📞
75 NĂM NGOẠI GIAO VIỆT NAM

Lễ tuyên ngôn độc lập của Việt Nam trong mắt những người bạn Mỹ

PGS.TS. Trần Minh Trưởng 20:00 | 19/09/2020
TGVN. Cách đây tròn 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong buổi lễ trọng đại này, có sự chứng kiến của những người Mỹ, họ là những người bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - những người đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng cây cầu hữu nghị Việt - Mỹ.

Nhìn lại sự kiện lịch sử này, để rút ra bài học kinh nghiệm, tránh bỏ lỡ những cơ hội trong hiện tại và tương lai, để thúc đẩy quan hệ giữa hai dân tộc xích lại gần nhau hơn, tạo tiền đề cho sự phát triển vì lợi ích chung của hai nước.

Bắt đầu từ những sự kiện xảy ra vào khoảng cuối năm 1943, khi Thế chiến II còn đang trong thời kỳ ác liệt, Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt chủ trương để cho châu Âu được phục hồi các thuộc địa của họ ở châu Á sau chiến tranh. Nhưng đồng thời, Mỹ chủ trương "phải thúc giục các nước thực dân trao trả độc lập cho tất cả các dân tộc bị áp bức ngay sau khi họ sẵn sàng".

Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt năm 1944. (Ảnh tư liệu)

Riêng đối với Đông Dương, Tổng thống F. Roosevelt lại cho là một trường hợp đặc biệt, ngoại lệ, phải áp dụng chế độ thác quản của Liên hợp quốc. Kế hoạch này Tổng thống F. Roosevelt đã đưa ra tại các hội nghị cấp cao Đồng minh ở Tehran và Yalta.

Đặc biệt, trong bức giác thư ngày 24/1/1944 gửi Bộ trưởng Ngoại giao Anh Anthony Eden, Tổng thống Roosevelt nói rằng: "Đông Dương không trao trả lại cho Pháp mà phải được đặt dưới sự ủy thác quốc tế".

Sau khi phát xít Nhật tiến hành cuộc đảo chính Pháp ở Việt Nam (9/3/1945), Tướng Claire L. Chennault, Tư lệnh Không đoàn số 14 của Mỹ ở Hoa Nam (Trung Quốc) nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng Mỹ (ngày 20/3/1945) là không được tiếp tế vũ khí, quân trang, quân dụng cho người Pháp đang chạy trốn.

Bốn năm sau, khi nói về sự việc này, Tướng Chennault viết: "Chính phủ Mỹ quan tâm tới việc thấy người Pháp, buộc phải rời khỏi Đông Dương để cho sau chiến tranh vấn đề tách thuộc địa của họ ra sẽ dễ dàng hơn".

Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, trong đó nổi lên là hai quốc gia có nhiều thuộc địa ở châu Á (Anh và Pháp) lại không đồng quan điểm với Mỹ. Chủ trương của Thủ tướng Anh Winston Leonard Spencer Churchill là quyết tâm duy trì các thuộc địa phương Đông của các nước thực dân châu Âu, còn Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đòi chiếm lại Đông Dương sau chiến tranh.

Trước thái độ của hai đồng minh thân cận là Anh và Pháp, Tổng thống F. Roosevelt đã do dự, không có một thái độ dứt khoát và rõ ràng. Lý do chính khiến cho Roosevelt có thái độ như vậy, vì nước Pháp sau khi được giải phóng đã có một vai trò và vị trí ngày càng quan trọng trên trường chính trị quốc tế, nhất là nền chính trị châu Âu, đây là điều khiến Tổng thống Roosevelt phải cân nhắc, tính toán (1). Nhưng người ta biết rằng cho đến lúc chết (ngày 12/4/1945), ông vẫn không có được một quyết định dứt khoát và công khai nào về vấn đề này (2).

