📞

'Lỗ hổng' ứng xử văn minh nơi công cộng nhìn từ việc xả rác sau show BlackPink

Phi Khanh 09:16 | 05/08/2023
ThS. Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty giáo dục kỹ năng Angel cho rằng, nhìn từ việc xả rác sau đêm diễn của nhóm BlackPink, phải chăng còn "lỗ hổng" trong giáo dục tinh thần trách nhiệm và ứng xử văn minh nơi công cộng...
ThS. Đinh Văn Thịnh cho rằng, hành động xả rác sau show diễn của nhóm BlackPink nghĩ về việc cần thiết giáo dục ứng xử văn minh nơi công cộng cho trẻ. (Ảnh: NVCC)

Hai đêm diễn của nhóm BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình vừa qua thu hút gần 67.000 khán giả. Tuy nhiên, sau đêm diễn, trên khán đài và khắp đường phố là lượng rác khổng lồ gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng, đây là sự thất bại của giáo dục...

Nhóm nhạc Blackpink sang Việt Nam biểu diễn thu hút sự quan tâm của dư luận, đây là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước. Thế nhưng sau đêm diễn, giới trẻ gây “choáng” khi ra về đã để lại trên sân và khắp đường đi một lượng rác khổng lồ, Góc nhìn của ông thế nào?

Hình ảnh rác thải sau đêm nhạc bộc lộ phần nào "lỗ hổng" ý thức trách nhiệm cộng đồng, thiếu sự văn minh của một số thành phần người trẻ.

Hình ảnh này ở khía cạnh nào đó cũng khiến cho bạn bè quốc tế có góc nhìn tiêu cực về giới trẻ nước ta. Đồng thời, phần nào giảm sự tin tưởng và nghi ngờ về ý thức cộng đồng của người Việt Nam khi tham gia học tập, du lịch, sự kiện ở nước ngoài.

Ngoài ra, cũng cần đầu tư thùng rác công cộng nhiều, trong các sự kiện cần chuẩn bị đầy đủ thùng rác để có thể đáp ứng lượng rác, khâu tổ chức cần chặt chẽ, giám sát nghiêm ngặt, cần có những hình phạt cho hành vi xả rác bừa bãi.

Nhiều người đã chỉ trích hành động này là thiếu ý thức, thậm chí là sự thất bại của giáo dục từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Quan điểm ông của ra sao?

Điều này cho thấy, sự giáo dục ý thức trách nhiệm cộng đồng trong nhà trường, gia đình và ngoài xã hội còn hạn chế và lỏng lẻo, còn giáo dục qua loa. Nói đúng hơn, giáo dục chưa thành công trong việc xác lập hành xử đúng đắn, văn minh của người trẻ nơi công cộng, khiến cho họ không cảm thấy áy náy vì việc mình làm.

Nhưng suy đi nghĩ lại, không thể nào đổ lỗi hoàn toàn là do giáo dục từ nhà trường, gia đình hay xã hội mà ra. Bởi vì sự lĩnh hội kiến thức của mỗi cá nhân là khác nhau, các yếu tố chủ quan, khách quan, kinh nghiệm sống và những gì đã trải qua trong cuộc đời cũng đều tác động không nhỏ đến mỗi cá nhân.

Thực tế, người trẻ khi gặp thần tượng sẽ trở nên năng động và có những hành vi thiếu kiểm soát, điều mà người trẻ quan tâm lúc này là được nhìn thần tượng, được cùng hòa chung vào bầu không khí sôi động. Những khía cạnh khác không còn là vấn đề cho người trẻ phải bận tâm nhiều, vì với lối suy nghĩ dọn rác sau một sự kiện nào đó không phải là công việc của bản thân mình.

Theo tôi, giáo dục ý thức trách nhiệm, sự văn minh trong cộng đồng không chỉ giáo dục bằng lời nói mà còn cần thể hiện bằng hành động quyết liệt, làm gương sáng cho nhau nơi nhà trường, gia đình và xã hội. Ngoài ra, cần đầu tư thùng rác công cộng nhiều và đồng bộ, dễ dàng tạo thành thói quen và hình thành lối sống văn minh mọi nơi, mọi lúc.

Nhớ lại, hành động đẹp khi thu gom rác trên khán đài của cổ động viên Nhật Bản sau trận đấu World Cup 2022 có phải đáng suy nghĩ?

Có thể nói, ứng xử văn minh nơi công cộng của người Nhật từ lâu đã trở thành một giá trị. Từ việc thu gom rác hay nhẫn nại xếp hàng, không chen lấn, cúi đầu cảm ơn khi được nhường đường... chỉ là những ví dụ cụ thể. Đáng nói, điều này đã thành thói quen, một kỷ luật mang tính cộng đồng.

