Quang cảnh một buổi lên đồng ở Hà Nội. |
Để an ủi chị, tôi bảo: “Đâu có cấm lên đồng mà chỉ là cấm lên đồng mê tín dị đoan thôi”. Chị cười buồn: “Cấm lên đồng và đốt vàng mã nơi công cộng, thế là cấm lên đồng chứ sao nữa. Lên đồng có gì là mê tín di đoan? Đến cả ông Barley Norton người Anh, ông Ali Sharip người Mỹ... còn mê lên đồng thì cấm là sao! Xem ra cách hiểu của người dân liên quan đến hoạt động này với những quy định mới đây của Chính phủ chưa gặp nhau.
Nghệ thuật “diễn” và “xướng”
Tôi nhớ lại buổi được dự lên đồng cùng bác Loan - một nghệ sỹ hơn nửa đời người cống hiến cho opera, nay nghỉ hưu lại cống hiến phần còn lại cho những bản Thánh ca, những bản Phật ca và Cung văn trong nghi lễ Thánh Mẫu, tại một ngôi chùa ở Quận Cầu Giấy, nơi có thờ Thánh Mẫu.
Bác Loan mê nhất là sư ông ở đây lên đồng. Buổi lễ chính bắt đầu, tiếng Cung Văn tấu mời Thánh nhập, sư Ông trong bộ ông Hoàng Mười oai phong lẫm liệt. Ông múa kiếm bước đi trong tiếng Cung Văn tấu phần công đức của ông Hoàng Mười. Lời trống tiếng hát hòa quyện theo bức chân Ông Hoàng, đồng điệu với đường kiếm điêu luyện trong ánh nến, làn khói nhang huyền ảo. Bên dưới, những người dự hầu, hay còn gọi là các con nhang đệ tử, thành kính nói vọng theo tiếng Cung Văn: “Ông oai phong quá!” Ông ban phước phát lộc cho mọi người. Tiếp đó Cung Văn tấu dồn dập, rồi lắng đọng thảnh thơi. Có tiếng kêu: “ Đồng thăng rồi!”
Khúc tấu Cung Văn lại vào thêm, sư Ông đã thay trang phục mới, trên điện (nơi thờ) người ta lại tiến đồ cúng lễ, tất cả đều đồng màu với sắc trang phục của Thánh. Rồi tiếng nhạc Cung Văn dập dìu, đưa đẩy, cứ thế cứ thế...
Bác tôi giải thích, nếu đầy đủ, tổng cộng một buổi lên đồng có đến 48 giá. Giá hiểu nôm như là những “vai diễn” của các kịch (mỗi lần một vị Thánh nào đó nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng, rồi thăng đồng thì gọi là một giá đồng). Tuy nhiên, hiện tại, trung bình một buổi lên đồng chỉ còn khoảng 16 giá. Sư ông ở đây thường chỉ để nhập 5 giá, còn lại cho các “ghế hầu” (những người có căn) ông đồng, bà đồng được Thánh nhập vào sẽ vào “vai diễn”.
Cái hay và độc đáo ở lên đồng có lẽ là chưa có một loại hình nghệ thuật nào trên thế giới có thể đạt đến mức diễn viên và các khán giả, không tập luyện với nhau giờ nào, mà sự phối hợp hoàn hảo đến thế. Các khán giả đồng điệu, không cần ai nhắc, không cần nhạc trưởng, tất cả mang hết tinh thần mình “diễn xướng” cùng với các “vai diễn” trên đàn (như một sân khấu nhỏ nhưng rất thấp). Trên “diễn” như diễn kịch câm, dưới hòa nhịp “xướng”…
Hai thưng có vào một đấu?
Ngày 12/8/2010, Nghị định 75 ra đời, trong đó một số điểm thuộc Điều 18 quy định mức phạt với những hành động vi phạm các quy định về nếp sống văn hóa, trong đó có hoạt động lên đồng mang tính chất mê tín dị đoan.
Trước khi Nghị định 75 có hiệu lực, nhiều chuyên gia đã có ý kiến phản biện xung quanh vấn đề này. GS.TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Folklore châu Á, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa chia sẻ: “Quả thật, không thể có tín ngưỡng chỉ giữ ở trong tâm, mà niềm tin ấy phải được thể hiện trong những hành động cụ thể. Với những người theo đạo Mẫu, họ có niềm tin vững chắc rằng người chết đi có linh hồn, tin có những người hiển thánh và họ muốn thông quan với các vị thần, thánh đó để cầu xin. Các ông đồng bà đồng chính là những người giúp họ thực hiện được nguyện vọng đó. Các vị thánh sẽ “nhập” vào ông đồng, bà đồng để đáp lại lời mong, cầu tài lộc, sức khỏe... của những người tham dự nghi lễ hầu đồng”.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền còn lưu ý thêm rằng, tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) là tín ngưỡng mang tính bản địa rõ nét, thuần Việt, hoàn toàn không phải du nhập từ bên ngoài như Phật giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo... Những vị thần của tín ngưỡng đa số là nhân thần Việt Nam, “là những anh linh sông núi, người có công giúp dân khai phá đất đai, người có công chống giặc giữ nước từ thời Hùng Vương đến nay. Đây là tín ngưỡng giản dị của người dân. Niềm tin vào tín ngưỡng chính là liều thuốc tinh thần tạo dựng nguồn sống cho con người. Khi có niềm tin, con người sẽ chịu đựng được mọi tai ương, tật ách”.
Còn theo ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: “Quan điểm của chúng tôi là những tri thức văn hóa dân gian thì bảo tồn, phát huy. Mê tín thì phải ngăn chặn. Ở đây, cấm là cấm phần mê tín trong hầu đồng. Trong dân gian, hiện tượng này có thể được gọi theo nhiều cách, còn trong văn bản pháp luật, chúng tôi gọi là lên đồng phán truyền”. Ông Tuyến cũng cho biết thêm: “Cấm ở bất cứ nơi công cộng nào, đền, chùa, miếu mạo, nơi thờ tự công cộng. Nguyên tắc là vi phạm thì bị phạt. Có người nói phạt vào năm mới hay khi lễ lạt, thờ cúng thì người dân bị xúi quẩy nhưng tuyên truyền mãi không nghe thì phải phạt. Tôi không thể tránh xúi quẩy cho anh để anh làm ảnh hưởng đến người khác”.
Giá các nhà làm luật và các nhà nghiên cứu văn hóa cùng lắng nghe nhau, để “hai thưng vào một đấu”. Khi ra luật, luật có thể đi vào cuộc sống, chứ không để có kẽ hở có những kẻ lợi dụng, hay người dân phản ứng tiêu cực.
Xin thay lời kết bằng lời bác Loan bộc bạch: “Đạo Phật từ Ấn Độ, mình còn yêu. Đạo Thiên Chúa từ “trời Tây” mình còn thương. Vậy lên đồng là nghi lễ của Đạo Mẫu của Việt Nam mình phải yêu thương và phát triển hết mức mới phải chứ! Trước cũng cấm rồi nhưng có được đâu. Mình cứ thông tin rộng rãi cho mọi người theo chính đạo lên đồng. Lúc đó, mọi người đủ hiểu biết để biết đâu là chính đạo đâu là lợi dụng, mê tín dị đoan”.
Minh Hòa