Hồ Chí Minh đã thấy rõ được thái độ không dứt khoát của Chính phủ Mỹ đối với Việt Minh. Nhưng Người không cố đòi hỏi điều mà họ không muốn làm. Tháng 4/1945, Thiếu tá Archimedes Patti chỉ huy nhóm sĩ quan OSS (3) đến gặp Hồ Chí Minh ở Cao Bằng để nhờ Việt Minh giúp đỡ trong việc thực hiện nhiệm vụ giải phóng các tù binh Mỹ (các phi công Mỹ bị Nhật bắt khi oanh kích quân Nhật ở Việt Nam). Khi A.Patti đề cập thái độ của Chính phủ Mỹ về vấn đề Đông Dương, Hồ Chí Minh đã nói với ông ta rằng, "người Mỹ đừng phiền ngại gì, Việt Minh thông cảm hoàn toàn thái độ của Mỹ". Hồ Chí Minh còn nhận định, khi quân Nhật thua, Đồng minh sẽ đồng ý cho Pháp trở lại Việt Nam. Điều này càng trở nên chắc chắn sau khi Harry S.Truman lên thay F. Roosevelt làm Tổng thống thứ 33 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Trong hoàn cảnh như vậy, ngày 19/8/1945, Việt Minh giành được chính quyền ở Hà Nội. Chưa đầy một tuần sau, ngày 22/8/1945, Thiếu tá Mỹ A.Patti dẫn đầu nhóm sĩ quan OSS đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Có thể nói, Thiếu tá A.Patti cùng nhóm người Mỹ là một trong những người ngoại quốc đầu tiên có mặt tại Thủ đô của nước Việt Nam sau ngày Việt Minh nắm chính quyền trong cả nước. Chính họ là một trong số những người nước ngoài hiếm hoi được chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)

Nói về sự kiện này, chỉ huy nhóm OSS - Thiếu tá A.Patti đã viết: “Ngay từ sáng sớm, người Hà Nội đã đổ ra đường như ong vỡ tổ, rồi họp lại thành từng đám đông tiến về phía Quảng trường Ba Đình phố phường chật ních, phải đi vòng vèo, chen lấn khó khăn lắm mới rẽ nổi đám đông để tiến lên... Cho đến quãng xế trưa, nhóm tình báo OSS của chúng tôi đi khắp thành phố chụp ảnh, ghi chép đủ mọi chi tiết về người sự kiện, khẩu hiệu… Một số lớn khẩu hiệu viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, có khẩu hiệu viết bằng tiếng Việt: Nước Việt Nam của người Việt Nam; Chúc mừng các đại diện Đồng Minh; Chúc mừng phái đoàn Mỹ; Đả đảo ách áp bức; Độc lập hay là chết, thà chết, không nô lệ, tẩy trừ óc nô lệ.

Đến 12h trưa, tôi cùng Beroique và Greleki (4) bắt đầu đi về phía Quảng trường Ba Đình tôi không sử dụng giấy được dành chỗ trên lễ đài vì tôi thích đi đi lại lại trong đám đông để quan sát. Chúng tôi tìm được một chỗ rất tốt cạnh các đại biểu Việt Nam ngay trước mắt lễ đài và từ chỗ này, chúng tôi nhìn rõ được khắp quảng trường... tất cả tạo nên một bức tranh ngoạn mục và gây ấn tượng sâu sắc.

1h trưa. Trời nắng chang chang, nhiệt độ lên đến khoảng 350C; thỉnh thoảng một làn gió thổi đến làm dịu mát không khí oi bức và làm tung bay những lá cờ đỏ nhiều vô kể trên quảng trường. Trên lễ đài có một lá cờ đỏ sao vàng rất to trên trên một cột cờ cao.

Bỗng nhiên có hồi còi vang lên lanh lảnh, khẩu lệnh được hô vang. Hàng rào danh dự và mọi người đứng nghiêm trong khi trên lễ đài các nhân vật trong Chính phủ bắt đầu xuất hiện. Và phút sau, các chiến sĩ được lệnh bồng súng chào, đám đông im phăng phắc khi các thành viên Chính phủ đứng vào vị trí của mình. Những nhân vật trên lễ đài đầu mặc âu phục trắng, đeo cà-vát và không đội mũ, trừ một người vóc dáng mảnh khảnh đội mũ và mặc một bộ kaki, đó là Cụ Hồ Chí Minh.

… Trạng thái yên lặng chờ đợi bị chấm dứt bởi giọng nói trên loa truyền thanh giới thiệu Cụ Hồ là một nhà cách mạng "cứu nước và giải phóng dân tộc". Đoàn người dự mít tinh hô vang khẩu hiệu "độc lập" và lặp đi lặp lại nhiều lần có đến năm, mười phút. Cụ Hồ đứng thẳng mỉm cười, vóc người bé nhỏ nhưng to lớn và vĩ đại trong lòng kính mến của dân tộc. Người giơ tay lên và với dáng điệu một người cha, ra hiệu cho mọi người yên lặng, rồi bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn độc lập, mà giờ đây mọi người đều biết bằng những câu sau đây.

