Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vẫy tay chào dân chúng sau lễ nhậm chức tại Quốc hội ở Seoul, ngày 10/5. (Nguồn: AFP) |
Lễ nhậm chức của ông Yoon Suk Yeol vào ngày 10/5 diễn ra sau khi Triều Tiên tăng tốc độ các vụ thử tên lửa trên mặt đất và trên biển, một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về môi trường an ninh khó khăn trên Bán đảo Triều Tiên.
Nhìn xa hơn, những rủi ro địa chính trị từ sự cạnh tranh Mỹ-Trung đang đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền ông Yoon Suk Yeol trong khi căng thẳng với Nhật Bản vẫn không suy giảm.
Giáo sư chính trị quốc tế Nam Chang-hee tại Đại học Inha (Hàn Quốc) chỉ ra rằng, ông Yoon Suk Yeol khởi đầu nhiệm kỳ với tình trạng "thâm hụt an ninh" sau khi sáng kiến hòa giải liên Triều của chính quyền tiền nhiệm hầu như không có tiến triển.
Theo Giáo sư Nam Chang-hee, lễ nhậm chức của ông Yoon Suk Yeol diễn ra trong bối cảnh đầy thách thức.
Câu hỏi hóc búa về Triều Tiên
Nhiệm vụ hàng đầu của ông Yoon Suk Yeol có lẽ là đối phó với các mối đe dọa quân sự ngày càng leo thang của Triều Tiên.
Triều Tiên đã tiến hành 15 vụ thử tên lửa từ đầu năm đến nay. Trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã bắn một vật thể được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 4/5 và một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) chỉ 3 ngày sau đó.
Sắp tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới thăm Seoul để dự Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, dự kiến vào ngày 21/5.
Theo Yonhap, ngày 9/5, Mỹ đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 11/5 để thảo luận về các động thái khiêu khích tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Để giải quyết các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Bình Nhưỡng, ông Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ củng cố uy tín về khả năng răn đe mở rộng của Mỹ. Theo đó, Washington cam kết sẽ sử dụng tất cả các năng lực quân sự, cả hạt nhân và thông thường, để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.
Tuy nhiên, việc đảm bảo khả năng thực thi của biện pháp răn đe đó là một vấn đề lớn trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại rằng ICBM của Triều Tiên, nếu hoạt động đầy đủ, có thể ngăn chặn các lực lượng Mỹ, phá hủy "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ và cuối cùng là "chia tách" liên minh Seoul-Washington.
Ngoài việc răn đe, ông Yoon Suk Yeol cũng tính đến khả năng cải thiện quan hệ liên Triều theo lộ trình hợp tác xuyên biên giới, trong đó bao gồm các động lực phát triển kinh tế dành cho Triều Tiên song song với những tiến bộ trong nỗ lực phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, lộ trình này được đón nhận với cả hy vọng và hoài nghi. Những người chỉ trích cho rằng nó giống với sáng kiến không thành công của cựu Tổng thống Lee Myung-bak mang tên "Tầm nhìn 3000: Phi hạt nhân hóa và mở cửa".
Theo đó, Hàn Quốc cam kết giúp Triều Tiên đạt được mục tiêu GDP bình quân đầu người là 3.000 USD dần dần theo các bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Xây dựng liên minh chiến lược "toàn diện" với Mỹ
Một nhiệm vụ ngoại giao quan trọng trước mắt đối với tân Tổng thống Yoon Suk Yeol là xây dựng mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong Hội nghị thượng đỉnh sắp tới, mà ở đó, vấn đề Triều Tiên sẽ được đề cập rõ ràng trong chương trình nghị sự.
Bên cạnh câu hỏi hóc búa về Triều Tiên, ông Yoon Suk Yeol và Tổng thống Biden dự kiến sẽ thảo luận về một vấn đề quan trọng khác là làm thế nào để nâng mối quan hệ đối tác lấy an ninh làm trung tâm thành những gì mà ông Yoon Suk Yeol đã vận động trong chiến dịch tranh cử của mình, một liên minh chiến lược "toàn diện" với Mỹ.
Theo các nhà quan sát, mục tiêu xây dựng liên minh rộng lớn này dự kiến sẽ bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác song phương như chuỗi cung ứng, công nghệ và thúc đẩy các giá trị chung giữa hai nước, chẳng hạn như nhân quyền.
Bình luận về vấn đề củng cố liên minh Mỹ-Hàn, các chuyên gia Mỹ cho rằng, Seoul sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh với Washington dưới thời tân Tổng thống Yoon Suk Yeol, nhưng có thể ở những lĩnh vực và với những cách thức khác so với chính quyền ông Moon Jae-in trước đây.
Dự báo hai nước sẽ tăng cường hơn nữa khả năng răn đe chung đối phó với Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục có các hành động khiêu khích tên lửa.
Ông Frank Aum, chuyên gia cấp cao về Đông Bắc Á tại Viện hòa bình Mỹ, tổ chức tư vấn nhà nước có trụ sở ở Washington, nhận định rằng, liên minh Mỹ-Hàn sẽ phát triển theo những cách khác dưới thời chính quyền Tổng thống Yoon. Theo đó, liên minh này có sự chú trọng nhiều hơn vào khía cạnh quân sự và kinh tế để thể hiện quyết tâm và sự thống nhất của liên minh trong việc đối phó với Triều Tiên.
