông đau đầu, lại vừa đem lại những xúc cảm thú vị.

Ông cho biết: Ở Anh, người ta không phân biệt lễ tân ngoại giao chính thức hay không chính thức mà phân cấp như cấp Nhà nước, cấp Chính phủ… Trong đó, nghi thức lễ tân quan trọng nhất là cuộc hội đàm giữa hai người cao nhất của hai phía, còn các thủ tục khác như đoàn motor hộ tống hay tiệc chiêu đãi thì tùy từng trường hợp. Nếu đường đông thì sẽ có motor dẹp đường, mà đường thoáng thì thôi, tiệc chiêu đãi thường được tổ chức khi đoàn khách chào Thủ tướng trước khi về…

"Ở Anh, rắc rối nhất chính là các thủ tục lễ tân Hoàng gia. Khi Đại sứ các nước đến trình quốc thư, họ quy định có thể mặc đồ dân tộc của nước đó, còn nếu không thì phải mặc áo đuôi tôm của họ. Bản thân tôi trước khi đi cũng đặt nhà thiết kế Minh Hạnh may một bộ áo the, khăn xếp theo mẫu mà các nhà lãnh đạo APEC đã mặc nhân Hội nghị cấp cao được tổ chức tại Việt Nam năm 2006. Vì thế, khi tôi đến trình quốc thư, tất cả mọi người đều rất thích thú khi thấy chiếc xe ngựa túc tắc chở sứ giả Việt Nam xúng xính áo quần vào Hoàng cung. Thú thực là lần đầu tiên mặc bộ đó, tôi mất nửa tiếng để đi lại cho đúng kiểu", ông Hoan nhớ lại.

Có vào cung điện mới biết, không chỉ Đại sứ và đoàn tùy tùng phải tìm hiểu kỹ các nghi thức lễ tân của quốc gia sở tại mà các phu quân hay phu nhân cũng phải biết mình được đứng ở vị trí nào, chân đứng ra sao, khi lui ra thì lui thế nào...

Sau thời gian công tác tại Anh, ông Trần Quang Hoan dần hiểu hơn về sự cầu kì trong việc lựa chọn trang phục cho từng sự kiện của người Anh.

Kỷ niệm đáng nhớ của ông là lần tới dự một hoạt động của khu tài chính London mà chưa kịp tìm hiểu xem trang phục cho sự kiện này thế nào. Đến nơi, ông đứng chờ xem những khách mời khác mặc thế nào. Một xe, hai xe rồi ba, bốn xe dừng lại, những người bước xuống đều mặc cùng một kiểu và tệ nhất là chẳng có ai giống mình. Thế là, ông quyết định ra về vì không muốn xuất hiện trong trang phục lạc lõng.

Sau lần đó, mỗi khi nhận giấy mời, Đại sứ đều xem kỹ đó là sự kiện gì, có ghi rõ yêu cầu về trang phục không, nếu không ghi rõ thì phải tìm hiểu xem trong những sự kiện như thế thì họ ăn mặc thế nào... Riêng "hạng mục" áo đuôi tôm đã có đủ loại: đuôi tôm mặc ban ngày, đuôi tôm ban đêm, đuôi tôm mặc đi xem đua ngựa...

Ông Hoan kể lại: "Đi xem một buổi đua ngựa Hoàng gia thì thấy mình như lạc vào thời Phục hưng vì phụ nữ thì mặc váy và đội mũ có lông công, nam giới thì mặc áo đuôi tôm có sọc… Tôi nghĩ đó là cách quảng bá rất tốt vì buổi đua ngựa còn bán vé để người dân và du khách được tận mắt chứng kiến khung cảnh Hoàng gia xưa".

Lễ tân ngoại giao Anh rắc rối là thế, nhưng Đại sứ Trần Quang Hoan thừa nhận, đó thực sự trở thành một bản sắc của ngoại giao Anh, gây ấn tượng đối với bất kỳ sứ giả ngoại quốc nào khi đặt chân tới xứ sở này.

Kim Khánh (ghi)