Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc (WMO) vừa ra tuyên bố cho biết, các loại khí nhà kính đã tăng lên một mốc mới đáng kể từ năm 2015, đưa biến đổi khí hậu đi vào một giai đoạn mới có thể kéo dài nhiều thế hệ nếu các chính phủ không kịp thời có hành động kiềm chế sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra.
Nồng độ trung bình trên toàn cầu của khí carbon dioxide (CO2), loại khí nhà kính do con người gây ra, lần đầu tiên trong lịch sử đạt mức 400,0 phần triệu (ppm) trong khí quyển và là mức tăng 44% so với mức trước cuộc cách mạng công nghiệp, WMO cho biết.
Các loại khí nhà kính do con người gây ra là nguyên nhân chính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu. (Nguồn: National Post) |
Sự gia tăng khí CO2 không ngừng này dẫn đến việc gần 200 chính phủ phải tham gia ký Hiệp định Paris năm ngoái để cam kết giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thay thế bằng năng lượng tái tạo trong nửa sau của thế kỷ này.
"Chúng ta đã chứng kiến một kỷ nguyên mới của sự hành động với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nhưng nó cũng là một kỷ nguyên mới của biến đổi khí hậu trong thực tế với nồng độ khí nhà kính cao đến mức kỷ lục," Tổng thư ký WMO Petteri Taalas tuyên bố.
"Vấn đề mấu chốt ở đây là từ ý chí chính trị phải đi đến hành động cụ thể," ông nói trong một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sỹ. "Cho đến nay chúng tôi chưa nhìn thấy một sự thay đổi lớn nào trong hành vi."
Một đài quan sát đặt tại Hawaii, Mỹ (là trạm đo CO2 chính với các số liệu ghi lại từ năm 1958) đã dự đoán rằng nồng độ CO2 sẽ ở mức trên 400 ppm cho cả năm 2016 và không giảm xuống dưới mức này trong nhiều thế hệ tới, WMO cho biết.
Giám đốc nghiên cứu môi trường không khí của WMO, bà Oksana Tarasova nhận định, mức carbon dioxide sẽ tiếp tục tăng trừ khi thế giới dừng đốt các nhiên liệu hóa thạch và bắt đầu trồng cây xanh.
"Chúng ta đã có công nghệ. Vấn đề nằm ở ý chí của con người," bà Tarasova nói, nhắc lại những nỗ lực thành công của châu Âu trước đây trong việc chống lại mưa axit bằng cách giảm sử dụng lưu huỳnh và phát thải khí nitơ.