Liên hợp quốc nhận định, Brazil còn một chặng đường dài phía trước để đạt được bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. (Nguồn: AFL) |
Theo Trưởng đại diện của tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) tại Brazil Anastasia Divinskaya, phụ nữ nước này vẫn đang sống trong điều kiện bất bình đẳng ở nhiều khía cạnh khác nhau, đó là lý do tại sao Brazil phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt được bình đẳng giới về mặt chính trị.
Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù các cơ quan chức năng Brazil đã "chính thức hóa" nhiều cam kết, nhưng các biện pháp được thực hiện cho đến nay là chưa đủ. Bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới được quy định trong Hiến pháp Brazil, song vẫn chưa có điều luật đầy đủ nào quy định về khía cạnh bạo lực chính trị đối với phụ nữ tại quốc gia này.
Báo cáo do UNDP đưa ra là một phần trong nỗ lực thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 vì các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc (LHQ) quy định, trong đó bình đẳng giới được coi là một trong những cách tiếp cận trọng tâm.
Đại diện của UNDP tại Brazil Katyna Argueta cho biết, tổ chức này mong muốn Brazil có thể thực hiện những thay đổi về mặt chính sách nhằm tăng cường bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
Trong một nghiên cứu về bình đẳng giới ở lĩnh vực chính trị được thực hiện vào năm 2019, các chuyên gia đã phân tích khoảng 40 chỉ số liên quan đến các vấn đề như quyền bầu cử, sự tham gia của phụ nữ trong các đảng chính trị, vị trí việc làm trong cơ quan công quyền và sự tồn tại của các cấu trúc hướng tới bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, cùng những vấn đề khác.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy, Brazil xếp ở vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng của 11 quốc gia Mỹ Latinh với 39,5 điểm, chỉ xếp trên Chile (38,2 điểm) và Panama (37 điểm). Quốc gia đứng đầu Mỹ Latinh về thúc đẩy công bằng và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là Mexico, đạt 66,2 điểm, tiếp theo là Bolivia (64 điểm) và Peru (60,1 điểm).