Nhỏ Bình thường Lớn

Lối đi nào cho nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19?

Dưới tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam đã sụt giảm đáng kể. Vậy làm thế nào để nền kinh tế sớm phục hồi, nâng cao năng lực nội tại, cải thiện năng lực cạnh tranh và tăng sức chống chịu trước các cú sốc trong tương lai?

Vấn đề này đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp phân tích và bàn thảo tại Hội nghị tham vấn về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 1/10.

Lối đi nào cho nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19?
"Sức khỏe" của nền kinh tế Việt Nam đã sụt giảm đáng kể do tác động của Covid-19. (Nguồn: VGP News)

Thiếu các giải pháp tổng thể, dài hạn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Kinh tế tăng trưởng chậm lại khi 9 tháng của năm chỉ đạt 1,42%. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy.

Không chỉ có vậy, chi phí hầu hết mọi ngành sản xuất đều tăng cao trong khi năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút. Điều này dẫn đến những nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp bị bào mòn, kéo theo đời sống của người dân, người lao động rất khó khăn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính sách của Chính phủ thời gian qua đã hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân nhưng chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào giải quyết những khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân thông qua tác động về phía cung của nền kinh tế.

Tin liên quan
Đừng làm khó doanh nghiệp vì các quy định bất hợp lý Đừng làm khó doanh nghiệp vì các quy định bất hợp lý

“Chính sách hỗ trợ này vẫn thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai”, ông Dũng nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, những gói hỗ trợ hiện nay triển khai còn khá chậm, manh mún, rất thủ công.

Chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế, ông Lực cho biết, để cứu trợ nền kinh tế, nhiều quốc gia đã tung ra gói hỗ trợ chưa lớn từng có. Bình quân thế giới chi gói hỗ trợ bằng 16% GDP, các nước đang phát triển khoảng 7% GDP.

“Việc triển khai rất nhanh gọn, có thời gian cụ thể, 3 tháng hay 7 tháng phải xong. Họ chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng. Có tiền phải tiêu để cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, những chương trình hỗ trợ này không phải thực thi một cách bừa bãi mà đi kèm với lộ trình, có sự kiểm soát”, ông Lực dẫn chứng.

Đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Góp ý tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VASMIE) đánh giá, các gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành còn ở mức khiêm tốn. Việc giảm hoãn thuế mang tính cầm chừng, mức độ hỗ trợ ít so với nhu cầu, thời gian hỗ trợ ngắn trong khi thủ tục rườm rà.

Theo đó, VASMIE kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan điều chỉnh các gói hỗ trợ phù hợp hơn với các bên cần hỗ trợ. Còn giải pháp căn cơ là đẩy nhanh tốc độ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 80% dân số trong năm 2021.

Về hỗ trợ tín dụng của ngành ngân hàng thời gian qua, đại diện Hiệp hội này đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần thay đổi gói hỗ trợ theo sát nhu cầu của doanh nghiệp hơn bởi nhiều chính sách hiện nay không còn phù hợp với thực tế. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chịu lãi suất tín dụng 9-10%, đề nghị giảm xuống 7-8% cho tất cả khoản vay, kể cả khoản vay cũ.

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, để đạt được mục tiêu từ nay đến giữa năm 2022, ngành du lịch có thể phục hồi, các chính sách tiền tệ mà Chính phủ đưa ra cần thông thoáng và có các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt.

“Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành gần như tê liệt vì phải đóng cửa, 60% doanh nghiệp rất khó phục hồi lại được. Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ từng loại doanh nghiệp lữ hành, từ doanh nghiệp phải phá sản, giải thể đến các doanh nghiệp cố gắng hoạt động trở lại; tạo điều kiện đón khách du lịch quốc tế, có sự ưu tiên trong tiêm vaccine cho nhân lực trong lĩnh vực du lịch; xác định áp dụng ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành”, bà Lan nêu kiến nghị.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), giai đoạn tới, Chính phủ cần xem xét chi mạnh hơn nữa vì điều kiện hiện nay tốt hơn nhiều so với đợt khủng khoảng 10 năm trước khi lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ cao, hệ thống tài chính ổn định…

Lối đi nào cho nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19?
Đại diện VASMIE đánh giá, các gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành còn ở mức khiêm tốn. (Nguồn: Báo Nhân dân)

“Tôi cho rằng, dư địa phục hồi kinh tế còn rất lớn. Thời điểm này, chúng ta phải chi mạnh hơn, không thể tiết kiệm như vừa rồi. Ngoài lãi suất, chúng ta có thể mở cung tiền, tăng tín dụng, có những gói tín dụng đặc biệt. Dư địa còn nhiều, nhưng chúng ta lại quá chú ý đến rủi ro”, ông Cung nói.

Để mở cửa lại nền kinh tế, ngoài việc tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh, ông Cung đề xuất Chính phủ xem xét thêm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Song hành cùng gói hỗ trợ doanh nghiệp, ông Cung đề xuất các giải pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động và cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư, kiên trì tháo bỏ rào cản.

Chia sẻ góc độ của chuyên gia quốc tế, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam cần mở cửa một cách an toàn, bảo đảm quan hệ thông suốt, lành mạnh giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng như cẩn trọng với nợ xấu xuất hiện.

Đối với những nhân tố khách quan, chi phí logistics toàn cầu tại Việt Nam đang tăng mạnh, Việt Nam cần chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển lĩnh vực vận tải đa phương tiện… Đồng thời, Việt Nam cần chủ động tận dụng các Hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: EVFTA là trợ lực ý nghĩa giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: EVFTA là trợ lực ý nghĩa giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19

Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới khó khăn hơn, thách thức hơn dưới áp lực chưa từng có của dịch Covid-19, tuy ...

8 nhóm giải pháp

Trong giai đoạn 2022-2023, để từng bước hồi phục kinh tế, Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần thực hiện 8 giải pháp quan trọng:

Thứ nhất, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022 nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Thứ hai, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất; tiết kiệm chi thường xuyên.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hành chính các cấp.

Tin liên quan
Không để đà hồi phục kinh tế bị chặn lại Không để đà hồi phục kinh tế bị chặn lại

Thứ tư, phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Phát triển ngành du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường; thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại và giảm thuế, phí ô tô trong nước.

Thứ năm, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng (tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất với một số đối tượng cụ thể); tài chính (miễn, giảm thuế, phí); sản xuất; phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thứ sáu, phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động trong các KCN, KKT; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông và nông nghiệp, thủy lợi, dự kiến nguồn vốn đầu tư công trong 2 năm 2022-2023 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Thứ bảy, phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước.

Thứ tám, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động.

Kinh tế số - đường đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam

Kinh tế số - đường đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam

Đối với Việt Nam, tương lai để tăng trưởng kinh tế nằm ở việc tận dụng được tối đa các công nghệ kỹ thuật số, ...

TS. Nguyễn Đình Cung: 'Chúng ta mở cửa chậm hơn thế giới là gay go'

TS. Nguyễn Đình Cung: 'Chúng ta mở cửa chậm hơn thế giới là gay go'

Trạng thái chờ đợi, tâm lý có chỉ đạo mới làm đang cản trở tốc độ tăng trưởng của Việt Nam lúc này.