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Cụ Hồ bỗng ngừng đọc và nói với quần chúng dự mít tinh: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" Cả rừng người đồng thanh trả lời: "Có".

Diễn giả đã nắm được bí quyết thành công: từ đoạn này trở lại, đám đông lắng nghe từng lời từng chữ của bản Tuyên ngôn. Tôi và các bạn đồng nghiệp của tôi không ai hiểu gì… Tuy thế, nghe giọng nói của Cụ Hồ, bình tĩnh và rõ ràng lại vừa ấm áp và thân thiết, và đồng thời quan sát phản ứng của quần chúng, không một ai trong bọn chúng tôi còn có thể nghi ngờ tài năng tiếp xúc của Người với quần chúng.

Cụ Hồ nói tiếp: Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Sau đó Cụ đề cập bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 và nói tiếp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".

Vào khoảng hơn 2h trưa, Cụ Hồ đọc xong bản Tuyên ngôn và nhường lời cho Tướng Võ Nguyên Giáp khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ… Buổi lễ kết thúc sau khi các Bộ trưởng trong Chính phủ tuyên thệ, hứa đồng lòng đem sức mình ủng hộ Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (5).

Nhóm đặc vụ OSS của Mỹ chụp ảnh cùng Bác Hồ và Tướng Giáp tháng 8/1945. (Ảnh tư liệu)

Sự mô tả của A.Patti về buổi lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, dù là góc nhìn của một người nước ngoài, những vẫn hết sức sống động và hùng tráng. Điều đó chứng tỏ rằng, giá trị, ý nghĩa thời đại của sự kiện Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ là dấu son trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn là ấn tượng khó phai mờ trong ký ức của bạn bè quốc tế.

Nhìn lại sự kiện cách đây tròn 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, có sự chứng kiến của những bạn Mỹ tiến bộ. Họ là những người đặt viên gạch đầu tiên, xây dựng cây cầu hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Mỹ.

Mặc dầu lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau đó đã trải qua những bước thăng trầm, nhưng tư tưởng hòa bình, hữu nghị, cuối cùng đã thắng thế và trở thành hiện hữu. Bởi vì, tư tưởng tôn trọng độc lập, chủ quyền và tự do của các dân tộc mà Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập, được kế thừa và phát triển từ tư tưởng của những nhà sáng lập ra nước Mỹ như Washington, như Thomas Jefferson – những con người yêu tự do và kiên quyết đấu tranh cho nền độc lập dân tộc.

Chính vì vậy, tình hữu nghị chứ không phải là chiến tranh, bom đạn, hay sức mạnh bạo lực, mới là giá trị được tôn vinh trong thế giới của chúng ta. Sự xích lại gần nhau, từ đối đầu chuyển sang đối thoại… trong quan hệ Việt-Mỹ càng chứng tỏ mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển là xu thế vận động khách quan của thời đại ngày nay.

Trên ý nghĩa đó, tình bạn và mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc mà Hồ Chí Minh và những người bạn Mỹ đó đặt nền móng xây dựng cách đây tròn 75 năm, vẫn mãi vững bền, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia xích lại gần nhau, vì hòa bình thế giới và sự phát triển của mỗi dân tộc.

--------------

(1) Theo Quentin Roosevelt, con trai Tổng thống Roosevelt, mới đến giữa tháng 3/1945, Roosevelt vẫn chưa từ bỏ ý kiến về thác quản Đông Dương.

(2) Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt sinh ngày 30/1/1882 mất ngày 12/4/1945, là Tổng thống thứ 32 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ông là Tổng thống Mỹ duy nhất được bầu hơn hai nhiệm kỳ.

(3) Tổ chức OSS (Office of Strategic Services) là cơ quan công tác chiến thuật, thành lập trong Thế chiến II, tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hiện nay.

(4) Những sĩ quan Mỹ thuộc nhóm OSS.

(5) Theo: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,2619.60.html: Dựng nước và giữ nước: A.Patty: "Why Vietnam” (Phần III Chương 26: Ngày lễ Độc lập “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”. Bản dịch của Lê Trọng Nghĩa).