"Cũng có thể sẽ có những nỗ lực lớn hơn của Hàn Quốc để thể hiện vai trò lãnh đạo của nước này trong cộng đồng quốc tế và chuyển hướng khỏi việc chỉ tập trung chủ yếu vào Triều Tiên", chuyên gia Frank Aum nói.
Trong khi đó, ông Harry Kazianis, Chủ tịch Rogue States Project có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho rằng, liên minh Mỹ-Hàn có thể đã phát triển theo hướng đối thoại và ngoại giao với Triều Tiên dưới thời chính quyền của ông Moon Jae-in trước đây, nhưng giờ đây, liên minh này có thể sẽ tập trung vào khả năng răn đe mạnh mẽ hơn.
Dẫn chứng việc Triều Tiên bắt đầu có các động thái xây dựng lực lượng mạnh mẽ hơn, ông Harry Kazianis tin rằng chính phủ ông Yoon Suk Yeol sẽ phải củng cố lĩnh vực quốc phòng của liên minh. Những nỗ lực đó có thể bao gồm việc khởi động lại các cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc và triển khai thêm các Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Nhà nghiên cứu này lưu ý: "Vì Triều Tiên đã không có bất kỳ động thái có ý nghĩa nào trong nhiều năm qua để đạt được thỏa hiệp về chương trình hạt nhân hoặc tên lửa, nên ông Yoon Suk Yeol và ông Biden phải tăng cường các nỗ lực để đảm bảo Triều Tiên không có lợi thế quân sự nhờ vào hệ thống tên lửa và hạt nhân hiện tại của họ".
Về phần mình, bà Celeste Arrington, Phó Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington (Mỹ), nhận định, việc quản lý liên minh sẽ "suôn sẻ hơn" dưới thời ông Yoon Suk Yeol, một phần vì Bình Nhưỡng tiếp tục không muốn tham gia đối thoại đã khiến Washington và Seoul xích lại gần nhau hơn.
Bên cạnh đó, bà Celeste Arrington cũng chỉ ra, việc ông Yoon Suk Yeol hứa sẽ cộng tác để khôi phục lại mối quan hệ Nhật-Hàn là dấu hiệu tốt cho sự phối hợp ba bên giữa Seoul, Washington và Tokyo.
Đồng tình với quan điểm cho rằng Seoul và Washington có thể sẽ tập trung vào khả năng răn đe với Triều Tiên trong thời điểm hiện tại, chuyên gia này khẳng định: "Sự phối hợp giữa Hàn Quốc và Mỹ nhằm đối phó với Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục nhấn mạnh khả năng răn đe và phòng thủ, đồng thời sẵn sàng đối thoại bất cứ khi nào Bình Nhưỡng muốn”.
Trong khi thảo luận về việc mở rộng liên minh với Mỹ, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ phải cân nhắc về mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác quan trọng của Seoul về thương mại, du lịch và thúc đẩy hòa bình với Triều Tiên. (Nguồn: istock) |
Cân bằng giữa hai cường quốc
Tuy nhiên, trong khi thảo luận về việc mở rộng liên minh với Mỹ, chính quyền ông Yoon Suk Yeol sẽ phải cân nhắc về mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác quan trọng của Hàn Quốc về thương mại, du lịch và thúc đẩy hòa bình với Triều Tiên.
Bàn về vấn đề này, ông Park Won-gon, Giáo sư về Bắc Triều Tiên tại Đại học nữ sinh Ewha, nhấn mạnh: “Một cuộc cạnh tranh có ‘tổng bằng không’ ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đang buộc Hàn Quốc phải đưa ra lựa chọn giữa các cường quốc là các trục an ninh và kinh tế (của Hàn Quốc)".
Theo vị Giáo sư này, mặc dù Tổng thống Yoon Suk Yeol ám chỉ ông sẽ tập trung vào việc củng cố liên minh với Mỹ, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đạt được sự cân bằng phù hợp giữa hai cường quốc?
Một vấn đề có thể khiến Bắc Kinh phật ý là cam kết của ông Yoon Suk Yeol trong chiến dịch tranh cử vừa qua về việc triển khai thêm THAAD do Mỹ sản xuất, thứ mà Trung Quốc cho rằng sẽ làm suy yếu lợi ích an ninh của nước này.
Các trợ lý của ông Yoon Suk Yeol, như ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin, gần đây đã thể hiện lập trường thận trọng về vấn đề THAAD, động thái mà các nhà phân tích cho rằng phản ánh việc họ nhận ra khoảng cách giữa việc điều hành đất nước thực sự và vận động tranh cử.
Hướng tới tương lai với Nhật Bản
Tân Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Trong 5 năm qua, Seoul và Tokyo đã vướng vào những tranh cãi xuất phát từ các vấn đề trong quá khứ.
Tuy nhiên, với tâm trạng lạc quan thận trọng, ông Yoon Suk Yeol nhấn mạnh mong muốn phát triển mối quan hệ "hướng tới tương lai" với Nhật Bản và nêu cao tinh thần của tuyên bố năm 1998 giữa Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Kim Dae-jung và Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi.
Tuyên bố này đã mở đường cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước vào thời điểm đó, khi ông Obuchi bày tỏ "sự hối hận sâu sắc" và xin lỗi về "những thiệt hại và nỗi đau to lớn" mà Nhật Bản đã gây ra cho người Hàn Quốc trong lịch sử.