TIN LIÊN QUAN | |
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam tiếp đạo diễn Việt kiều Pháp | |
Người Việt tại Pháp: Văn hóa dân tộc là nguồn sức mạnh nội sinh |
Đạo diễn Lê Lâm (Việt kiều Pháp) |
Lý do gì khiến ông gắn bó và theo đuổi đề tài lịch sử Pháp - Việt?
Sinh sống và có 30 năm làm đạo diễn phim tại Pháp, tôi đã có quyết tâm làm các bộ phim về đề tài Chủ nghĩa thực dân của Pháp ở Đông Dương như “Long Vân Khánh hội” (1981), “Đế chế tàn vụn” (1984), “20 đêm và 1 ngày mưa” (2006). Bởi nó giúp trả lời câu hỏi tại sao một nước tân tiến như nước Pháp lại đi đô hộ nhiều nước trong suốt thế kỷ XIX sang thế kỷ XX?
"Công binh: Đêm dài Đông Dương" là bộ phim mới nhất về đề tài này. Lý do thôi thúc tôi làm phim bởi nếu tôi không làm, người Pháp cũng sẽ làm, và có thể họ sẽ không nói đúng sự thật. Phim của tôi thường nói lên sự thật này qua những nhân chứng sống. Nếu chỉ qua tài liệu sách vở, thông tin có thể thiếu khách quan. Không chỉ minh chứng sự tàn ác của chính sách thực dân, tôi muốn thế hệ người Pháp mới hiểu hơn về quãng lịch sử này cũng như sự giàu có của họ từng đến từ các nước thuộc địa. Lịch sử luôn cần được nhìn lại để thấy rõ sự công bằng.
Những bộ phim này có vẻ khá “nhạy cảm” tại Pháp. Phim của ông đã được công chiếu ở những đâu và người Pháp đón nhận như thế nào?
Thực tế, phim của tôi đã được nhà sản xuất Pháp phát hành và ra mắt khán giả ở rất nhiều rạp lớn. Bản thân tôi cũng đã đi khắp nơi, tới mấy trăm rạp ở các địa phương để giới thiệu. Tại Pháp, công chúng rất cởi mở và nồng nhiệt đón nhận. Phim của tôi đã đạt được một số giải thưởng lớn, nhiều báo Pháp đã có bài viết đề cao chất lượng của phim.
Nhiều lần mang phim về Việt Nam, ông thấy khán giả Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đón nhận các phim này ra sao ?
Gần đây khi tôi mang phim "Công binh: Đêm dài Đông Dương" về Việt Nam công chiếu, khán giả đã đến xem rất đông. Giới trẻ rất quan tâm vì bộ phim đã mở ra một trang sử mà họ chưa từng biết, ngay cả thế hệ lớn tuổi hơn cũng muốn giở lại trang sử bị lãng quên này. Trước và sau buổi chiếu, nhiều bạn trẻ đã gặp tôi để trao đổi kinh nghiệm làm phim. Tôi cũng muốn phát hành phim của mình trong những rạp chiếu thường để mọi khán giả Việt Nam có thể tiếp cận và nhận ra phim tài liệu cũng có chất lượng như là phim truyện.
Hình ảnh tư liệu trong phim lịch sử “Công binh: Đêm dài Đông Dương”. |
Đề tài phim lịch sử hiện vẫn chưa thu hút được giới trẻ Việt tới rạp. Là đạo diễn có nhiều kinh nghiệm, ông có thể chia sẻ bí quyết giúp thể loại phim này trở nên hấp dẫn?