Câu chuyện các cầu thủ Nhật Bản dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng phòng thay đồ cho đến cổ động viên Nhật nhặt rác sau trận đấu tại World Cup 2022, cần nghĩ về tầm quan trọng của giáo dục tinh thần trách nhiệm và ứng xử văn minh nơi công cộng cho trẻ.

Bản thân tôi không muốn so sánh người Việt Nam với bất kỳ nước nào. Nhưng nhìn người lại ngẫm đến ta, để cố gắng và thay đổi, chỉ mong rằng người trẻ Việt Nam sẽ phải tự soi lại bản thân mình. Từ đó, có những thay đổi trong suy nghĩ, lời nói và hành động, có ý thức trách nhiệm cho cộng đồng hơn, góp phần xây dựng hình ảnh đất nước tươi đẹp, con người văn minh trong mắt cộng đồng quốc tế.

Rác thải ngập tràn sân vận động quốc gia Mỹ Đình sau đêm BlackPink biểu diễn. (Nguồn: Thanh niên)

Giáo dục là truyền cho trẻ các thông điệp va tạo môi trường phù hợp cho học sinh trưởng thành, dần tạo được thói quen cống hiến và cư xử văn minh? Trách nhiệm của giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường như thế nào?

Trách nhiệm giáo dục của nhà trường và gia đình là rất cần thiết. Trong đó, giáo dục sống động và hữu hiệu nhất theo tôi là bằng chính gương sáng của thầy cô, cha mẹ…

Ứng xử văn minh nơi công cộng của người Nhật rất đáng chú ý. Để có điều đó phải dựa vào giáo dục và thực hành liên tục trong cuộc sống chứ không phải ngày một ngày hai. Càng không thể “trăm sự nhờ thầy cô” được mà để tạo lập được thói quen, nếp sống và ứng xử văn minh thì phải được giáo dục trong cả "kiềng 3 chân" là gia đình – nhà trường – xã hội. Làm sao để mỗi cá nhân phải được trải nghiệm, rèn luyện và thực hành thường xuyên, liên tục.

Có thể nói, giáo dục đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra giá trị đúng đắn, hành xử văn minh. Nhiều việc tuy nhỏ như lời chào, cái cúi đầu cảm ơn, cúi xuống nhặt rác, không xả rác nơi công cộng... nhưng lại có ý nghĩa lớn, giúp trẻ trở thành người tử tế trong tương lai. Điều này chúng ta có thể học được từ người Nhật.

Phải chăng, chúng ta cần làm gì để tạo môi trường phát triển thuận lợi hơn cho trẻ, để trở thành công dân ứng xử văn minh cả trong nước hay ở nước ngoài?

Giáo dục trong nhà trường và các hoạt động trong gia đình cần lồng ghép việc giáo dục ý thức trách nhiệm cộng đồng, bảo vệ môi trường. Nhà trường cần có những quy định nghiêm ngặt cho việc giữ gìn vệ sinh lớp học và trong nhà trường. Gia đình cần giáo dục và hướng dẫn con trong hoạt động giữ gìn vệ sinh nhà cửa, hoạt động vui chơi, dã ngoại, sự kiện.

Để trở thành một công dân văn minh trong lối sống thì mỗi người chúng ta cần trở thành những “camera” nhắc nhở và góp ý tích cực cho nhau trong việc cùng nhau bảo vệ, giữ gìn vệ sinh chung.

Nhà trường, gia đình, xã hội cần đầu tư thùng rác để đáp ứng lượng rác thải, nếu chỉ bằng triết lý giáo dục thông qua lời nói mà không có những hành động cụ thể và những quy định rõ ràng đồng bộ thì việc thiếu ý thức, những hình ảnh rác thải sau những sự kiện sẽ còn tái diễn.

Tất nhiên, giáo dục không phải là “lên lớp” về đạo đức mà là truyền cho trẻ các thông điệp, tạo ra môi trường thuận lợi để các em trưởng thành, phát triển. Với người được sống trong môi trường được đề cao cách ứng xử văn minh hẳn sẽ tạo lập được những hành xử văn minh. Do vậy, nhà trường và gia đình cần phải tạo ra môi trường để hướng trẻ đến các giá trị cao đẹp.

Không phải đề cao những điểm số cao mà trẻ đem về, hãy hướng đến các mục tiêu giáo dục nhân cách. Khi đó, các lớp trẻ trong tương lai sẽ có những ứng xử đẹp, văn minh dù ở nhà hay ra ngoài xã hội, dù trong nước hay quốc tế.

Xin cảm ơn ông!