Nhiều nghiên cứu chỉ ra vaccine Covid-19 của Moderna hiệu quả với biến thể Delta hơn một số loại vaccine khác. (Nguồn: Reuters) |
Biến thể Delta là một biển chủng của virus corona gây ra dịch bệnh Covid-19, lần đầu được ghi nhận tại Ấn Độ vào cuối năm 2020 và được chính thức đặt tên là biến thể Delta vào 31/5/2021. Biến thể Delta còn có tên khoa học là B.1.617.2.
Là biến thể có tốc độ lây lan kinh hoàng và rất nhiều người không có biểu hiện hoặc có triệu chứng, nhưng lại có sức tấn công mạnh hơn đối với sức khỏe con người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia và các chuyên gia y tế hàng đầu đều thống nhất tiêm đủ 2 mũi vaccine, thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch và tăng cường độ che phủ của vaccine trên toàn thế giới là biện pháp hữu hiệu để chống Covid-19.
Cũng theo WHO, đến nay vaccine mặc dù có giảm hiệu quả nhưng vẫn có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa biến thể Delta. Các loại vaccine được cấp phép đều có hiệu quả theo từng mức khác nhau.
Hiện nay, có ít nhất 17 vaccine phòng Covid-19 đã được triển khai, trong số đó có 7 vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vào Danh sách sử dụng khẩn cấp. Những vaccine này là Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.
Tuy nhiên, mới đây, theo một nghiên cứu tại Mỹ và Israel, vaccine Covid-19 của Moderna dường như có hiệu quả nhỉnh hơn trước biến Delta so với một số loại vaccine khác.
Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đã phân tích số liệu của hơn 50.000 người được tiêm vaccine trên hệ thống của Bệnh viện Mayo. Kết quả cho thấy, hiệu quả của vaccine Moderna giảm từ 86% (hồi đầu năm) còn 76% (tháng 7/2021 - thời điểm biến thể Delta phổ biến ở Mỹ).
Cùng giai đoạn, hiệu quả của Pfizer từ 76% xuống mức 42%.
Mặc dù cả hai cùng sử dụng công nghệ mRNA, nhưng hiệu quả trước biến thể Delta của Moderna cao hơn Pfizer khoảng 34%.
Tại Israel, kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 1 liều, vaccine Pfizer có 36% hiệu quả chống lại bệnh có triệu chứng từ biến thể Delta. Chỉ số này ở vaccine AstraZeneca là 30%.
Rõ ràng, hiệu quả từ vaccine Pfizer có giảm trước biến thể Delta so với chủng gốc và các biến thể khác, nhưng loại vaccine này vẫn có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng hoặc nhập viện.
Kết quả phân tích dữ liệu từ thực tế tại Israel cũng chỉ ra rằng những người đã tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer/BioNTech từ 5 tháng trở lên có nhiều khả năng dương tính với virus hơn người tiêm đầy đủ vaccine dưới 5 tháng. Hiện nước này đã có hơn 62% dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Liên quan đến mức độ bảo vệ người được tiêm trước biến thể Delta, người phát ngôn của hãng Pfizer từ chối bình luận về dữ liệu này và đã trích dẫn các nghiên cứu khác cho thấy các kháng thể tạo ra từ vaccine vẫn có thể vô hiệu hóa nhiều biến thể, bao gồm cả Delta mặc dù mức hiệu quả có giảm.
Hiện tại, trên thế giới, tổng số liều vaccine đã được tiêm là hơn 4,7 tỷ, trong đó tiêm mũi 2 là hơn 1,8 tỷ liều.
Tại Việt Nam, tính đến tối ngày 18/8, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 15.518.869, trong đó tiêm 1 mũi là 14.032.444 liều, tiêm mũi 2 là 1.486.425 liều.
Không vaccine nào hiệu quả 100%, nhưng các loại vaccine hiện nay đã được chứng minh có thể ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện.
Chính vì vậy, mỗi người dân cần tiêm vaccine và thực hiện thông điệp 5K. Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Đây chính là cách bảo vệ bản thân, gia đình và góp phần đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới một cách sớm nhất.