Theo tôi, nội dung phim là quan trọng nhất, phải cuốn hút và phải gây xúc động mới có thể chinh phục được khán giả. Phim “Công binh: Đêm dài Đông Dương” thành công từ chính yếu tố này. Tôi đã thực hiện bộ phim này trong suốt ba năm. Kể lại trang lịch sử đã trôi qua gần 70 năm nay, tôi bắt buộc phải có cách kể chuyện thực sự lôi cuốn được khán giả. Không chỉ nêu chuyện cũ, tôi còn kể nhiều chuyện về những lính thợ (thợ không tay nghề chuyên môn) thời bấy giờ, về những khó khăn và nỗi đau khi bị hiểu lầm và con cháu của họ tới giờ vẫn không dám công khai cha mình là lính thợ Đông Dương...
Khoảng thời gian này thấy ông ở lại Việt Nam khá dài. Có phải ông đang ấp ủ nhiều dự án tại quê hương?
Đúng vậy. Tôi đang muốn hợp tác cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam tổ chức những buổi chiếu phim lịch sử của tôi tới đông đảo khán giả tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng dự định thực hiện dự án xây dựng nhà tưởng niệm về người lính công binh và làm bộ phim lịch sử về những người Chân Đăng đi phu mỏ sang Pháp.
Giống như phim về lính công binh, dự án phim về người Chân Đăng cần có nhân chứng sống tại Việt Nam. Tôi được biết chỉ còn khoảng năm cụ trong danh sách còn sống, nay đều đã gần 100 tuổi. Mới đây, tôi đang định tìm gặp một người thì nghe tin cụ đã mất. Nhân chứng mất là một mảng lịch sử bị mất và sẽ rất khó khăn cho nhà làm phim. Vì vậy, tôi dành trọn thời gian này ở Việt Nam đến các tỉnh, thành để tìm gặp họ và thu thập tài liệu. Sau đó, tôi mới trở lại Pháp và phân tích dự án này có khả quan hay không.
Thông điệp ông muốn gửi gắm thế hệ trẻ qua những bộ phim là gì?
Tôi muốn hướng đến thế hệ kiều bào trẻ đang sinh sống tại Pháp để họ hiểu biết tại sao cha mẹ họ lại sinh sống ở đây, tại sao họ trưởng thành ở đây như những công dân Pháp? Tôi muốn dù sinh ra ở Pháp nhưng không vì vậy mà họ được phép quên đi cội nguồn của mình. Ngược lại, họ nên tự hào về người Việt Nam và nước Pháp cần phải ghi ơn họ, chứ không thể coi họ là người bản xứ hay con cháu của những người từng bị đô hộ. Giới trẻ Việt ở Pháp cũng có quyền tự hào vì người Việt Nam đã và đang đóng góp công sức cho nước sở tại.
Xin cảm ơn ông!
Đạo diễn Lê Lâm sinh năm 1948, tại Hải Phòng. Năm 1966, ông tới Pháp học tập tại trường Bách Khoa Polytechnique, trường Cao đẳng kỹ sư Paris và trường Mỹ Thuật Paris. Sau này, ông hoạt động với tư cách đạo diễn và biên kịch. Ông từng nhận Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn Học (Chevalier des Arts et des Lettres) do Bộ Văn Hóa Pháp trao tặng năm 1986, Huy chương Vàng Liên hoan phim Quảng cáo Quốc tế Cannes 1988 và 1990. Riêng phim "Công binh: Đêm dài Đông Dương" đã đoạt Giải Licorne d’Or tại Liên hoan phim Amiens và đoạt Giải Nhất của Hội đồng giám khảo Liên hoan Pessac. |
Hương vị Pháp của cô gái gốc Việt Nhân dịp Ngày hội Pháp ngữ và chương trình ẩm thực “Hương vị nước Pháp”, Huỳnh Khánh Ly - Quán quân chương trình Masterchef (Vua ... |
Người Việt tại Pháp tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo Cố nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo là một tài năng Việt thành đạt ở nước ngoài, được từ điển danh nhân thế giới Le Petit ... |
“Gia đình lớn” của người Việt ở Pháp Là hội đoàn ra đời đầu tiên trong các hội đoàn người việt ở nước ngoài, Hội người việt tại Pháp (UGVF) luôn khẳng định ... |